Tôi đang có mặt tại Bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội. Bố tôi vừa đến điều trị ở đây.
Những ngày này, đâu đâu cũng thấy nhắc đến Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sáng nay, trên đường đi đến bệnh viện, tôi nghĩ về từ "người thầy". Tôi nghĩ đến bố mình. Bố cũng là người thầy, người thầy đầu tiên của cuộc đời tôi.
Thường, khi nói đến người thầy, ta nghĩ ngay đến thầy giáo, cô giáo dạy ở trường học. Điều đó không sai.
Để trưởng thành và đi đến trọn cuộc đời (chắc chỉ là cuộc đời tạm như mong muốn), ta cần lắm, nhiều lắm những người thầy ta gặp trong đời. Nhưng, ta phải có người thầy xuất hiện đầu tiên.
Người thầy đầu tiên xuất hiện trong đời ta là ai?
Ít nhất, đó là thời gian khi ta chào đời, ta có bố mẹ là người thầy đầu tiên.
Tất cả vốn liếng chuyên chở trong gene, trong từng tế bào của ta, được cha mẹ trao truyền, là của hàng tỉ năm tiến hóa, còn là tổ hợp của giống nòi gửi gắm. Ta học được điều đó từ cha và mẹ giữ gìn khi họ trưởng thành trong thế giới làm người và khi mang thai ta.
Cái vốn đó, là thứ trí tuệ chung của nhân loại và của từng dân tộc biết nuôi dưỡng, biết gìn giữ cho mình trên tiến trình tiến hóa.
Ra đời, cất tiếng khóc trên tay mẹ là ta đã nghiễm nhiên được thừa hưởng công trình vĩ đại mà cha ông tiên tổ đúc kết nên tự ngàn đời.
Trên tiến trình tiến hóa, ta nợ loài người một ân huệ lớn, hầu như không có cơ hội đáp trả.
Bố, mẹ và chỉ bố mẹ mới đủ kiên nhẫn hướng dẫn và mong mỏi trông đợi ta thành đạt cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.
Có lẽ, định hướng bằng lối sống, nếp sống truyền thống trong gia đình, là một phần quan trọng làm nền cho ta cất bước vào đời mà không lạc lối. Đó là, ta biết nhận ra cội rễ văn hóa của dân tộc mình qua nếp sống của bố mẹ.
Tôi muốn nói đến 4 chữ: "Tôn Sư Trọng Đạo".
Dân tộc ta, là một dân tộc có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Không biết câu nói biểu đạt truyền thống dân tộc trên, có còn được nhắc đến trong ngày Nhà giáo không?
Nhân Ngày di sản 23/11, chúng tôi có buổi tọa đàm chủ đề "Tục thờ Tổ Nghề dưới gốc nhìn Đạo Hiếu" nên tôi muốn viết đôi điều về sư và đạo.
"Tôn sư" không bao giờ tách khỏi "trọng đạo". Chỉ nhắc đến việc "kính thầy", mà không nhìn điều đó trong hệ quả, nhân quả với "trọng đạo", việc kính thầy đơn điệu và rất thiếu vắng văn hóa Việt.
Có tôn sư, và việc tôn sư đúng nghĩa, mới tạo nên đạo. Rất hệ trọng. Văn hóa Đông phương, tinh hoa là ở đó. Đây là cặp nhân quả không thể tách biệt khỏi nhau khi nói đến Thầy và Đạo.
Thầy, và chỉ có từ thầy mới là người tạo ra đạo. Nên tôn sư không thể tách khỏi việc trọng đạo.
Vì vậy, trọng trách và sứ mệnh của người thầy, rất lớn, là trọng trách của người tạo ra đạo. Dân tộc này đã phát triển trên nhận thức như vậy để tạo ra văn hóa Việt.
Đạo đó là đạo gì?
Đạo thầy trò, đạo xử thế.
Không đạo nào có mặt mà không để chú trọng việc thờ thầy. Thờ thầy, biết thờ thầy mới có tư cách làm thầy về sau. Tôi ngạc nhiên khi trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt, người ta thờ một vị thầy của dân tộc và gọi là Tiên Sư.
Lịch sử thờ thầy rất rõ. Vì vậy mới có câu nói: "Nhất tự vị sư, bán tự vị sư".
Tôi nhớ hồi nhỏ, các bà ở quê tôi cứ gọi chữ Nho là chữ thánh hiền và cấm tôi dẫm đạp lên hay quát mắng tôi khi thấy tấm giấy có chữ Nho giữa đất không nhặt lên. Gọi thế, bởi, người dân quê tôi bao đời biết rằng học được chữ nghĩa là khó, nhưng khó hơn là nhờ thứ chữ nghĩa đó, mà bao lớp người biết sống theo thầy, có đạo nghĩa thầy trò để noi gương sáng nhân trí cho đời.
Có lẽ, họ đi học, không đơn thuần để biết đọc biết viết. Và học không phải để có kiến thức và bằng cấp để đi làm công kiếm sống. Họ học, cốt là học lấy cái đạo nghĩa đang là vốn sống có nơi người thầy.
Thuở lớn lên bên thầy Minh lúc nhỏ, tôi hay nghe thầy tôi nhắc: "Đệ tử tầm sư dị sư tầm đệ tử nan". Nghĩa là: Người đệ tử đi tìm thầy học đạo thì dễ, người thầy đi tìm ra người đệ tử để trao truyền đạo lý mới khó.
Và khi nào thì người thầy xuất hiện?
Có câu nói vô cùng thâm thúy, rằng, khi người học trò trong ta sẵn sàng, thì người thầy xuất hiện. Bạn chưa sẵn sàng để học, chưa đủ đạo thờ thầy, thì sao "tìm ra" được thầy?
Ngày nay, có nhiều người muốn đến với đạo, luôn than thở, thời nay đi tìm "minh sư" để theo học, khó quá. Vì họ cho rằng thời nay người tu đạo phần đông không xứng đáng với đạo để họ tôn thờ.
Thầy của ta ở đâu?
Ở trong "tam nhân đồng hành..". Trong ba người cùng đi, tất có kẻ là thầy mình. Ông cha ta đã học như vậy. Đã nhận thức như vậy để giữ đạo thờ thầy.
Thầy của ta ở đâu nữa?
Ở trong "..bán tự vị sư". Chỉ cần "nữa chữ" đã là thầy ta rồi. Hay và quý quá. Đạo Thờ Thầy của dân tộc ta như vậy đó.
Thờ thầy là để được làm thầy. Và ai, và đâu là người thầy đầu tiên của dân tộc?
Ngày Nhà giáo là người thầy giáo không thể không biết đến lịch sử dân tộc. Làm thầy, mà không nhắc nhớ được đến cội nguồn dân tộc, thế làm sao chu tròn được đạo làm thầy.
Ai cũng có một tuổi trẻ. Lúc trẻ trung, ta thường hay gay gắt và thích lên án chỉ trích người khác. Theo thời gian, ta thấy chính ta cũng không tránh khỏi những vụng về và lầm lỗi, ta tự thấy mình dễ dãi hơn, dễ tha thứ hơn..
Nhận thức ta liên tục phát triển, ta biết thay đổi để đi tới, là ta không ngừng nhận ra nhiều người thầy, đến rồi đi.. ta gặp trong đời và làm ta thay đổi.
Đạo thầy trò.
Thầy trò mà không còn hành xử để có đạo thầy trò thì đời không cần lắm sợi dây thầy và trò làm gì.
"Ngày Nhà giáo", ba từ ấy thiêng liêng quá nếu nhìn dưới nhận thức của "tôn sư trọng đạo" trong văn hóa dân tộc Việt.
Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam!
Chúc mừng truyền thống đạo lý Tôn Sư Trọng Đạo của dân tộc Việt mãi được gìn giữ!