Aa

Người thôi vô tâm, biển hết ngang ngược

Thứ Năm, 04/07/2019 - 20:31

Chỉ vì sự “vô tâm” của lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi mà bao năm nay, khách bộ hành chịu cảnh luồn cúi chui dưới tấm biển. Nhưng cũng chỉ cần người có trách nhiệm động tâm một chút là mọi việc đã khác...

Cách đây gần 2 tháng, Reatimes có đăng bài Tấm biển ngang ngược của Đại học Thủy lợi và chuyện kẻ ngứa mồm”, viết về tấm biển hiệu Trường Đại học Thủy lợi ở 175 Tây Sơn, Hà Nội choán hết chiều ngang phần vỉa hè của người đi bộ. Đã thế, tấm biển này lại thấp ngang tầm mặt của người có chiều cao trung bình, khiến cho ai nấy đi qua đây đều phải “luồn”, hoặc là “luồn lách” sang hai bên, hoặc là “luồn cúi” chui xuống dưới tấm biển mới có thể đi tiếp.

Sau khi bài báo được đăng tải, nhiều sinh viên của chính Trường Đại học Thủy lợi cũng bày tỏ nỗi ấm ức vì bấy lâu nay vẫn phải chui qua tấm biển này, ấm ức mà chẳng dám nói ra.

Nhưng suốt gần hai tháng trôi qua kể từ khi bài báo được đăng tải và được gửi đến trang web của trường, tấm biển ấy vẫn cứ ngạo nghễ thách thức dư luận.

Những tưởng đã hết thời của lẽ phải.

May thay, cuối tháng 6 vừa qua, khi ngồi trên xe buýt đi qua đây, tôi ngờ ngợ có gì khang khác khi nhìn thấy một thanh niên hiên ngang đi dưới tấm biển mà không phải “cúi đầu”. Ngày 27/6, khi đến điểm đỗ xe buýt trước cổng trường Đại học Thủy lợi, tôi xuống xe và tò mò lại gần thì thấy, quả là tấm biển đã thay đổi.

Đầu tiên, tôi bước đi bình thường dưới tấm biển thì thấy nó không còn đập bốp vào trán như trước nữa. Nhìn qua thì thấy hai cây cột gắn tấm biển vẫn thế. Nhưng nhìn kỹ thì thấy đoạn dưới chân cột có lớp sơn mới. Nhìn kỹ hơn nữa thì hóa ra, hai cây cột này đã được hàn thêm một đoạn chừng 30cm rồi sơn lấp lên đoạn chắp thêm và mối hàn. 

Tấm biển trước...

Tấm biển trước...  

... và sau khi đã được nâng lên

... và sau khi đã được nâng lên

Chẳng biết có phải là chủ nhân tấm biển đã nâng tầm cho tấm biển hay không, nhưng đầu tiên phải hết sức hoan nghênh ai đó đã làm việc này.

Điều tiếp theo phải nhận ra rằng, hóa ra việc nâng cao tấm biển để mọi người không phải gập người luồn cúi khi qua đây rất đơn giản. Chỉ cần cưa hai chân cột, sau đó hàn nối thêm một đoạn để tăng chiều cao rồi sơn lại, thế là xong. Điều khó khăn nhất trong công việc này có lẽ chỉ là việc chống, đỡ tấm biển khi cưa và hàn. Nhưng cho dù như thế thì với hai công nhân cùng dụng cụ đầy đủ có làm như... chơi giăng thì cũng chưa đầy một buổi sáng là xong. 

Chân cột đã được nối thêm một đoạn 30cm

Chân cột đã được nối thêm một đoạn 30cm

Thì cứ cho xông xênh một buổi sáng đi, nhưng chỉ với vật liệu là hai đoạn ống sắt phi 15cm và một ít sơn mà mang lại sự tiện lợi cho bao nhiêu khách bộ hành thì cái được là không phải nhỏ. Cái được lớn hơn nữa còn là thể hiện văn hóa của một ngôi trường đến nay vừa tròn 60 năm tuổi và cách hành xử văn hóa của chính lãnh đạo nhà trường. Đơn giản như thế, cái được là thế mà không hiểu tại sao biết bao năm qua chẳng ai thèm để ý để làm. Phải đợi đến khi dự luận nhắc nhở mới có người động tâm.

Hóa ra, chỉ cần con người để tâm một chút thôi là tấm biển cũng hết… ngang ngược.

Nói rộng ra, nhiều khi có những việc chướng tai gai mắt, có khi hết sức nhỏ nhặt nhưng lại gây khó chịu, bức xúc không hề nhỏ cho người dân và xã hội mà nhiều khi cũng chỉ do sự vô tâm của người lãnh đạo, quản lý.

Lại nhiều khi, để sửa những điều chướng tai gai mắt đó, thậm chí có khi cả những việc lớn, lại không hề khó khăn tốn kém gì. Ấy vậy mà nhiều việc người ta vẫn không làm. Nguyên nhân có thể hoặc là không để ý, hoặc có khi biết nhưng lại cho đó là chuyện nhỏ, hay cũng có khi không thấu hiểu hết nỗi khổ của những người chịu tác động…, nên người ta không làm. Nhưng chỉ cần đặt mình vào địa vị của những người phải chịu tác động của những điều phi lý kia, thấu hiểu nỗi khổ của họ, tức là chỉ cần “động tâm” một chút là người lãnh đạo sẽ biết ngay mình cần phải làm gì cho phải lẽ, phải lý và phải đạo, cái đạo của người làm quan.

Hóa ra, làm lãnh đạo, quản lý không phải chỉ cần năng lực, trình độ mà còn cần có cái tâm, như người xưa từng răn dậy “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, mà nói nôm na như cụ Nguyễn Trãi vẫn từng lấy đó để răn mình: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của toàn dân”.

Mà suy cho cùng, cái tâm ấy cũng chính là năng lực và trình độ của người lãnh đạo và nhà quản lý vậy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top