“Thuở xưa, nhân dân chưa biết cày cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, rễ cây, quả cây và các loại rau dại, lúa hoang nhặt được. Các vùng đất ven sông hàng năm được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân gỡ hạt, gieo mạ. Khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước.
Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi Vua. Vua Hùng nhổ cây mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem. Mọi người làm theo, cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua cùng mọi người lên gốc đa lớn nghỉ ngơi ăn uống”. (Trích: Vua Hùng dạy dân cấy lúa)
Tộc trưởng bộ tộc Hữu Hùng Thị - Hùng Vương - Hiên Viên cũng chính là Tổ Bách nghệ của Việt Nam.
Một dân tộc thờ vị quốc tổ đồng thời là vị tổ của trăm nghề - đó là điều chỉ có thể thấy ở Việt Nam. Điều đó xuất phát từ nền tảng tâm thức của một dân tộc trọng Hiếu đạo. Một dân tộc luôn ghi nhớ ơn nghĩa. Ân nghĩa của vị Vua lập quốc “dựng nước” và dạy cho dân ngay từ buổi đầu cách cày cấy, cách làm nhà gỗ, nhà vua dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về nghĩa vua tôi, trật tự trên dưới, lễ cha con, anh em, và sự phối hợp vợ chồng.
Dân gian có câu: “Ăn nắm xôi dẻo, nhớ nẻo đường đi.” Đó chính là lời nhắc nhở cháu con của ông cha, sống cho trọn chữ hiếu. Tục thờ tổ Bách nghệ, các vị tổ nghề nói riêng và thờ thành hoàng làng đều thuộc phạm trù của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tổ tiên ấy vậy thì cụ thể là ai? Là nguồn cội, là các vị quốc tổ từ thời dựng nước cho đến nay. Chính vì vậy, tục thờ tổ bách nghệ tại Việt Nam không tách rời với nhân sinh quan của người Việt về Hiếu đạo.
Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt chính là ý thức tìm về nguồn cội văn hóa và lịch sử của dân tộc. Ngày nay, trong mỗi ngôi nhà người miền Trung vẫn còn Tran ông – Tran bà.
Tran Ông thờ Bách công kỹ nghệ tổ sư – chính là Hiên Viên Hoàng Đế.
Tran bà – Thờ Cửu Thiên Huyền nữ - chính là bà tổ nghề tơ tằm của dân tộc.
Chính bởi nếp sống dân tộc trọng hiếu đạo mà chúng ta mới còn có thể lưu truyền đến ngày nay và trong mỗi ngôi nhà việc thờ kính tổ tiên, thờ kính những vị tiền nhân khai quốc dựng nước giúp dân.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đức Tố Lưu nói: “Tổ nghề” chính là những người mang một vị thế vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Mỗi một nghề được phát kiến, truyền bá và phổ cập, xã hội tiến 1 bước tiến vững vàng tự chủ hơn theo chiều dài lịch sử.
Ngày nay, từ việc nghiên cứu các di sản văn hóa vật thể: Đình, đền, miếu, di tích, di vật còn lại cho đến việc nghiên cứu sâu hơn các di sản văn hóa phi vật thể: tín ngưỡng, các loại hình văn hóa nghệ thuật, các phong tục tập quán, những lời nhắc nhở răn dạy đã đi vào đời sống dân tộc qua nhiều ngàn năm lịch sử, ta có thể thấy cách mà người Việt thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên vô cùng đặc biệt. Tổ nghề, không ai khác, cũng chính là tổ tiên, là ông cha ta, là nguồn cội của chúng ta trong mỗi nấc thang phát triển của khoa học kỹ thuật mà dân tộc đã đi qua.
Thờ tổ nghề cũng chính là thực hành nếp sống hiếu hạnh. Thắp sáng lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội của người Việt. Việc phụng thờ kính ngưỡng ấy là đức tin, là nhu yếu và biến thành nhiều dạng thức hành động khác nhau trong ứng xử, trong văn hóa để biểu lộ.
Người Việt trải qua 5000 năm nay đã vun bồi cho nếp sống và tín ngưỡng ấy trở nên vững vàng, bền bỉ trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử.
Nhờ có nền tảng từ tâm thức trọng nếp sống hiếu hạnh, tục thờ tổ bách nghệ cũng như sự thờ cúng ở mỗi làng xã, mỗi gia đình hay ở các nhóm cộng đồng người Việt đã trở thành một sợi dây liên kết mọi người lại với nhau. Chúng ta nếu có dịp tham dự một ngày hội làng, một ngày lễ hội nghề thì đều có thể nhận thấy lòng kính ngưỡng, trọng hiếu đạo và ân nghĩa luôn hòa chung một nhịp trong trái tim mỗi người con Việt.
Đình Kim Ngân nằm ở hàng Bạc và thờ ông tổ nghề chạm bạc họ Lưu. Nhưng, nhân dân ở đây không chỉ thờ ông tổ nghề chạm bạc. Họ thờ kính và gửi lòng thương tưởng biết ơn đến tiền nhân: Tổ Bách nghệ - vị tổ của trăm nghề.
Mỗi năm, tại các làng nghề đều có ngày hội hay giỗ tổ nghề để tôn vinh vị tổ sư đã truyền dạy lại nghề cho làng. Tất nhiên, không bao giờ thiếu những nén nhang thơm kính ngưỡng đến vị tổ Bách nghệ của cả dân tộc. Khi vui sướng hay lúc khó khăn, những lễ hội luôn tràn đầy lòng kính ngưỡng biểu thị cho một sức sống bền bỉ.
Thờ kính - tổ chức lễ hội, v.v… là những biểu hiện khác nhau để bày tỏ nhu yếu kính ngưỡng và niềm biết ơn sâu xa đến nguồn cội của người Việt.
Cả dân tộc như một gia đình. Các làng nghề có tổ sư nghề của mình và giống như 1 dòng họ.
“Cha mẹ cho vàng, không bằng người chỉ đàng đi buôn".
"Ăn nắm xôi dẻo, nhớ nẻo đường đi".
Tâm thức người Việt là như vậy. Mối quan hệ khăng khít, nghĩa tình và thấm sâu chất liệu của lòng Hiếu đã trở thành căn cốt, thành nền tảng văn hóa dân tộc.
Tục thờ tổ Bách nghệ nói chung và thờ tổ nghề nói riêng tại Việt Nam chính là biểu hiện sinh động cho đức tin của người Việt. Tục ấy cũng chính là hiện thân của niềm kính ngưỡng và các chân giá trị về luân lý, đạo đức cũng như ước vọng của dân tộc.