Chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, hệ thống ngân hàng “thừa tiền” do rủi ro của nền kinh tế và rủi ro từ các khách hàng tăng lên. Thông thường, rủi ro tăng thì ngân hàng phải áp mức lãi suất cao, trong khi các doanh nghiệp muốn hạ lãi suất, nên nhiều ngân hàng đang rơi vào thế khó. Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng chấp nhận ôm vốn chờ thời cơ đến, còn hơn bất chấp cho vay ở hiện tại mà mất vốn ở tương lai.
“Gửi tiền vào ngân hàng vẫn đang là kênh đầu tư an toàn nhất”
PV: Thưa ông, theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tổng cộng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đang giảm mạnh. Ông có nhận định gì khi nhìn vào “con số kỷ lục 12,68 triệu tỷ đồng”?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể thấy lượng tiền gửi 12,68 triệu tỷ đồng là mức cao ấn tượng từ trước tới nay. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại có hiện tượng đó trong khi lãi suất tiền gửi đang hạ thấp. Thực tế, thời gian qua các ngân hàng đang ế vốn, có nhiều tiền nhưng không cho vay được. Theo tôi, có thể giải thích hiện tượng này dựa trên một số lý do như sau:
Thứ nhất, các thị trường, các kênh đầu tư đều đang không khởi sắc.
Nếu chúng ta nhìn vào kênh chứng khoán có thể thấy thị trường này biến động rất mạnh, có lúc lên trên 1.200 điểm và cho đến thời điểm hiện nay lại xuống 1.100 điểm. Với sự biến động như vậy, thị trường chứng khoán đang không phải là một kênh đầu tư hấp dẫn bởi sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng từ nền kinh tế nội địa và nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, khi Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao sẽ có nhiều tác động đến giá chứng khoán. Thông thường, giá chứng khoán của Mỹ sẽ đi ngược chiều với lãi suất, lãi suất tăng thì giá chứng khoán giảm và ngược lại. Giá chứng khoán trên thị trường thế giới lại có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam do tâm lý chung của các nhà đầu tư.
Đối với thị trường bất động sản, có thể thấy trong gần một năm qua, thị trường này vẫn chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng. Nguồn vốn cho bất động sản hiện vẫn nhỏ giọt, đặc biệt, thị trường trái phiếu gần như đóng băng. Trong bối cảnh thị trường chuyển biến khó lường, kênh bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, cùng với đó là sự suy giảm lòng tin từ phía nhà đầu tư, thanh khoản thấp, chênh lệch cung - cầu và số vốn bỏ ra rất lớn. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, bất động sản chưa phải kênh đầu tư lý tưởng.
Nhìn vào thị trường ngoại hối, trong năm 2023, tỷ giá đã tăng trên 3%. Tuy nhiên, ngoại hối không phải là kênh đầu tư cho đại chúng vì muốn kinh doanh, nhà đầu tư phải được NHNN cấp giấy phép. Do đó, chúng ta không thể mua đi bán lại, đầu tư ngoại tệ một cách tự do và ngoại hối cũng chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn.
Còn đối với kênh đầu tư vàng, hiện nay, giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam đang tăng mạnh và khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Có lẽ kênh đầu tư vàng sẽ có chút hấp dẫn hơn so với chứng khoán, bất động sản hay ngoại hối.
Với kênh tiền gửi, lãi suất đang xuống thấp nhưng vì các kênh đầu tư khác đều đang có điểm yếu nên dòng tiền sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn.
Do đó, trong bối cảnh bất định như hiện nay, các nhà đầu tư lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo an toàn cho dòng tiền của mình. Theo tôi, trong bối cảnh bất định, có lẽ gửi tiền vào ngân hàng đang là kênh an toàn nhất trong tất cả các kênh đầu tư trên thị trường. Mặc dù lãi suất xuống thấp nhưng lãi suất vẫn cao hơn lạm phát, tức là họ vẫn có một lãi suất thực dương trên tiền gửi của mình. Đó là một trong những lý do mà tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh mặc dù lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp.
Lý do thứ hai là rất nhiều các thành phần kinh tế, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động không thuận lợi. Do vậy, nếu họ có tiền, họ cũng sẽ lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng để có lãi thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên thị trường đầy rủi ro và bất lợi.
PV: Như vậy, dù thời gian tới, lãi suất huy động ở mức rất thấp thì dòng tiền gửi vẫn đổ mạnh vào ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin vào thị trường vốn bị sụt giảm và vẫn chưa thể phục hồi?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy. Hiện nay, thị trường tài chính biến động, thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, thị trường trái phiếu đóng băng và giải ngân vốn vay từ ngân hàng cho người dân diễn ra chậm chạp.
Bên cạnh đó là hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán liên quan đến kinh doanh bất động sản đang bị điều tra cũng có phần tác động tâm lý đến nhà đầu tư trên thị trường.
“Tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 11% là hợp lý”
PV: Trong tháng 10/2023, toàn hệ thống gần như không có tăng trưởng tín dụng. Theo NHNN, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Nhiều đơn vị phân tích đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức thấp, khoảng 10 - 11%. Ông nhận định như thế nào về tình trạng này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có lẽ dự báo đó là hợp lý. Tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, đã hết 11 tháng của năm 2023 nhưng tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu.
Cho đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng mới đạt mức trên 8% nhưng so với mục tiêu với 14% thì vẫn còn rất thấp và chúng ta mới đi được hơn nửa chặng đường, mặc dù chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là sẽ bước sang năm mới 2024.
"Có lẽ tăng trưởng tín dụng ở mức 11% sẽ hợp lý khi chúng ta có thể đạt được, còn mức 12% vẫn hơi cao và mục tiêu 14% là không khả thi".
- TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế
Theo tôi, có lẽ tăng trưởng tín dụng ở mức 11% sẽ hợp lý khi chúng ta có thể đạt được, còn mức 12% vẫn hơi cao và mục tiêu 14% là không khả thi.
Để có thể đạt được mức 11% sẽ dựa trên các yếu tố như: Thứ nhất, có nhiều doanh nghiệp, công ty hiện nay đang cố gắng đạt được chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh trong tháng cuối năm để kéo kết quả cả năm sẽ khởi sắc hơn.
Thứ hai là sức tiêu thụ của nền kinh tế những tháng cuối năm, trước dịp lễ, tết sẽ tăng mạnh. Một khi sức tiêu thụ tăng nhanh thì doanh nghiệp và người dân cũng sẽ có nhu cầu vay tiền nhiều hơn, chính vì thế sẽ đẩy mức tăng trưởng tín dụng cao trong tháng cuối năm này.
Thêm một lý do nữa là lãi suất cho vay mặc dù không giảm nhiều nhưng vẫn đang trong xu hướng giảm nên các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn thì họ cũng sẽ mạnh tay hơn trước. Tuy nhiên, trên thực tế thì các ngân hàng cũng vẫn phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo lợi nhuận cho mình.
PV: Tình trạng tiền gửi tăng lên trong khi tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ đã gây ra tình trạng "thừa tiền" trong hệ thống ngân hàng. Vậy cần giải quyết “căn bệnh” này bằng “phương thuốc” nào, thưa chuyên gia?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là tình trạng ế vốn, thừa tiền là vấn đề đáng lo ngại cho các ngân hàng. Kết quả kinh doanh của 3 quý đầu năm cho thấy, lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm rất sâu. Đây là hiện tượng do chi phí vốn cao trong khi lãi suất giảm.
Năm 2023, với tình trạng xấu kéo dài thì có lẽ các ngân hàng sẽ không có lãi như năm ngoái vì lãi suất cho vay càng ngày càng giảm.
Điều thứ hai cũng khá quan trọng với lãi suất cho vay cao là rủi ro của nền kinh tế và rủi ro từ khách hàng đang tăng lên. Thông thường, rủi ro tăng thì ngân hàng phải áp lãi suất cao, trong khi doanh nghiệp muốn hạ lãi suất nên các ngân hàng đang rơi vào thế khó. Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng chấp nhận ôm vốn chờ thời cơ đến, còn hơn bất chấp cho vay ở hiện tại mà mất vốn ở tương lai.
Như chúng ta đã biết, lãi suất là một hàm số của rủi ro, khi rủi ro cao thì lãi suất phải cao để đền bù cho rủi ro đó. Và ngược lại, rủi ro thấp thì lãi suất thấp. Thời điểm hiện nay, rủi ro của khách hàng rất cao, nhiều trường hợp vay vốn mà không trả được nợ, đặc biệt là là doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, với những trường hợp có rủi ro cao thì bắt buộc lãi suất cho vay phải cao.
Trong đó, lãi suất gồm hai cấu phần: Chi phí vốn và tỷ lệ bồi thường cho rủi ro. Chẳng hạn, chi phí vốn nói chung của các ngân hàng là 9% thì trong 9% đó sẽ có một tỷ lệ lợi nhuận bù trừ cho rủi ro. Rủi ro càng cao thì tỷ lệ đó càng cao. Hiện nay, nhiều ngân hàng có tỷ lệ bù trừ rủi ro lên tới 5%. Thông thường, tỷ lệ đó sẽ ở mức khoảng 3%.
“Việc giảm lãi suất có tác động tới thị trường, doanh nghiệp, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn là các ngân hàng ế vốn”
PV: Hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng là lãi suất và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Ông đánh giá ra sao về hai yếu tố này ở thời điểm hiện tại và triển vọng giai đoạn tới?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, lãi suất hiện còn cao nên nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn vì đơn đặt hàng giảm và không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nếu họ vay nhiều thì càng trả lãi cho ngân hàng nhiều. Do đó, tại thời điểm này, họ không có nhu cầu vay vốn.
Bên cạnh đó thì cũng có nhiều doanh nghiệp không có khả năng vay do họ không còn tài sản bảo đảm. Không những lãi suất sao mà khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng xuống thấp.
Theo quan điểm cá nhân của tôi thì không nên gọi là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mà phải gọi là khả năng vay vốn của doanh nghiệp sẽ thực tế hơn. Nếu hiểu theo khả năng hấp thụ vốn có nghĩa là doanh nghiệp có thể hấp thụ được bao nhiêu chứ không nói lên ý nghĩa doanh nghiệp đó có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của ngân hàng để có thể vay vốn được hay không.
Vì vậy, có thể nhận định rằng, khả năng vay vốn của doanh nghiệp trong năm 2023 xuống rất thấp. Hiện nay, việc giảm lãi suất có tác động tới thị trường, doanh nghiệp, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn là các ngân hàng ế vốn trong khi doanh nghiệp lại đang rất cần.
PV: Theo NHNN, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.Thị trường bất động sản ảm đạm là một trong những nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng trưởng thấp?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là như vậy. Thời gian qua, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài có liên quan tới hệ thống thủ tục pháp lý; thanh khoản kém, mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế…
Thị trường bất động sản khó khăn đã khéo mức tín dụng của ngành này xuống thấp và những khó khăn đó sẽ còn tiếp tục kéo dài ít nhất đến giữa năm 2024.
"Có thể nói, hiện nay, nền kinh tế của ta dựa rất nhiều vào bất động sản và bất động sản chính là một trụ cột của nền kinh tế. Nếu chúng ta không cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản và để lĩnh vực này luôn trong tình trạng thiếu vốn thì rủi ro cho nền kinh tế là rất lớn".
TS. Nguyễn Trí Hiếu
PV: Vậy theo ông, có nên tăng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn này hay không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, câu trả lời là vừa “có” và vừa “không”. Có thể nói, hiện nay, nền kinh tế của ta dựa rất nhiều vào bất động sản và bất động sản chính là một trụ cột của nền kinh tế. Nếu chúng ta không cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản và để lĩnh vực này luôn trong tình trạng thiếu vốn thì rủi ro cho nền kinh tế là rất lớn.
Theo tôi, nên tăng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, hiện thị trường bất động sản đang mang trong mình rất nhiều rủi ro nên chúng ta đang “giằng co” giữa hai vấn đề nên tăng trưởng tín dụng cho bất động sản hay không? Nếu cho vay mà người vay không trả nợ được thì nợ xấu sẽ phình to.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng cần cẩn trọng khi cho vay bất động sản. Thà rằng chúng ta chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp nhưng chúng ta tránh được rủi ro, hệ luỵ từ nợ xấu thì vẫn tốt hơn là chúng ta cho vay bất động sản một cách ồ ạt.
Nếu mạnh tay cho vay để tháo gỡ những khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp bất động sản nhưng đến cuối cùng, các nhà kinh doanh bất động sản không sử dụng dòng tiền đó một cách hợp lý và không thể trả nợ thì nợ xấu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế là rất lớn.
“Từ nay đến hết năm 2023, kịch bản Fed tăng lãi suất sẽ khó xảy ra”
PV: Thị trường tài chính coi việc lạm phát tiếp tục xuống thang ở Mỹ là cơ sở để hy vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và đợt cắt giảm đầu tiên sẽ được đẩy lên sớm hơn. Theo ông, chúng ta có nên hy vọng vào một đợt giảm lãi suất hay không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, trước hết là trong năm nay, Fed sẽ không đưa ra một đợt giảm lãi suất nào. Khả năng cao là Fed vẫn duy trì những đợt lãi suất cao và tôi cũng không loại trừ khả năng từ nay đến cuối năm 2023, nếu tỷ lệ lạm phát tăng trở lại thì có thể Fed sẽ một lần nữa tăng lãi suất 0,25%.
Được biết, lạm phát tháng 10 ở mức 3,2% và bằng với tháng 9, tức là lạm phát đang được kiểm soát nhưng con số này vẫn xa mục tiêu 2%. Chính vì còn xa mục tiêu nên Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, từ nay đến hết năm 2023, kịch bản Fed tăng lãi suất là sẽ khó xảy ra.
Sang năm 2024 là năm tranh cử tổng thống Mỹ, hiện tại đảng cầm quyền là đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ đang muốn thể hiện với dân chúng Mỹ rằng Đảng này thành công trong việc kiểm soát lạm phát, chính vì thế sẽ khó có đợt giảm lãi suất trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.
Năm 2024, kịch bản giảm lãi suất sẽ có xác suất thấp, kịch bản duy trì lãi suất cao như hiện tại sẽ có xác suất cao hơn và kịch bản tăng lãi suất sẽ khó có thể xảy ra.
PV: Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới giữ quan điểm thận trọng trong cuộc chiến chống lạm phát đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi qua. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến điều hành chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn là sẽ có sự ảnh hưởng nhất định tới điều hành chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện chính sách chống lạm phát, tức là chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này sẽ làm cho giá trị của các đồng bạc khác cao lên, ở chiều ngược lại làm giảm giá trị của tiền đồng Việt Nam và kéo theo sự chênh lệch lớn về tỷ giá.
Từ nay đến cuối năm, nếu Fed không tăng lãi suất thì có thể chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ giữ được sự ổn định về mặt tỷ giá và ổn định trên thị trường chứng khoán.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!