Aa

Người muôn năm cũ

Thứ Sáu, 20/09/2019 - 07:00

Hà Nội hôm nay là thế, du nhập văn hóa nhiều vùng miền. Có sự lai căng, pha trộn, những gì truyền thống cũng đã mai một đi nhiều.

Chẳng hiểu sao tự nhiên tôi lại bất giác nhớ hình ảnh ông đồ trong thi phẩm “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên. Cái hình ảnh người muôn năm cũ ấy giờ ở đâu, nó vận vào ý nghĩ của tôi khi nhớ về những người Hà Nội thân thuộc trong cuộc đời mình. Người Hà Nội ở đây là lớp người gắn bó với Hà Nội từ nơi chôn nhau cắt rốn từ những tháng năm tuổi trẻ lớn lên cùng Hà Nội. Cũng có khi là những người Hà Nội tha hương đi phương khác làm ăn nhưng họ vẫn là những người muôn năm cũ. Và cả những người mới gia nhập. Tất cả đều là những người Hà Nội.

Đã có nhiều tranh cãi về người Hà Nội. Đất kinh kỳ từ xa xưa vốn nổi tiếng là nơi văn vật. Nhưng thật cũng chả có chuẩn mực nào để có thể khẳng định đâu mới là người Hà Nội. Có những sự nhầm lẫn tai hại cả ở trong sách vở lẫn ngoài cuộc đời. Tỷ như câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Người ta tự tôn sự thanh lịch của người Hà Nội để rồi nhầm lẫn sang Tràng An. Tràng An dứt khoát không phải là Hà Nội. Có chăng chỉ là sự liên tưởng của một kinh kỳ để rồi có ngộ nhận về những người kinh kỳ mà quy sang Hà Nội.

Khi người Pháp tiến hành xây dựng Hà Nội, vẫn dựa trên nền kinh thành cũ nhưng có mở rộng ra nhiều so với cách xây dựng của triều Nguyễn. Thành Hà Nội bị phá hủy hoàn toàn chỉ giữ lại Cửa Bắc là nơi có dấu tích vết đạn đại bác của Pháp bắn vào. Đây là nơi trại lính và công sở của người Pháp. Khi chiếm được toàn bộ Đông Dương và Hà Nội được chọn là thủ đô thì Hà Nội được xây dựng như những gì ta chứng kiến khi tiếp quản năm 1954. Bấy giờ Hà Nội mặc nhiên được hình thành gồm những khu phố cổ và các khu phố cũ cùng những làng cổ bao bọc phố phường.

Thế hệ tôi là những người sinh sau hòa bình 1954, có quan niệm rất rõ ràng về những địa danh dân cư. Phố cổ là phố chợ bao gồm 36 phố phường, nơi đây tập trung dân cư phố thị làm nghề và buôn bán. Phố cũ là những con phố lớn, còn gọi là phố Tây, bao gồm nhiều biệt thự dành cho người Pháp và công chức người Việt. Khi tiếp quản những con phố này, người ta phân cho nhiều hộ vào cát cứ các biệt thự để ở. Dân cư các phố cũ đa phần là cán bộ, công nhân viên chức. Còn các làng cổ như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Hoàng Mai... có cư dân gốc gác ở đã lâu đời.

Dân phố cổ là những thị dân buôn bán và sản xuất đồng thời bán luôn sản phẩm của mình. Số thị dân này nguồn gốc bắt đầu từ khi người Pháp xây thành Hà Nội. Đa phần họ là những hộ buôn bán cũ. Trong số họ, nhiều người khá giả, trở thành những thương nhân, cự phú, giầu có. Những cư dân phố cũ thì ngoại trừ số công chức ở từ trước, gốc gác phần nhiều là cán bộ về tiếp quản nên thời gian cũng chỉ tính từ dạo hòa bình 1954.

Duy người dân làng cổ thì nhiều người có gốc gác lâu đời, là dòng dõi quyền thế vua ban tước, phong ấp từ nhiều đời trước. Gia phả nhiều dòng họ còn lưu giữ truyền nối đến mấy chục đời. Đây có lẽ mới là những người Hà Nội chính gốc.

Người Hà Nội, ngoại trừ những cư dân làng cổ, thường nhiều lắm chỉ truyền nối được dăm bảy đời, còn thì một vài đời là đa số. Đa phần họ vẫn còn liên hệ với nguyên quán tức là quê gốc. Rất ít người mất đi nguyên quán của mình. Số cư dân này, khi làng quê có việc vẫn tham gia đủ, đặc biệt là khi rời cõi tạm, phần nhiều đều về quê yên nghỉ. Số cư dân Hà Nội mang nguyên quán nhiều vùng quê khác là đa số. Có rất ít người nguyên quán Hà Nội nếu là dân Kẻ Chợ.

Hà Nội, Kẻ Chợ xưa.

Từ lâu khái niệm người Hà Nội cũng đã du di đi nhiều. Cứ sinh ra ở Hà Nội mặc nhiên đấy là người Hà Nội. Sau này chủ nghĩa lý lịch và hộ khẩu nặng nề thì người Hà Nội phải là những người có hộ khẩu thường trú. Hộ khẩu không đơn thuần chỉ là cuốn sổ quản lý hộ tịch mà nó kéo theo nhiều tiêu chuẩn phố phường khác. Chẳng hạn muốn vào làm cơ quan nhà nước ở cả Trung ương lẫn Hà Nội, nếu không có hộ khẩu chính thức thì còn "tướt" nhé. Thế mới có chuyện chạy hộ khẩu. Có vô vàn phương cách để có hộ khẩu, trở thành người Hà Nội và tất nhiên, có cầu khắc có cung, chuyện chạy chọt tiêu cực là khó tránh khỏi.

Bây giờ quan niệm người phố cũng thoáng rồi. Hộ khẩu không còn là thứ quá quan trọng nữa. Tương lai có thể hộ khẩu sẽ bị xóa. Người Hà Nội cũng chẳng thiết tha tiêu chuẩn này kia để so sánh người vùng này, nơi khác. Hà Nội mở rộng sáp nhập cả Hà Tây vào, các khu cao tầng, chung cư mọc như nấm. Dân số tăng vọt. Hầu như các sinh viên từ các miền quê ra Hà Nội học, tốt nghiệp đều ở lại. Chưa kể số người tìm đến phố phường làm nơi mưu sinh rồi cắm chốt ở lại cũng không ít. Hà Nội giờ, để tìm nguyên gốc hoặc vài đời cũng đã là hiếm. Thật sự không còn phân biệt rõ ràng nữa. Hà Nội của đủ các thứ tiếng trên mọi vùng miền. Có điều lạ người dân phố cổ chẳng hiểu sao những người theo nghề buôn bán rất hay nói ngọng lẫn lộn l và n.

Bất luận dù là ở vùng miền nào, dù là gắn bó nhiều ít với Hà Nội nhưng đang sống ở mảnh đất này thì đó đều là những người Hà Nội. Hà Nội hôm nay là thế, du nhập văn hóa nhiều vùng miền. Có sự lai căng, pha trộn, những gì truyền thống cũng đã mai một đi nhiều. Địa lý cũng vậy. Các làng cổ dần thành phường thành phố, đất đai mua đi bán lại. Ít dòng họ còn giữ được hương hỏa. Phố cổ, phố cũ cũng biến đổi nhiều dù vẫn có những dự án bảo tồn. Tuy vậy nét văn hóa của mảnh đất văn vật kinh thành dù đã phai nhạt nhiều những vẫn còn đó một Hà Nội ngàn năm. Và người muôn năm cũ, những người Hà Nội, còn vẹn nguyên đó trong cả hồi ức lẫn cuộc đời.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top