Không hoàng hôn nào tóc chị ngớt bay dọc triền sông Đáy quê tôi. Đây không phải là sự lãng mạn của một nhà văn, đây là cảm xúc đầy tính hiện thực của một người đàn ông trong suốt bao nhiêu năm nay.
Đã nhiều lần tôi có ý định dành ra một thời gian để đi tìm quê chị. Tôi muốn được thắp một nén hương trước mộ chị, được nói một câu mà suốt từng ấy năm tôi đã không nói được. Nhưng tôi vẫn chưa làm được việc đó. Công việc cứ cuốn tôi đi như dòng nước lớn cuốn một cánh lục bình bé nhỏ. Để có những chiều tôi cảm thấy buồn và xấu hổ về ý định chưa thực hiện được của mình.
Chị xuất hiện trước mắt tôi trong một chiều mưa dầm. Đó là hồi chị nhập học năm thứ nhất Khoa Lý, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày đó các trường đại học sơ tán về các vùng quê, bởi Mỹ ném bom miền Bắc. Chị được bố trí trọ học ở nhà tôi. Năm đó chị 17 tuổi. Chị đứng trước hiên nhà tôi, người đẫm nước mưa, tay xách chiếc rương gỗ nhỏ đựng tư trang, chị mỉm cười nhìn tôi và nói: “Chào em!”.
Hình ảnh ấy là hình ảnh duy nhất tôi nhìn thấy từ đó đến nay có khả năng làm cho thời gian trong tôi hồi phục một cách trọn vẹn. Mọi thứ đều thay đổi, nhưng một cô gái thôn quê giản dị, đứng trong mưa, mỉm cười với tôi, mãi mãi đẹp như một cơn mơ.
Năm đó, tôi bắt đầu vào học lớp 5 trường làng. Vào lớp 5, học sinh phải làm một bài tập làm văn có ba phần: Mở bài, thân bài và kết luận. Tôi không hiểu vì sao tôi lại có thể trở thành nhà văn khi mà ngày ấy tôi không sao phân biệt được đâu là mở bài và đâu là kết luận. Tối tối chị kiên nhẫn dạy tôi học, nhưng cứ khi bắt tay vào bài tập làm văn, tôi lại không nhớ gì nữa. Tôi hoàn toàn lẫn lộn giữa mở bài và kết luận.
Vào những buổi chiều đẹp, chị thường rủ tôi ra đê chơi. Chị và tôi làm những chiếc kèn bằng lá dứa dại ngắt dưới chân đê. Rồi hai chị em ngồi trên mặt đê nhìn về những cánh đồng phía bên kia sông. Chị cũng rủ tôi thổi thi xem ai dài hơi hơn. Những chiều như thế, gió sông thổi lồng lộng làm mái tóc dài của chị bay như một dải mây. Và tiếng kèn lá dứa u trầm đổ xuống triền sông và trôi mãi về một bến bờ nào đó.
Trước khi rời đê về nhà, chị em tôi thường giấu hai chiếc kèn lá dứa trong một bụi cỏ gần đấy. Chị thì thầm: “Đêm nay, sẽ có người về thổi những chiếc kèn của chị em mình đấy”. Đến chiều hôm sau, chị em tôi đến nơi giấu những chiếc kèn lá dứa. Và có lúc, chúng tôi chẳng còn thấy chiếc kèn nào ở đó. Tôi hoàn toàn tin là có người đã lấy những chiếc kèn đêm qua. Tôi hỏi chị rằng, ai đã trở về trong đêm để lấy những chiếc kèn. Chị nhìn rất xa sang bên kia bờ sông và nói, cũng bằng giọng thì thầm: “Chị cũng không biết”.
Tuổi thơ, tôi thường hay đau ốm. Một lần tôi bị sốt, chị hỏi tôi thích ăn gì, chị sẽ mua. Tôi nói với chị tôi chỉ thèm được ăn dâu da đất. Hôm đó, ăn cơm trưa xong, chị đạp xe từ làng tôi vào tận Miếu Môn để tìm mua dâu da đất cho tôi. Cuối chiều, chị trở về, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Chị lấy chiếc bọc bằng khăn mùi xoa buộc ở ghi đông xe đạp, đưa cho tôi và hỏi: “Em có biết chị mua gì cho em không?”.
Trong cơn sốt và trong nỗi thèm muốn, tôi nhận ra mùi dâu da đất chua chua. Chị ngồi bên mép giường nhìn tôi ăn ngấu nghiến cả vỏ, cả hạt những quả dâu da đất. Ăn hết chùm dâu da đất, rồi đến giữa đêm, tôi tỉnh hẳn. Sáng sau, tôi đã đòi đi học. Có lẽ tuổi thơ đói khát và quá nhiều thiếu thốn thì chỉ một chùm dâu da đất cũng có thể làm cho người khỏi bệnh.
Bây giờ, những cây dâu da đất hình như không còn nữa. Có lần đi qua vùng đồi Miếu Môn, tôi hỏi thăm người dân ở đấy về cây dâu da đất. Họ nói, người ta phá hết rồi, vì nó chẳng có gì đáng giá mà phải giữ lại. Mấy năm trước, nghe nói ở vùng rừng Nghệ An, Hà Tĩnh, có mọc nhiều cây dâu da đất. Tôi cũng đã nhờ một người bạn trong đó kiếm cho tôi một cây. Tôi muốn trồng một cây dâu da đất trong vườn nhà mình. Tôi không bao giờ quên được một chiều xa xưa, tôi đã ăn ngấu nghiến những quả dâu da trong cái nhìn trìu mến và ấm áp lạ lùng như một nữ thần của chị.
Nhưng rồi tôi cũng chẳng được ở bên chị mãi. Một đêm, tất cả những sinh viên trọ học ở làng tôi trở về Hà Nội. Chiến tranh phá hoại miền Bắc của không lực Hoa Kỳ tạm ngừng. Đêm ấy là một đêm thu đầy trăng. Tôi tiễn chị trên mặt đê làng. Khi ôm tôi vào lòng. Mái tóc mới gội lá bưởi của chị phủ kín mặt tôi. Tôi ôm chị rất chặt và nói trong nước mắt: “Chị đừng đi, em sợ…”.
Cho đến tận bây giờ, khi đã bắt đầu già rồi, tôi vẫn không biết được rành mạch, tôi sợ điều gì trong đêm trăng của mùa thu ấy. Chị nói, chị sẽ về thăm tôi. Chị nhắc tôi cố gắng học để đừng nhầm lẫn mở bài với kết luận. Nhưng chị không bao giờ trở về thăm tôi được nữa. Chị mất sau đó mấy tháng bởi một tai nạn giao thông. Bao nhiêu năm sau này, tôi mới biết được tin đau buồn ấy qua lời kể của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Anh học khoa Lý cùng chị. Đến lúc đó, tôi mới biết lý do vì sao chị không về như đã hứa. Nhưng suốt từng ấy năm và cho đến bây giờ, tôi vẫn sống trong một sự chờ đợi mơ hồ nhưng nhiều khi khắc khoải và đau đớn.
Hàng năm vào dịp hè, tôi thường đưa các con tôi về quê. Tôi lại lấy những chiếc lá dứa trong những lùm dứa dại mọc dưới chân đê để làm kèn. Và khi hoàng hôn đổ xuống, tôi lại giấu một chiếc kèn vào một bụi cỏ đâu đấy. Suốt đêm ấy, tôi chập chờn trong giấc ngủ. Tôi nghe có tiếng u trầm của chiếc kèn lá dứa từ mặt đê vọng về. Và tôi lại thấy chị với mái tóc bay kín cả triền sông Đáy quê tôi. Đến lúc đó, tôi mới tin lời chị thì thầm rằng sẽ có một ai đó đêm đêm trở về lấy những chiếc kèn lá dứa giấu trong cỏ dại và thổi da diết cho tới sáng.
Chị là chị Ty. Quê chị ở Thái Bình. Tại sao tôi lại nhớ về một người con gái ở trọ nhà tôi mấy tháng cho đến tận bây giờ. Tôi biết, tôi sẽ nhớ người con gái ấy suốt đời. Bởi người con gái ấy là một hình ảnh lộng lẫy của đời sống đã hiện ra trên thế gian này như một phép lạ. Nó mang lại cho tôi sự cứu rỗi thực sự trong tâm hồn mình.
Chị mất năm mười tám tuổi. Nhưng tôi chưa từng nghĩ chị đã chết bởi một tai nạn. Tôi chỉ mang trong tâm hồn mình hình ảnh chị hiện ra trong mưa và mỉm cười nhìn tôi. Chị là một nữ thần hiện ra, bước đến, chạm vào tôi như hành động của sự ban phúc, rồi biến mất. Tôi yêu chị với tình yêu của một cậu bé với cô tiên của mình và cũng yêu chị như một chàng trai với một cô gái.