Aa

Ngôi nhà gỗ màu đỏ

Thứ Ba, 17/03/2020 - 07:00

Những năm tháng đói khát, đau buồn và tội nghiệp đã đi qua làng tôi và bao làng quê khác. Cái đói giờ hầu như không còn. Nhưng hình ảnh bi thương ấy mãi mãi như ngọn gió của những ngày đông giá thổi qua lòng tôi...

Bạn đã bao giờ được chứng kiến người ta chuẩn bị cho cái chết của mình chưa? Còn tôi, tôi đã được chứng kiến cảnh đó trong một buổi tối với quá nhiều ánh sáng.

Mấy năm trước, trong một lần ngồi với con gái mình, tôi hỏi: “Nếu bây giờ Thần Thánh cho bố được chọn một trong những người thân yêu đã mất được sống lại, thì con có biết bố chọn ai không?". Con gái tôi trả lời: “Bố chọn cụ nội”. Nghe vậy, tôi ứa nước mắt vì hạnh phúc.

Lúc đó, tôi vẫn chưa hết sầu thương cha mẹ tôi mới mất cách đó vài năm. Nhưng tôi đã chọn bà nội tôi. Tại sao con gái tôi lại hiểu đúng ước mong của tôi? Bởi con gái tôi đã biết tôi thương nhớ bà nội tôi như thế nào. Trong những câu chuyện tôi kể cho con gái suốt tuổi ấu thơ,  phần nhiều là chuyện về bà nội tôi. Bởi, tôi được sống với cha mẹ nhiều hơn và cũng đã làm được một hai điều nhỏ bé tỏ lòng đáp đền công dưỡng dục của họ. Còn đối với bà nội, tôi chẳng làm được một việc gì cho bà cả.

Năm 12 tuổi (13 tuổi mụ), tôi ốm liệt giường. Tôi không ăn được gì mà chỉ thèm nhai chiếu rách và quần áo cũ. Người tôi lúc đó chỉ bé bằng con mèo. Bà nội đã đặt tôi vào chiếc thúng cái, úp cái nón lên và đội trên đầu, đi mấy chục cây số, đến hết thầy lang này rồi thầy lang khác để chữa bệnh cho tôi. Một lần, vừa ra khỏi ngõ thì gặp một người làng. Ông ta hỏi: “Bà đi bán gì đấy ?”. Bà tôi nổi giận: “Phỉ phui cái mồm ông. Tôi đưa cháu tôi đi chữa bệnh mà bảo đi bán gì à? Cháu tôi mà có mệnh hệ nào thì ông chết với tôi”.

Một đêm, khi thấy tôi lịm đi, chỉ thoi thóp thở như một con cá bị ném lên bờ đã lâu, cha tôi và các chú, các bác đã đóng một chiếc áo quan nhỏ cho tôi vì nghĩ tôi không thể nào sống qua được đêm ấy. Bà tôi ôm một chiếc áo cũ của tôi đi ra cánh đồng. Bà vừa đốt chiếc áo vừa khóc vừa gọi vía tôi trở về. Bà sợ nếu vía tôi đi qua sông Đáy thì sẽ không quay về được nữa... 

Và tôi đã sống đến bây giờ. 

Một ngày, sau thời gian ốm thập tử nhất sinh, tôi đi trong khu vườn và nhìn thấy cái áo quan nhỏ sơn màu đỏ gác trên mái gác chuồng trâu ở góc vườn. Tôi hỏi em tôi đó là cái gì. Em tôi bảo, đó là ngôi nhà gỗ đỏ mà những người trong họ đã đóng cho tôi. Tôi hỏi bà, vì sao lại làm ngôi nhà gỗ đỏ cho tôi, bé như thế thì làm sao tôi ở được. Bà nói: “Đấy là chiếc áo quan, nếu cháu chết, họ sẽ cho cháu vào đó đem chôn”. Tôi nhắm mắt, rùng mình vì khiếp sợ. Bà tôi đã mang áo quan ra bờ sông, đốt rồi xúc tro đổ xuống, để ma quỷ không tìm được tôi nữa.

Khi bà tôi mất, tôi còn trẻ quá. Những ngày bà tôi ốm nằm trên giường, có lúc tôi mải chơi và để bà khát nước. Những ngày tháng đó, hễ có ai mang biếu bà tôi bánh trái là chúng tôi lại ùa đến bên giường để đợi bà cho ăn. Nhiều lúc, bà không ăn một mẩu nào mà chỉ chia cho chúng tôi. Bà nhìn chúng tôi ăn và ứa nước mắt. Nhưng chúng tôi không hề mảy may biết gì. 

Chúng tôi quá trẻ, quá thơ ngây và quá đói khát. 

Bây giờ, tôi cứ ao ước bà sống lại, dù chỉ một giờ, để tôi mang nước cho bà và mua thật nhiều bánh ngon cho bà. 

"Bây giờ, tôi cứ ao ước bà sống lại, dù chỉ một giờ, để tôi mang nước cho bà và mua thật nhiều bánh ngon cho bà" (Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh)

Khi bà tôi hấp hối, tôi đang chơi bóng ở ngoài bãi sông. Một người trong họ bấm độn, thấy bà tôi khó đi và nói, đó là do bà đợi tôi về mới đi. Nếu tôi không về, bà sẽ không đi được. Một người chạy đi tìm tôi. Khi tôi đến bên giường bà, có người nói: “Mày cầm lấy tay bà để cho bà đi”. Tôi rụt rè cầm tay bà. Bà tôi vẫn nằm bất động và thở khẽ nhưng tôi cảm nhận bà biết tôi đang cầm tay. 

Tôi cảm thấy bà mỉm cười. Hai khóe mắt bà chợt ứa ra hai giọt lệ. Rồi bà tôi nấc nhẹ và ra đi...

Đời người như vết sao băng.

Có một người đàn bà hàng xóm nhà tôi liên quan một phần đến sự sống của tôi. Bà thi thoảng đi đò qua sông Đáy, vào những bản người Mường giáp tỉnh Hoà Bình, buôn bán lặt vặt và đã mang về cho mẹ tôi hai nắm lá thuốc của người Mường. Bà đã nói với một bà lang Mường về tôi. Bà lang Mường nhìn bà rất lâu với đôi mắt ái ngại. Nhưng người đàn bà hàng xóm của tôi tha thiết xin bà cắt cho cậu bé hàng xóm đang ốm nặng mấy thang thuốc. Bà lang Mường thở dài kín đáo và lấy hai nắm lá đưa cho. Đấy là những ngày vía tôi đã không qua sông Đáy mà vẫn ở lại. Nhưng tôi vẫn nằm im trên giường. Mẹ tôi xao vàng hai nắm lá cho tôi uống. Uống hết hai nắm lá, tôi ngồi dậy và bắt đầu đòi ăn. Mẹ tôi khóc vì mừng. Người đàn bà hàng xóm lại qua sông, lấy thêm ba nắm lá thuốc nữa cho tôi. Uống hết ba nắm lá thuốc ấy, tôi ra ngõ chơi. Người đàn bà ấy tôi gọi là mợ Các.

Mấy năm sau, mợ Các đổ bệnh, da vàng như nghệ, tóc rụng hết. Cho đến giờ, tôi cũng không biết mợ bị bệnh gì. Trong ngôi nhà vách đất lợp rạ tan hoang như một túp lều, mợ mở đôi mắt bàng bạc trên khuôn mặt vàng như nghệ, nhìn tôi. Rồi mợ Các ra đi vĩnh viễn. Lúc ấy tôi còn nhỏ, cho nên việc mợ Các ra đi chỉ làm tôi chông chênh một thời gian ngắn. 

Nhưng bây giờ, những buổi tối về quê, ngồi một mình trong tiếng chó sủa, tôi không lúc nào không nghĩ về mợ. Mợ chỉ có một người con trai tên là Các nên gọi là mợ Các. Tên của mợ là gì tôi không biết. Năm 1954, chồng mợ di cư vào Nam. Ông là lính của quân đội Pháp. Lúc ấy mợ còn rất trẻ, nhưng đã ở vậy nuôi con. 

Bao nhiêu người đàn ông đến xin cưới mợ, mợ chỉ nói: “Tôi là gái có chồng. Chồng tôi đi vắng. Chồng tôi sẽ trở về. Sao lại dám hỏi tôi làm vợ?”. Nhưng khi những người đàn ông quay đi, thì mợ khóc. Mợ cứ vừa cứng rắn vừa khóc âm thầm như thế và biến mất trên cõi đời này. 

Sau khi mợ mất, anh Các đi làm công nhân cầu đường. Ba năm sau anh trở về làng lấy vợ, ở lại làng làm ruộng và sinh sống. Rồi anh bị bệnh tâm thần, phải xích chân lại vì sợ anh bỏ đi không biết đường về. Một lần, vợ anh cởi xích để tắm cho anh. Anh bỏ trốn mất và từ đó đến giờ không ai còn thấy anh nữa. Vợ con và họ hàng anh đã từng đến nhiều nơi tìm, nhưng vẫn biệt tăm. 

Sau chiến tranh gần hai mươi năm, chồng mợ Các trở về. Tôi đã ngồi ăn cơm cùng ông với cha mẹ tôi. Ông gần như chẳng còn gì nữa ở nơi ông đã được sinh ra và lớn lên. Vợ ông đã mất, con trai ông bị bệnh tâm thần bỏ nhà đi. Trong một đêm mùa hạ nhiều muỗi, cha tôi đã kể lại ngày tháng cô đơn của mợ cho chồng mợ nghe. Người đàn ông thì không hé lộ chút gì về mình trong mấy chục năm lưu lực. Ông đi thăm họ hàng, làng xóm rồi lại ra đi. Không biết bây giờ, ông còn sống hay đã mất? 

Những câu chuyện như thế chẳng bao giờ nguôi trong lòng tôi, cứ vang lên trong căn buồng ẩm tối trong ngôi nhà của ông bà tôi, để lại như những tiếng thì thầm không bao giờ dứt.

Nhiều năm sau ngày anh Các bỏ đi, đi đâu thấy một người đàn ông điên bẩn thỉu lang thang trên đường hay trần truồng nằm ngủ dưới một gốc cây, tôi đều đến gần để nhìn xem có phải là anh Các không. Trong lòng tôi vẫn khao khát làm một việc gì đó, dù rất nhỏ, cho anh. 

Tôi muốn nói với người mẹ sinh ra anh - mợ Các - rằng: Tôi mang ơn bà. Đã có lúc tôi nghĩ, bà đã cứu mạng tôi và bà phải gánh chịu khổ đau. Tôi không làm được điều bé nhỏ mà tôi khao khát. Nhưng tôi luôn mang trong lòng mình khát vọng ấy. Lúc nào nghĩ vậy, đầu tôi cũng loé lên hình ảnh mợ nhìn tôi cười mãn nguyện. 

 Có một buổi chiều giá lạnh sau ngày mợ mất, anh Các bắt được một con cá diếc ngoài đầm cá của ao hợp tác xã. Anh ôm con cá chạy về nhà. Những người bảo nông phát hiện và đuổi theo anh. Họ đạp anh ngã xuống sân và lấy lại con cá. Tôi vào nhà anh, thấy anh không mặc quần áo, đang nằm ở ổ rơm. Quần áo anh đã bị ướt hết khi lội xuống đầm bắt cá. Người anh gầy dơ xương, đang run lên bần bật. Anh nhìn tôi. Đôi mắt của một chàng trai như hai ngọn đèn dầu vừa bị thổi tắt. Tôi oà khóc...

Cho đến lúc này, khi viết những dòng chữ về chiều mùa đông xa xăm ấy, nước mắt tôi lại giàn dụa chảy. Nhưng ngày đó tôi chỉ là một cậu bé. Tôi không làm gì để có thể giúp anh. 

Mẹ tôi kể, trong những ngày anh Các bị bệnh tâm thần, thi thoảng lại rú lên, hai tay ôm chặt đầu sợ hãi. Người làng bảo anh nhìn thấy ma doạ đánh anh. Tôi không nghĩ đến ma. Lúc nào nghe chuyện đó tôi cũng thấy trong tôi hiện lên những người bảo nông của hợp tác xã đạp anh ngã xuống đất và đòi lại con cá. Một con cá diếc dù sống quá lâu trong ao đầm thì cũng không to hơn bàn tay. Những năm tháng đói khát, đau buồn và tội nghiệp đã đi qua làng tôi và bao làng quê khác. Cái đói giờ hầu như không còn. Nhưng hình ảnh bi thương ấy mãi mãi như ngọn gió của những ngày đông giá thổi qua lòng tôi...

Mọi người tin rằng, anh Các đã chết. Vợ con anh lấy ngày anh ra đi làm giỗ. Nhưng sao tôi vẫn không nghĩ anh đã chết, cho dù tôi chẳng có căn cứ nào cho lòng tin ấy. Mặc dù tôi mong anh đừng sống thêm ngày nào nữa. Bởi sống như thế chắc chắn là một sự đày đoạ. Nhưng liệu anh có biết đó là sự đày đoạ không? Hay anh là người thực sự mộng du không thể hồi tỉnh? 

Hay anh là người được ban cho cơn mộng du vô tận ấy để đi qua những đau buồn của cõi đời này? Bởi đối với những người mang cơn mộng du ấy thì đói không phải là đói, khát không phải là khát và đau không phải là đau. Hay anh là kẻ lạc đường và không bao giờ tìm thấy lối trở về như nhiều người mà họ lại không bao giờ tin rằng họ đã lạc đường.

Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày bà tôi ra đi. Mỗi khi trở về quê, bước vào căn buồng thuở xưa bà tôi nằm, ngay lập tức, tất cả những gì thuộc về bà lại tràn ngập căn phòng: Mùi trầu cay, mùi thuốc bắc, mùi cao hổ, mùi lá bưởi gội đầu, mùi ngải cứu bà buộc trên trán bằng một chiếc khăn khi bị đau đầu hay cảm cúm, cả mùi nước tiểu của bà trong thời gian đau ốm... 

Và mỗi khi đi qua cánh đồng, lúc nào trong tôi cũng hiện lên bóng bà đang gọi vía tôi trở về trong cái đêm buồn bã và đầy sợ hãi thuở xưa. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất, còn bà đã tái sinh tôi. Nếu không có tiếng bà sợ hãi và đau đớn gọi vía tôi trong cái đêm ấy, chắc vía tôi đã đi qua sông Đáy và không bao giờ trở về nữa. 

Hình ảnh mợ Các cũng chẳng bao giờ nhòe đi trong tôi. 

Cả hai người đàn bà ấy giờ đã thiên thu. Nhưng đâu đấy trong cuộc sống này, tôi vẫn thi thoảng cảm thấy họ vừa đi qua tôi, nồng ấm hơi thở. Cuộc sống thực sự là một chuỗi những ký ức buồn bã, da diết, khổ đau, đầy những suy tưởng nhưng lúc nào cũng ngân vang cả trong bóng tối. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top