Lãi suất tiền gửi phân hóa mạnh, thiết lập mặt bằng mới
Trong vòng 10 ngày đầu tháng 7/2024, thị trường đã chứng kiến thêm 8 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank và MB. Trước đó, riêng tháng 6/2024, có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Như vậy, làn sóng tăng lãi suất huy động đã diễn ra 3 tháng liên tiếp.
Điểm đáng chú ý là, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đang biến động rất mạnh. Khối ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất thấp và đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động, trong khi khối ngân hàng TMCP tư nhân liên tục điều chỉnh lãi suất. Tính từ tháng 4/2024 đến nay, nhiều ngân hàng tăng lãi suất 4-5 lần. Điều này khiến mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường phân hóa mạnh.
Tại một số kỳ hạn, lãi suất của khối ngân hàng TMCP tư nhân thậm chí còn cao gấp đôi lãi suất tiền gửi của ngân hàng TMCP quốc doanh.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh (Big 4) là 1,6-2%/năm, trong khi nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lên tới 3-3,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng của nhóm Big 4 là 1,9-2,3%/năm, còn của khối cổ phần tư nhân là 3,5-4%/năm. Tương tự, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm Big 4 ở mức 3-3,3%/năm, trong khi lãi suất của ngân hàng TMCP tư nhân lên tới 5,6%.
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng cao nhất trên thị trường là 6-6,1% tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, trong khi nhóm Big 4 duy trì ở mức 4,7%/năm.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB cho rằng, các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm đưa kênh tiết kiệm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động quá thấp đã khiến tiền gửi vào ngân hàng giảm tốc trong bối cảnh cầu tín dụng bắt đầu phục hồi. Theo ông Quang, trong nửa cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm, tùy kỳ hạn.
Lãi suất huy động toàn thị trường đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 3 năm nay. Dù vậy, mức lãi suất huy động này vẫn thấp hơn 0,15 - 0,45 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,50%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới “bẫy thanh khoản” cho các tổ chức tín dụng, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.
Theo các chuyên gia phân tích, huy động vốn chậm, tín dụng phục hồi là nguyên nhân khiến lãi suất huy động đi lên. Ngoài ra, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng.
Lãi suất sẽ không tăng sốc, kênh tiết kiệm chưa hấp dẫn
Tín dụng phục hồi nhanh chóng trong tháng 6/2024 (tăng 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng cộng lại) và dự báo còn phục hồi mạnh hơn nữa trong nửa cuối năm nay. Ngoài ra, áp lực tỷ giá vẫn rất lớn kéo theo khả năng NHNN tiếp tục bán ngoại tệ, hút ròng tiền đồng về. Đây là hai động lực chính đẩy lãi suất huy động có thể tiếp tục đi lên nửa cuối năm.
Lãi suất huy động tăng sẽ kích thích dòng tiền gửi quay trở lại hệ thống ngân hàng, tạo sức hấp dẫn cho kênh tiền gửi tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác. Trong nửa cuối năm, lãi suất có tăng tiếp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là lạm phát, Chỉ số Giá tiêu dùng, động thái của Fed, cung - cầu ngoại tệ…
Tôi cho rằng, hiện tại, áp lực tăng lãi suất chưa phải là quá lớn, song tình hình có thể thay đổi trong những tháng cuối năm. Trong bối cảnh này, NHNN buộc phải cân đối hài hòa giữa các mục tiêu và linh hoạt ứng biến theo diễn biến thị trường để đảm bảo sự ổn định về chính sách tiền tệ, ổn định về lãi suất và kiềm chế lạm phát, đồng thời hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.
- TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam
Các chuyên gia nghiên cứu Công ty Chứng khoán VDSC cho rằng, lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5 - 1%, trở về mức trung bình trước dịch Covid-19. Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô khác nhau.
Hiện tại, giới phân tích đưa ra các dự đoán khác nhau về khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, NHNN sẽ phải tăng lãi suất điều hành 0,25-5% trong quý III/2024 nếu áp lực lãi suất không giảm. Luồng ý kiến còn lại nhận định, NHNN sẽ nỗ lực ổn định lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại có cơ sở ghìm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi.
Giới chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm, lãi suất điều hành nếu tăng cũng chỉ tăng ở lãi suất thị trường mở, còn trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ vẫn được giữ ổn định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền. Với hệ thống ngân hàng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giữ được lãi suất điều hành ổn định và mặt bằng lãi vay ở mức thấp để nền kinh tế phục hồi.
Trên thực tế, dù lãi suất huy động đã thoát đáy, song vẫn chưa hấp dẫn với người gửi tiền. Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia tài chính, cố vấn quản lý gia sản Công ty cổ phần FIDT nhận định: “Trong 6 tháng cuối năm, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng, song mức độ tăng không nhiều và chưa thực thực sự hấp dẫn”.
Trên thực tế, với tính an toàn và khả năng thanh khoản cao, tiền gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn với số đông. Dù vậy, với lãi suất tiết kiệm hiện nay, cảnh người dân ùn ùn gửi tiền vào ngân hàng như năm 2022 là không xảy ra./.