Aa

Nền kinh tế tiếp đà hồi phục rõ nét

Thứ Năm, 01/02/2024 - 06:00

Tiếp tục xu hướng tích cực từ những tháng cuối năm 2023, nền kinh tế ngày càng có dấu hiệu hồi phục rõ nét.

Tiếp tục xu hướng hồi phục

Có thể nói, các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2024 khá tích cực. Một trong những điểm sáng tiếp tục được nhắc tới chính là thu hút đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký tính đến ngày 20/1/2024 đã lên tới 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc đầu tư vào Việt Nam không phải chỉ vì những thuận lợi trong môi trường đầu tư, kinh doanh, hay các yếu tố liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư…, mà còn vì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế 100 triệu dân.

“Mặc dù kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và linh hoạt. Một dấu hiệu quan trọng là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng việc mới đây Nestlé Việt Nam lên kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam”, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham nói tại buổi công bố Sách Trắng 2024.

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi, được thể hiện rõ vào quý IV/2014, với tăng trưởng GDP của quý lên tới 6,72%.

Nền kinh tế tiếp đà hồi phục rõ nét- Ảnh 1.

Sản xuất hồi phục, nên xuất nhập khẩu cũng tính cực hơn. Trong ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu đang được luân chuyển qua cảng Hải Phòng.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, cả thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiêu dùng… đều có tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tuy giảm 4,4% so với tháng trước, nhưng tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, tăng tới 19,3%, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đáng nói, theo Tổng cục Thống kê, IIP tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 60 địa phương và chỉ còn giảm ở 3 địa phương trong cả nước. Trong đó, một số địa phương có IIP đạt mức tăng khá cao, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh có IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 157,9%. Con số này ở Bắc Giang là 57,7%; tại Nam Định tăng 56,9%; Vĩnh Long tăng 51,2%...

Sản xuất phục hồi nên xuất nhập khẩu cũng tính cực hơn. Tổng cục Thống kê những tháng gần đây không còn ước tính con số của cả tháng nữa, mà đã lấy con số thực tế đạt được từ Tổng cục Hải quan. Và do vậy, tuy tính là số liệu thống kê của tháng 1/2024, song thực tế, con số chỉ được tính đến ngày 15/1.

Mặc dù chỉ trong nửa tháng, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sơ bộ đã đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu đạt 14,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đã tăng trở lại, và đây rõ ràng là một xu hướng tích cực.

Đáng nói, theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong nửa tháng đầu năm, đã có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt hơn 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,246 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Đây là hai mặt hàng mà năm ngoái chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nhu cầu tăng thấp của thị trường toàn cầu.

Không chỉ sản xuất công nghiệp hay xuất nhập khẩu, có thể viện dẫn một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô khác để chứng minh xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Chẳng hạn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).

“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Trong khi đó, nhờ các chính sách thu hút du lịch kịp thời, chỉ trong tháng 1/2024, đã có hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự có mặt của đông đảo du khách quốc tế cũng góp phần thúc đẩy sức mua của nền kinh tế tăng cao.

Khi cả tiêu dùng trong nước và ngoài nước đều tích cực hơn, sẽ tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh. Đó cũng là một trong những lý do khiến chỉ trong tháng 1/2024, đã có 27.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 13.500 doanh nghiệp.

Biến số “bối cảnh quốc tế”

Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô là tích cực, nhưng khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Phát biểu tại cuộc gặp với các đối tác phát triển và các nhà đầu tư nước ngoài nhân dịp Tết Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh rằng, sau khi chiến thắng các “cơn gió ngược” trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào năm 2024 - năm mà dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi.

Mặc dù kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và linh hoạt.

Thực tế, có một điều phải nhắc tới, đó là việc các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2024 có tốc độ tăng nhanh so với cùng kỳ năm ngoái, còn liên quan đến việc tháng 1/2023 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Năm nay, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, do vậy, các chỉ số kinh tế vĩ mô khi so sánh với cùng kỳ có thể chưa phản ánh hết xu hướng chung. Tuy vậy, xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế là có thật, mặc dù khó khăn phía trước không nhỏ.

Một ví dụ dễ thấy, đó là IIP của tháng 1/2024 đã giảm so với tháng 12/2023. Hơn nữa, một số địa phương vẫn có tốc độ tăng IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp, thậm chí còn giảm. Chẳng hạn, Bắc Ninh giảm tới 12,6%, Cà Mau giảm 9,2%, còn Lào Cai giảm 2,3%. Bắc Ninh chính là địa phương có tốc độ sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu tăng cao trong những năm vừa qua, nhờ sự xuất hiện của hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài lớn, như Samsung, Canon, Goertek… Việc công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh này tiếp tục sụt giảm cho thấy, tình hình chung còn nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn cho địa phương, mà còn ảnh hưởng tới kinh tế cả nước.

Một chỉ số khác cũng rất đáng quan tâm, đó là xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực vẫn tiếp tục giảm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu tháng 1/2024, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 1,29 tỷ USD, giảm 17,8%; còn xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt trên 1,63 tỷ USD, giảm 4,6%. Đơn hàng vẫn chưa thực sự quay trở lại, điều đó cho thấy, sản xuất, xuất khẩu vẫn chưa thể sớm phục hồi mạnh mẽ.

Tương tự, một con số rất đáng quan tâm là chỉ trong tháng 1/2024, đã có tới 53.900 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy, nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vậy cơ hội nào cho nền kinh tế trong năm 2024? Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm nay. Đó là GDP sẽ tăng trưởng 6,13% hoặc 6,48%. Cả hai kịch bản này cùng nằm trong mục tiêu điều hành của Chính phủ và mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị (6-6,5%) và đều là các kịch bản tương đối lạc quan. Cách đây chưa lâu, Ngân hàng HSBC dự báo, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6% trong năm 2024. Con số tương tự cũng được ABD đưa ra. Trong khi đó, WB dự báo con số thấp hơn, chỉ 5,5%.

Việc kinh tế Việt Nam đi theo kịch bản nào, theo các chuyên gia kinh tế, phụ thuộc rất lớn vào một biến số chung là kinh tế toàn cầu. Thực tế, hiện nay, ngay cả các tổ chức quốc tế cũng có những dự báo rất khác nhau về kinh tế toàn cầu, và một trong những nguyên nhân là do xung đột chính trị đang căng thẳng. Xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, thì tới xung đột ở dải Gaza và mới đây, Biển Đỏ cũng dậy sóng. Kinh tế thế giới vì thế được cho là còn nhiều yếu tố bất định, khôn lường và rất khó dự báo và điều này sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, cơ hội với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu (Tập đoàn UOB) cho biết, ông kỳ vọng năm 2023, hoạt động thương mại sẽ được cải thiện cũng như thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ.

“Việc lãi suất được dự đoán sẽ giảm ở Mỹ sẽ cải thiện nhu cầu và cải thiện nhiều hoạt động ở Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi về mặt xuất khẩu và ngành sản xuất. Ngoài ra, tôi nghĩ lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2024 cũng được cải thiện. Đó chính là những lĩnh vực mà tôi thấy sẽ có nhiều cải thiện hơn nữa trong năm 2024”, ông Suan Teck Kin bày tỏ.

Trong khi đó, ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC kỳ vọng nhìn thấy sự phục hồi ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2024, điều đó sẽ mang lại thuận lợi nhất định cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

“Có thể, những diễn biến trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng tôi tin, Việt Nam có những nền tảng cơ bản mạnh  để tiếp tục vững vàng tăng trưởng”, ông Ahmed Yeganeh nói.

Tất nhiên, cùng với các kỳ vọng, còn là những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top