Aa

Cơ hội vàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng: Chính sách đã sẵn sàng?

Thứ Hai, 26/05/2025 - 06:00

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và hướng tới tăng trưởng GDP hai con số, việc thu hút vốn tư nhân là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết 68-NQ/TW yêu cầu có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hạ tầng trọng điểm. Tuy nhiên, để tham gia đầu tư, doanh nghiệp tư nhân vẫn cần những cơ chế hợp tác thuận lợi hơn.

Nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, cần sự tham gia của khu vực tư nhân

Trong giai đoạn phát triển mới với nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mở rộng mạng lưới cao tốc và phát triển đô thị, Việt Nam đứng trước yêu cầu huy động nguồn lực đầu tư lớn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, hiện Việt Nam đã có hơn 1.000km đường cao tốc, dự kiến đến trong 2025 có hơn 1.000km đường cao tốc nữa và đến năm 2030, có khoảng 5.000km đường cao tốc. Đây là nguồn lực rất lớn mà Đảng và Nhà nước đã dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Chỉ riêng các dự án đường sắt như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các đường sắt hỗn hợp, đường sắt đô thị khác sẽ tạo ra cho thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD và cho thị trường sản xuất hơn 34 tỷ USD, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, chưa tính đến lĩnh vực đường sắt và dự án đường sắt cao tốc, thì nguồn lực đầu tư cần hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước dự kiến đáp ứng được một nửa, còn hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Nếu tính cả đường sắt cao tốc và dự án đường tiêu chuẩn, thì cần khoảng thêm 3 triệu tỷ đồng nữa, riêng Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã cần hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng có thể vượt 5 triệu tỷ đồng, một con số rất lớn và do đó, rất cần nguồn vốn xã hội hóa từ khu vực kinh tế tư nhân.

Cơ hội vàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng: Chính sách đã sẵn sàng?- Ảnh 1.

Việc đầu tư hạ tầng được kỳ vọng là động lực lan tỏa mạnh mẽ cho toàn bộ nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ)

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng cho rằng, Nhà nước sẽ phải tập trung nguồn lưc cho các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hay nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận... Do đó, việc huy động nguồn lực xã hội để triển khai các dự án còn lại là chủ trương đúng đắn của Đảng. Đây cũng là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các công trình lớn của đất nước. Nhất là trong bối cảnh Luật Giao thông đường bộ mới cho phép áp dụng hình thức đầu tư BOT trên cả tuyến đường hiện hữu, sẽ mở ra dư địa lớn cho các nhà đầu tư tư nhân.

"Đảng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc. Đồng thời mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc hiện có theo quy hoạch. Đây là cơ hội đầu tư PPP hiệu quả, khi Luật Giao thông đường bộ cho phép đầu tư BOT trên đường hiện hữu", ông Trần Chủng nói. Đồng thời nhấn mạnh, khi có tư nhân tham gia đầu tư sẽ giảm được gánh nặng đầu tư công cho Nhà nước, và tạo cơ hội cho tư nhân phát triển đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sâu, rộng hơn.

Cơ hội vàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng: Chính sách đã sẵn sàng?- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).

Đây cũng là quan điểm chỉ đạo được đề ra tại Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, tạo không gian rộng hơn cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết yêu cầu "mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia; Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh...), những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách..."

Với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, việc đầu tư hạ tầng được kỳ vọng là động lực lan tỏa mạnh mẽ cho toàn bộ nền kinh tế. Một hệ thống hạ tầng giao thông và xã hội hiện đại, đồng bộ sẽ là nền tảng thúc đẩy thương mại, logistics, đầu tư sản xuất và nâng cao chất lượng sống của người dân, theo PGS.TS Trần Chủng.

Tư nhân có thể làm tốt trong những dự án hạ tầng lớn

Bàn về việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân trong các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho biết, khi nói đến đầu tư hạ tầng, chúng ta thường nghĩ ngay đến vai trò của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều hình thức đầu tư khác nhau, được quy định trong các luật mới nhất đang có hiệu lực.

Cơ hội vàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng: Chính sách đã sẵn sàng?- Ảnh 3.

Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP lên đến hai con số trong thời gian tới, đầu tư hạ tầng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn cho nền kinh tế. Khi có hệ thống đường sá, cầu cống, và các công trình hạ tầng tốt, thì đó chính là nền tảng để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Theo ông Long, dư địa nợ công trên GDP của nước ta hiện vẫn được các chuyên gia đánh giá là ở mức an toàn. Tuy nhiên, bản chất của chính sách tài khóa bao gồm hai cấu phần chi tiêu và thu ngân sách. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước không chỉ tăng chi đầu tư, mà còn giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất - tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực cân đối ngân sách ngày càng lớn.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu đến từ hai kênh chính là thu thuế từ khu vực kinh tế và phát hành trái phiếu Chính phủ, tức là đi vay trong nước hoặc quốc tế.  Nhưng để đáp ứng quy mô hạ tầng hàng triệu tỷ đồng trong giai đoạn tới, rõ ràng chỉ dựa vào vốn đầu tư công là chưa đủ. 

Chưa kể, nguồn vốn ODA hiện đang giảm mạnh. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 26,4 tỷ USD, đóng góp phần lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng; trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết giảm 51%, xuống còn 12,99 tỷ USD. Năm 2023, Vốn ODA giải ngân thực tế khoảng 1,1 - 1,2 tỷ USD, năm 2024 khoảng 1,3 - 1,4 tỷ USD, 90% là khoản vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

"Kể từ năm 2017, khi Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA đã giảm mạnh. Điều kiện vay cũng không còn ưu đãi như trước, thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn, điều khoản ràng buộc chặt chẽ hơn. Vì vậy, việc mở rộng hợp tác công - tư (PPP) và xã hội hóa đầu tư là những hướng đi quan trọng giúp thu hút nguồn lực từ tư nhân để bù đắp cho nguồn vốn này", ông Long nhấn mạnh và chia sẻ thêm, điểm tích cực là khi nợ vay nước ngoài (ngoại tệ) giảm, tỷ lệ huy động vốn trong nước tăng lên, Việt Nam "dễ thở" hơn trong việc điều hành tỷ giá và kiểm soát nợ hơn so với giai đoạn trước.

Một trong những mô hình thu hút đầu tư tư nhân hiệu quả là hình thức đối tác công tư (PPP), theo ông Long. PPP là hình thức chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp và là công cụ tài chính - quản trị, giúp chuyển một phần áp lực đầu tư công sang khu vực tư nhân một cách bài bản, có kiểm soát. Đặc biệt, PPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, mà trước đây chỉ dành cho khu vực nhà nước.

Luật Đầu tư theo phương thức PPP (ban hành năm 2020 và hiện đang được đề xuất sửa đổi) đã xác lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hình thức này. Theo đó, Nhà nước ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để cùng triển khai dự án, cho phép nhà đầu tư được quyền khai thác trong một thời hạn nhất định để hoàn vốn và thu lợi nhuận. Nhờ PPP, Nhà nước có thể huy động một phần đáng kể nguồn lực tài chính từ xã hội, giảm áp lực cho ngân sách mà vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư.

CEO AFA dẫn chứng, thực tế đã chứng minh hiệu quả của PPP trong một số dự án giao thông trọng điểm. Đơn cử như Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giúp rút ngắn thời gian kết nối giữa TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long. Tại Hà Nội, Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng mang lại giá trị lớn trong cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

"Hai dự án lớn đó cho thấy phương thức đầu tư PPP đã góp phần rất lớn trong việc huy động nguồn lực của toàn dân, của tư nhân để đầu tư vào hạ tầng, giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Việc này cũng chứng minh tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong đầu tư hạ tầng. Đây là xu thế phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay, khi hạ tầng của cả nước cần được mở rộng nhanh và hiệu quả hơn", ông Long nói.

Kỳ vọng vào sự khởi sắc của đầu tư tư nhân thông qua mô hình PPP

Song, để khu vực tư nhân thực sự trở thành “đối tác” đúng nghĩa trong các dự án PPP, cần phải có một hành lang pháp lý đủ minh bạch và bình đẳng. PGS.TS Trần Chủng chỉ ra, bản chất của PPP là sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để cùng thực hiện các công trình công mà lẽ ra Nhà nước phải đầu tư, nhưng lại thiếu nguồn lực.

Tuy nhiên, trước năm 2020, Việt Nam thực hiện đầu tư PPP dựa trên các nghị định, hình thức hợp đồng chủ yếu thực hiện theo hợp đồng BOT, chứ chưa có Luật PPP. Do nhận thức đầy đủ, nên cũng không ít người đã nghĩ phương thức đầu tư PPP như đầu tư tư nhân và vai trò của các nhà đầu tư tư nhân chưa được coi trọng.

Việc Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) năm 2020 là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VARSI, nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa có vai trò thực sự chủ động trong các dự án PPP, khiến họ thiếu động lực để cam kết lâu dài.

Chính phủ đang đặt kỳ vọng lớn vào khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt qua Nghị quyết 68-NQ/TW, tôi mong các văn bản pháp luật sắp tới sẽ chuyển từ tư duy "quản lý" sang "kiến tạo" cả trong lĩnh vực hợp tác công tư PPP.
Cơ hội vàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng: Chính sách đã sẵn sàng?- Ảnh 4.PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch VARSI

Trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đang đặt kỳ vọng lớn vào khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt qua Nghị quyết 68-NQ/TW, ông Trần Chủng mong các văn bản pháp luật sắp tới chuyển từ tư duy "quản lý" sang "kiến tạo" cả trong lĩnh vực hợp tác công tư PPP. Nếu các điểm nghẽn thể chế được tháo gỡ, khu vực tư nhân sẽ phát huy vai trò đối tác quan trọng trong đầu tư hạ tầng thông qua PPP.

Chủ tịch VARSI cũng mong muốn Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng sớm có những chỉ dẫn các yếu tố liên quan đến kinh tế - kỹ thuật để thực hiện. Căn cứ chỉ dẫn từ cơ quan quản lý, và dựa trên kinh nghiệm và trách nhiệm lâu dài với công trình, các nhà đầu tư PPP sẽ lựa chọn giải pháp kinh tế và kỹ thuật thích hợp nhất.

Còn ông Phan Lê Thành Long lưu ý vấn đề quản lý dự án. Một dự án chỉ thực sự thành công khi được quản lý hiệu quả, thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Thực tế, có dự án quản lý tốt đã hoàn thành trong vòng hai năm như dự kiến. Trong khi đó, có dự án kéo dài, đội vốn, chất lượng công trình không đảm bảo, nhanh xuống cấp, rất lãng phí ngân sách và người dân không được hưởng lợi như kỳ vọng.

"Dù vốn đầu tư ban đầu có lớn đến đâu, nhưng nếu quản lý không tốt thì hiệu quả lâu dài vẫn rất thấp. Nếu chúng ta quản lý tốt, thì chắc chắn sẽ tạo ra một bước tiến nhảy vọt cho hạ tầng quốc gia", ông Long nói.

Đồng thời, các mô hình đầu tư linh hoạt, cơ chế ưu đãi minh bạch, chính sách bảo lãnh tín dụng hoặc chia sẻ rủi ro cần được thiết kế cụ thể cho từng nhóm ngành, và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng theo đó cũng cần có những chính sách thu hút riêng, theo CEO AFA Group.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top