Aa

Nghệ An đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Thứ Ba, 15/11/2022 - 09:55

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là mục tiêu mà Nghệ An đang tập trung thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Đây là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của địa phương trong những năm tiếp theo.

Xuyên suốt từ đầu năm đến nay, Nghệ An rất xem trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến khá tích cực, qua đó đạt được những kết quả nhất định trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo số liệu ước của Bộ Tài chính đưa ra, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Nghệ An đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đạt kết quả khả quan so với bình quân chung của cả nước.

Nghệ An: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Nghệ An phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 như kế hoạch đã đề ra (Ảnh HQ).

Tuy nhiên, một số ngành, địa phương, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp, việc triển khai thực hiện các dự án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để… dẫn đến nguồn vốn phải kéo dài thời gian thực hiện và số vốn chưa giải ngân còn lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chung của tỉnh. Qua đánh giá tổng thể, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An chỉ mới đạt hơn 50%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Lý giải về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, tỷ lệ đạt thấp là do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến. Quy trình thực hiện thủ tục đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới mất nhiều thời gian. Nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2022 giải ngân chậm. Các dự án ODA còn nhiều vướng mắc...

Ngoài ra, một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát... chưa đáp ứng yêu cầu.

Thời gian qua cũng là giai đoạn mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án mới sử dụng nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương kịp thời.

Nghệ An: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Giải phóng mặt bằng chậm là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. (Trong ảnh: Người dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam, thuộc gói từ Diễn Châu - Bãi Vọt.) Ảnh NQ.

Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh tại kỳ họp chuyên đề vào trung tuần tháng 11 vừa qua, để thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương đối với 7 dự án.

Theo đó, điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch của 3 dự án với số vốn 34,668 tỷ đồng. Các dự án điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch vốn, gồm: Dự án đường giao thông vào khu xử lý rác thải Thái Hoà (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp đường giao thông tuyến thị trấn Đức Thành, huyện Yên Thành (giai đoạn 1); Dự án xây dựng hạ tầng cho chuyển đổi số tỉnh Nghệ An (giai đoạn 1).

Điều chỉnh tăng chỉ tiêu kế hoạch cho 4 dự án với số vốn 34,668 tỷ đồng. Các dự án điều chỉnh tăng chỉ tiêu kế hoạch vốn, gồm: Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 46 đến bến 5, bến 6 cảng Cửa Lò; Dự án cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối, kênh và công trình trên kênh các trạm bơm dọc sông Lam qua các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương; Dự án xây dựng cơ sở vật chất Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương; Dự án xây dựng nhà học thực hành và các hạng mục phụ trợ Trường THPT Phan Thúc Trực (huyện Yên Thành).

Trong khuôn khổ kỳ họp này, Nghệ An cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Khu lưu niệm Phan Bội Châu. Đây được xem là nhiệm vụ kịp thời, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về lịch sử, khoa học, văn hóa của Di tích Quốc gia đặc biệt; khơi dậy lòng tự hào, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong các tầng lớp nhân dân; tạo điểm đến hấp dẫn về du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên thực tế, dù có những chuyển biến khá tích cực so với tình hình chung của cả nước, tuy nhiên quá trình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An vẫn còn những tồn tại cần tập trung khắc phục. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều công trình vẫn còn chậm. Đây là một trong những tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân của các dự án nhưng chưa khắc phục được nhiều.

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không đồng thuận với đơn giá đất và tài sản trên đất, yêu cầu mức bồi thường và tái định cư cao, công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất vẫn còn khó khăn.

Ở một khía cạnh khác, đại diện UBND một số huyện cho rằng, nguyên nhân tiến độ giải ngân đầu tư công chậm vẫn là do khâu chuẩn bị đầu tư chưa thực sự tốt. Khi làm hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì chỉ mới khái toán và chưa biết có được thông qua hay không nên chuẩn bị cũng chỉ bước đầu và sơ lược. Khi dự án được thông qua và bắt tay vào thực hiện, có một số hạng mục phát sinh trên thực địa phải điều chỉnh dẫn đến phải làm lại hồ sơ.

Đơn cử như: Dự án khôi phục vùng ngập lũ tỉnh Nghệ An từ nguồn vốn vay Quỹ đầu tư Ả Rập, giai đoạn triển khai do thay đổi thiết kế, bổ sung cầu nên phải làm thủ tục điều chỉnh và thẩm định lại đã ảnh hưởng đến thi công toàn tuyến và ảnh hưởng tiến độ chung dự án.

Hay một số dự án có nguồn vốn vay nước ngoài cũng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, điển hình như: Dự án đầu tư Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 (80 tỷ đồng) không giải ngân được và phải đề nghị chuyển trả về ngân sách Trung ương; Dự án nâng cấp hồ Khe Lại ở thượng nguồn hồ Vực Mấu, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), thuộc Dự án Sửa chữa và Nâng cấp an toàn đập (WB 8) Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển nguồn 136 tỷ đồng nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên sau 2 năm, kể cả thời gian kéo dài, mới giải ngân được 16 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án trọng điểm tiến độ giải ngân chậm: Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2); Dự án đường ngang N5 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường ngang N2 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường giao thông nối Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).

Nghệ An: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đã đề ra. (Ảnh HQ).

Nguyên nhân mà các ban ngành, địa phương đưa ra là quá trình huy động nguồn lực cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, thiếu vốn. Tình trạng số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi và tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán vẫn còn lớn.

Mặt khác, theo ý kiến của một số chủ đầu tư, nhiều dự án, gói thầu mới đang triển khai các thủ tục đấu thầu nên mất nhiều thời gian, một số dự án phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng hoặc vướng đền bù giải phóng mặt bằng, một số dự án đang làm thủ tục quyết toán để giải ngân…

Trên cơ sở đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đã đề ra. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo quy định và ngay khi có khối lượng; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra rà soát từng dự án cụ thể, nhất là dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu được duyệt, đảm bảo hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án…

Chủ động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư các dự án đảm bảo điều kiện giao vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023, đặc biệt là các dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho từng sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các sở, ban ngành khác liên quan phối hợp theo dõi, cân đối tài chính, thẩm định chặt chẽ nội dung, quy mô đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt, tổng mức đầu tư phù hợp với quy mô đầu tư và suất đầu tư hiện hành để dự án được duyệt có tính khả thi, tiết kiệm và hiệu quả.

Hơn 3/4 chặng đường đã qua, mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là khép lại năm 2022 với dấu ấn, chuyển biến tích cực, song cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Tin rằng, với những giải pháp toàn diện, sâu sát và quyết liệt mà lãnh đạo tỉnh đưa ra, Nghệ An sẽ nỗ lực bứt phá để “chạm đích” theo đúng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top