Thật ra, ngư phủ làng chài quê tôi hàng năm đã phải “cách ly” với đất liền, với gia đình, trừ những ngày biển động. Họ “cách ly” với cộng đồng lớn để sống với cộng đồng nhỏ trên thuyền, bám biển, bám khơi. Với họ, “thuyền là nhà, biển cả là quê hương, đất liền chỉ là nơi tạm trú”. Vì thế có người nói vui “hộ khẩu” thường trú của họ là ở nơi các cây “rạo vàng” mà họ gọi đó là: Nhà của cá.
Trong cái tập thể thuyền viên ấy, có một người được “cách ly” nhiều hơn cả, không phải vì người này mang virus SARS-CoV-2, nhưng “nghề nghiệp” của người đó cho phép họ lên bờ rất ít và cũng ít được gặp gia đình vì không có thời gian. Đó là người “giữ nôốc”, hay gọi chính xác hơn, là “nuôi quân”. “Nuôi quân” thường được chọn là người 60 tuổi trở lên. Tuổi hưu và họ cũng “hưu” luôn với việc “kéo lưới” như các thuyền viên khác, họ chỉ làm một nhiệm vụ là lo nấu ăn, rửa bát, rót rượu và vệ sinh các tấm sạp thuyền sạch sẽ.
Cái tuổi đó đã mang đầy đủ mọi tính cách tiêu biểu: Chu đáo, chịu khó, tỉ mỉ trong công việc, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn với bạn thuyền, đặc biệt là phải biết nấu ăn ngon. Thời buổi dịch bệnh này, việc nâng cao sức khỏe càng quan trọng lắm. Không chỉ hợp khẩu vị thuyền viên, mà còn phải tăng cường chất đề kháng với virus, vi khuẩn. Nấu ngon thì nhiều người làm được, nhưng nấu làm sao “cơm ngon canh ngọt” trên biển trong khi thuyền lắc lư như chao võng mà chảo cơm thì lớn (thường phục vụ trên chục người trai tráng khỏe mạnh đang sức ăn) để cơm không “trên chín dưới khê” mới là giỏi. Ngoài các thủ thuật, các mẹo mực và kinh nghiệm nấu bếp sao cho lửa vây đều bốn bề, cơm chín, canh không tràn ra ngoài nồi, thịt luộc chín lòng đào để chấm nước mắm cho ngọt, thì việc “giảm khói” lại là yêu cầu nghiêm ngặt.
Tôi đã có lần đi thuyền đánh cá, thấy “nuôi quân”, đầu tiên phải trổ tài, như ông Hoàng Cầm với “bếp Hoàng Cầm” thời chiến tranh giấu khói nổi tiếng, thì ở đây trong khoang thuyền chật chột, làm sao giảm khói tốt nhất. Phải chọn củi khô, củi bén lửa là quan trọng nhất. Thiên nhiên đã ưu đãi cho những người ở làng biển thường có hàng cây dương chống bão trồng vây quanh. Cây này còn có tên gọi là phi lao, cũng chính là loại gỗ làm củi ,rất bén lửa và ít khói.
Làng chài quê tôi vốn là cái “rốn biển” nên được mang tên: Cửa lạch Sót. Đọc tên lên cũng đã biết khắc nghiệt, sót ra sót lại, một sự thanh lọc ghê gớm của “dịch bão”. Có năm cả làng mất 1/3 đất làng, có ngày giỗ, đi khắp các ngõ ngách của làng, cũng gặp khăn trắng. Đó là khăn của những người đàn bà góa phụ. Cứ đến ngày giỗ chung của làng bởi một trận bão lớn cách đây hơn nửa thế kỷ là họ lại chít khăn trắng thay cái vấn tóc thường ngày.
Mà cũng lạ thật, dự báo bão đầu tiên mà dân làng tôi dễ nhận ra, bắt đầu từ các loại côn trùng bé nhỏ khi nó có những dấu hiệu riêng khác thường như: Kiến kéo từng đàn bò lên tường, lên cây phi lao, gián biển chui vào các kẽ hở, khe bàn, khe ghế... Còn cái loại SARS-CoV-2 lần này lại không nhìn thấy bằng mắt thường và “bão dịch” Covid-19 cũng xoáy lốc không chỉ trong những cộng đồng lớn mà cả trong lòng, trong sức đề kháng của mỗi người.
Nuôi quân “làm xiếc” để nồi cơm chín đều nhờ củi phơi khô nỏ, có thể nghe cả tiếng nắng nổ lách tách, khi nấu đượm lắm, mà hình như còn có cả vị mặn mòi gió biển vì trong các thớ gỗ vân xoắn của ruột cây còn xoắn bao cơn bão. Thế mà cây dương vẫn vươn thẳng, dẻo dai, lá hình kim chịu được nắng gió đan vào nhau thành lũy dày chắn bão và chắn sóng...
Mùa đại dịch này, “nuôi quân” chú ý hơn đến thực phẩm nhiều chất tươi cho các ngư phủ có thêm sức khỏe dẻo bền, dù họ đã “cách ly” đất liền và giữa đại dương mặn mòi mênh mông liệu có con virus nào có thể sống nổi. Nhưng tôi thấy một điều, sức đề kháng của ngư phủ khá ngoạn mục khi sáng dậy thường bao giờ họ cũng súc miệng bằng nước biển và trên mỗi chân lông của họ mồ hôi cũng rỉ ra mùi... nước mắm - nước mắm chất chứ không phải từ hóa chất.
Trong cái giỏ đựng của “nuôi quân” những ngày này, tôi thấy gia tăng ba loại gia vị có ba màu đặc trưng: Chanh (xanh), ớt (đỏ), tỏi (trắng). Thật lạ, vị giác ẩm thực của ngư phủ bao giờ cũng đi đến tận cùng đồng điệu với mặn (muối) là chua (chanh), cay (ớt) và nồng (tỏi), ít khi thấy ngọt (đường). Có lẽ đời sống trên biển đã dạy cho họ một hằng số bất biến là chỉ có những vị cay đắng, chát mặn đó mới trụ được sóng gió biển khơi...
Ra khơi mùa đại dịch thì như thế. Còn khi thuyền cập bờ, “nuôi quân” lại phát cho mỗi ngư phủ một cái khẩu trang. Có người nghiện biển đến mức thiết kế thêm “khẩu trang buồm”, khâu từ vải buồm nhuộm nâu dày, mặn mòi màu nắng bọc phía ngoài khẩu trang y tế được phát. Thuyền lớn về, đậu từ xa cho thuyền thúng chở cá vào bờ cùng với một vài thuyền viên đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận như khi họ xúc cá trong lưới lên thuyền ngoài khơi vậy. Thì ra đó cũng là đồ bảo hộ thường ngày của ngư phủ không chỉ trong mùa đại dịch. Nghịch lý là “anh nuôi” những ngày này lại không bị “cách ly” như mọi ngày mà phải trực tiếp lên “chợ đón” (chợ nhỏ ít người đón bán ngoài gò cá) để tự tay mình chọn mua thực phẩm đất liền để kịp tiếp tế cho thuyền tiếp tục ra khơi.
Ngư phủ mùa đại dịch vẫn tràn trề năng lượng sống, yêu nghề, yêu biển, dù họ “cách ly” đất liền để ra khơi . Và tôi cũng muốn được “ cách ly” như họ...
Hà Tĩnh, tháng 3 năm 2020