Aa

Nghị quyết 68: Xóa bỏ phân biệt đối xử, "cởi trói" thực chất cho khu vực tư nhân

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Hai, 26/05/2025 - 12:01

Sáng 26/5, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Hội thảo ghi nhận tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết 68/NQ-TW khi lần đầu tiên khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Các đại biểu đã thảo luận sâu về tiềm năng, thách thức và giải pháp thể chế hóa nghị quyết vào thực tiễn phát triển đất nước.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu đề ra và tiếp tục được nhận định là điểm sáng của khu vực châu Á. Mặc dù vậy, bước sang năm 2025, nhiều thách thức lớn như đà tăng trưởng giảm tốc của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng… đang mang đến những rủi ro tiềm ẩn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…", "giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường...", đặt ra tầm nhìn chiến lược và các mục tiêu đầy tham vọng.

Nghị quyết 68 - Cột mốc lịch sử

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) bày tỏ: "Trong niềm hân hoan của giới doanh nhân, giới khoa học và giới lãnh đạo - quản lý, Nghị quyết 68 đã được coi như phát pháo lệnh cho một cuộc cách mạng không chỉ với kinh tế tư nhân, không chỉ với nền kinh tế, mà cả về chiến lược quản trị quốc gia, kiến tạo tương lai cường thịnh cho dân tộc Việt Nam".

Nghị quyết 68: Xóa bỏ phân biệt đối xử, "cởi trói" thực chất cho khu vực tư nhân- Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA).

Vị chủ tịch VPBA chia sẻ, đã có nhiều ý kiến gọi Nghị quyết 68 là "Cuộc đổi mới lần thứ 2", "cột mốc lịch sử", "bước đột phá". Bởi, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân - khu vực từng phải đổi mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại - được đặt vào vị trí trung tâm của nền công vụ kiến tạo, phục vụ. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được trao trọng trách là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".

"Tôi nhận thấy rằng, hiếm thấy Nghị quyết nào của Đảng có tính chi tiết và hướng dẫn thực thi cao đến như vậy", PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều nói.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn đó, ông Điều cũng cho rằng cần có sự đồng thuận nhận thức và thống nhất hành động giữa các cơ quan, giới nghiên cứu và doanh nghiệp, tránh để xuất hiện những "lỗ hổng mới trong chính sách, pháp luật", hay "xung đột lợi ích giữa các khu vực kinh tế".

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước tinh thần của Nghị Quyết 68.

"Là một doanh nhân bước vào nền kinh tế từ hơn 30 năm nay, xây dựng lên một tập đoàn kinh tế tư nhân với hàng vạn nhân lực, lớn mạnh cùng đất nước đến ngày hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi khi đón nhận những tư tưởng mới mẻ, đột phá trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Nghị quyết đã nhìn thẳng vào thực tế khối kinh tế tư nhân, từ những đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân vào GDP, thu ngân sách, tạo việc làm; đến những tồn tại cố hữu, nguyên nhân và giải pháp", bà Nga bày tỏ.

Nghị quyết 68: Xóa bỏ phân biệt đối xử, "cởi trói" thực chất cho khu vực tư nhân- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Vị Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, trong các dịp được tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, bà nhận thấy rõ nét sự quyết tâm chính trị cao độ, bầu không khí khẩn trương trong nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các thay đổi. Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân có hiệu lực thi hành ngay. Chính phủ cũng ban hành hàng loạt nghị quyết đồng bộ về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và kế hoạch triển khai một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. "Chúng tôi cảm thấy như đang được sống và lao động, cống hiến trong thời khắc lịch sử của thời kỳ Đổi mới lần thứ 2", bà Nga nói.

Cùng với đó, bà Nga cũng kiến nghị rằng, việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 cần được thực thi một cách bài bản. Đó là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, giúp các doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước để xứng đáng với sứ mạng là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".

"Cởi trói và phát triển" - Động lực mới cho kinh tế tư nhân

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Để tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, ta cần vượt bỏ cái cũ theo tinh thần cải cách mới".

Theo ông, điều cốt lõi là phải tháo gỡ các trói buộc, khơi thông những điểm nghẽn thể chế đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như hạ tầng và nhân lực. Cải cách nhà nước cần song hành với cải cách thị trường, nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giúp nền kinh tế vận hành như một tổng thể hữu cơ và cân bằng.

Cùng với việc "cởi trói", cần song song tạo lập cái mới. Cụ thể, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, phải "thay máu" lực lượng doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển các mô hình doanh nghiệp hiện đại, cấu trúc tổ chức mới, phù hợp với thời đại. Đồng thời, cần có hệ thống thể chế tương thích, cùng các điều kiện bảo đảm cho doanh nghiệp đua tranh lành mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết 68: Xóa bỏ phân biệt đối xử, "cởi trói" thực chất cho khu vực tư nhân- Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS.TS. Trần Đình Thiên đặc biệt đánh giá cao logic hành động xuyên suốt từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đến Nghị quyết 198 của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ. Theo ông, các chính sách này đã thể hiện rõ tinh thần cải cách, "cởi trói" thực chất cho khu vực kinh tế tư nhân với một loạt định hướng cụ thể.

Không chủ yếu dựa vào ưu đãi, mà quan trọng hơn là xóa bỏ phân biệt đối xử, bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng; Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự, giảm tối đa thanh tra, kiểm tra; Không áp dụng hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp; Chuyển đổi tư duy "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; Thuận lợi hóa việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn; Thúc đẩy "thay máu" lực lượng doanh nghiệp thông qua khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa "Go Global"; Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt thị trường.

Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất ba định hướng lớn:

Thứ nhất, Định vị lại chức năng kinh tế của Nhà nước trong mối quan hệ với toàn bộ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân – theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện và lan tỏa động lực phát triển; Thứ hai, Ưu tiên phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nội tại nền kinh tế tư nhân, coi đây là trung tâm cải cách; Thứ ba, Xây dựng và hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất Việt Nam, nhằm gia tăng nội lực và giá trị gia tăng cho nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top