Nước mình, miền Nam quanh năm nắng, khí hậu ôn hòa vì chẳng có mùa đông. Trời Sài Gòn sớm nào cũng hoe hoe nắng và chiều thì hiu hiu lá me bay trên những con đường dài rộng. Những con người Sài Gòn cũng vậy, chân chất dễ hiểu, dễ gần và dễ mến.
Miền Bắc lại như một cô nàng đỏng đảnh, có chút lãng mạn, lại có chút sâu sắc ý vị, nhưng cũng đầy khó hiểu, đầy rắc rối và lắm lúc cũng ngột ngạt lắm thay. Điều tôi yêu ở nơi đất Bắc này chính là cái nếp sống văn hóa lâu đời đã ngấm vào mạch nguồn tâm thức và trở thành dòng chảy xuyên suốt nhiều thế hệ. Mỗi con người tôi gặp, mỗi mái nhà và ngôi làng tôi từng ghé qua đều có một nếp sống. Nếp nhà và nếp đất, nếp quê.
Những cô gái ý tứ rồi nên thành những người mẹ tảo tần, vun vén chăm lo cho một mái ấm của mình. Những chàng trai mang khát vọng tiếp nối ông cha mà sau thành những trụ cột gìn giữ gia phong. Họ cũng lại chính là những người cha dạy cho con mình biết phát huy những gì là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, trở thành những thế hệ kế thừa xứng đáng. Ngày nay tuy chẳng còn phải là tề gia, trị quốc hay bình thiên hạ, nhưng những người trai trẻ chí khí vẫn tự nhắc mình nghiêng vai để gánh vác những trọng trách mà gia đình và xã hội cần ở họ.
Đất Bắc, nơi những ngôi làng còn lại bao hội hè, đình đám, bao miếu đền, cốt chỉ để giữ lấy một nếp sống cho người người không quên nguồn cội, không quên người với người một nước là bầu bí chung giàn và phải giữ đạo “uống nước, nhớ nguồn".
Tôi có duyên may đã từng sống ở nhiều vùng đất trên các miền của tổ quốc thân yêu. Ngoài quê mẹ ở nơi mảnh đất miền Trung cằn khô nắng lửa, nơi nào đã tới, đã gắn bó, tôi đều thương, đều yêu tha thiết. Quê tôi, người dân chân tình thực thà, đơn sơ như chính mảnh đất đã sinh ra họ. Biết bao cuộc đời như những hạt cát trắng khô lăn lăn dưới nền trời rát bỏng.
Mảnh đất cằn khô nên con người cũng có tính cách dường như khô khan. Họ không biết cách thể hiện tình cảm thật lãng mạn hay ngọt ngào, không thường quen nói những lời có cánh hay đưa đãi. Người dân quê tôi cứ thế sống bên nhau, với xóm làng hay trong gia đình, đơn sơ, lặng lẽ nhưng cần mẫn, thủy chung và chu tròn phận mình.
Tôi có cô bé học trò tên Thủy. Thủy là một cô gái mạnh mẽ, giản dị và thông minh. Cô gái này sinh ra ở một làng quê Bắc bộ nên cũng mang trong mình nhiều nét điển hình của những người con gái xứ này. Tế nhị, nhẹ nhàng và thân thiện nhưng cũng vô cùng tỉ mỉ, sâu sắc.
Trong một buổi trà chiều mùa Hạ, tôi nhận được điện thoại của Thủy và những lời băn khoăn.. Thủy đang đứng trước lựa chọn, hoặc cứ sống như bây giờ ở lại thành phố. Thủy đã ra trường 5 năm và có nhà riêng có công việc độc lập, thuận lợi mà nhiều người mong ước. Cuộc sống tự do của cô gái trẻ cũng nhiều thú vị, khi thì đọc sách, café, khi thì du lịch sống ảo, khi thì bày biện học làm bánh nấu nướng.
Đúng là tự tại. Nhưng phải lựa chọn bởi, Thủy có bạn trai người nước ngoài. Giờ nếu đi nước ngoài và lấy chồng, ở nơi xứ lạ, cô sẽ không đi làm và phải phụ thuộc chồng. Chưa tính đến những mối lo về nếp sống và văn hóa khác biệt. Hơn nữa, đi ra nước ngoài là xa quê hương, xa gia đình, bố mẹ và thầy bạn, là sẽ nhiều lúc cô đơn và nhớ nhung, rồi nhiều lúc đau ốm và tủi thân nơi xứ người… Đi hay ở, lựa chọn nào cũng khó khăn. Thủy điện thoại để chia sẻ và mong đợi thêm một lời khuyên nào đó để cô bé được an tâm với quyết định sắp tới của mình.
Tôi bảo rằng, mọi lựa chọn nào cũng đều có những điều hữu ích, bởi do người ta tự tưởng ra cho mình một chuẩn mực nào đó về hạnh phúc nên mới nảy sinh tâm so đo hay hối tiếc. Cuộc sống là một trường học, cố nhiên, nó không phải một cái chợ để người ta trả giá và lựa chọn con đường của mình như những cuộc đổi chác, bán mua. Nếu xác định được điều đó, mình sẽ không mặc cả mà sẽ dùng tâm thế khác để đối diện.
Mọi mong cầu hay bám chấp dù là chỉ với một ý niệm cũng sẽ dẫn đến thất vọng. Quan trọng nhất là ở mọi con đường, mọi hoàn cảnh, mình có sẵn lòng để học những bài học mới hay không. Và ở mỗi lựa chọn đó, mình hãy làm mọi việc dưới nhận thức rõ ràng là để hiểu mình, để mình được tự tại và an nhiên nhất.
Cuộc đời là trường học, quan trọng là học thế nào và có học được hay không. Chính vì thế, chúng ta không chọn được nơi sinh ra. Có thể vì sinh ra ở miền Trung nên tôi xót xa thương kính từng nắm đất quê mình. Bởi ở quê tôi, không chỉ gắn với khó nghèo và nắng gió khô cằn, không chỉ gắn với bão lũ mà còn là máu thịt của biết bao con người đã ngã xuống trong quá khứ. Thương từng dáng những người mẹ cần lao và những gương mặt của bao người cha khắc khổ… Dẫu vậy, nhưng nếu sinh ra ở miền Nam hay đất Bắc, tôi cố nhiên sẽ lại yêu những nét chất phác thiệt thà, những dung dị đời thường hoặc cả những nề nếp, gia phong.
Cuộc đời vốn dĩ đã nhiều rắc rối, vậy thì mình phải dùng một tâm hồn thật giản đơn để đối diện. Giản đơn nhưng sâu sắc. Sâu sắc nhưng không bám chấp, không tham lam. Hiểu mình, chính là để thương mình, để mình sống sao cho tự tại nhất, an nhiên nhất và đủ đầy nhất. Mọi con đường đều chỉ là phương tiện, lựa chọn vốn tùy thuộc vào nhân duyên và nhận thức, nên không cần phải hối tiếc mà hãy sẵn lòng…
Buổi trò chuyện thầy trò nhưng cũng như những lời tự nhắc lại cho chính mình, tôi nói như để chia sẻ cùng bản thân mình của hiện tại và sau này. Mong là những lời thô mộc ruột gan sẽ ít nhiều giúp ích được cho cô học trò bé nhỏ trên bước đường sắp tới.
Cuối buổi điện thoại, tôi nghe Thủy cười nhẹ nhõm và còn đùa, sau này con sẽ dắt cả chồng con về am thăm thầy, thăm ông... Ồ, vậy đấy, cô bé đã tự có quyết định cho mình. Mong cô bé những ngày sau chân cứng, đá mềm. Và ở nơi cô bé sống, ở đâu cũng đẹp, cũng dễ thương, cũng đủ đầy cho Thủy được hạnh phúc, an vui!
Vừa dứt cuộc chuyện trò thì có người bạn nhắn: “Ngoài Bắc sắp dịu nắng rồi, chuẩn bị đi chụp tư liệu và sắc phong thầy ơi”... Ôi, đất Bắc và những nẻo đường điền dã.., cũng nắng cháy da và lạnh tím cả lòng, cũng mệt nhoài và rắc rối bội phần, mà tôi kính, tôi yêu!/.