Aa

Người tiêu dùng hoang mang với “ma trận” gạch ốp lát

Thứ Tư, 01/11/2017 - 14:01

Tiên đoán của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà có "ứng nghiệm"?; Xây nhà 70 tầng ở ga Hà Nội: Bộ GTVT chính thức lên tiếng; VNREA "hiến kế" giải quyết thực trạng đất bỏ hoang; Người tiêu dùng hoang mang với “ma trận” gạch ốp lát;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Người tiêu dùng hoang mang với “ma trận” gạch ốp lát

Anh Hoàng Minh (quận 9, TP.HCM) cho biết, anh đang chọn gạch ốp tường và lát nền cho căn nhà 1 trệt 1 lầu, diện tích 180 m2. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thị trường, anh “hoa cả mắt” với các chủng loại, mẫu mã, giá cả của đủ các thương hiệu như porcelain (xương bán sứ), gạch granite, rồi là ceramic, men bóng, men mờ...

Về giá, gạch granite lát 80x80 bóng kiếng toàn phần Đồng Tâm đại lý chào 475.000 đồng/m2 loại 1, 380.000 đồng/m2 loại 2.

Gạch ốp 80x40 loại 1 là 400.000 đồng/m2, loại 2 là 320.000 đồng/m2. Gạch Thạch Bàn có giá từ 160.000 - 260.000 đồng/m2. Sản phẩm ốp Vietceramics dòng hàng từ Thái Lan có giá tầm 700.000 đồng/m2, từ Bồ Đào Nha là 940.000 đồng/m2, dòng hàng nhập khẩu từ Italia là 2,7 triệu đồng/m2, dòng Casabella hơn 3 triệu đồng/m2…

Cũng giống thị trường sơn, sự đa dang về mẫu mã, chủng loại và thương hiệu của gạch ốp lát cũng khiến người tiêu dùng đau đầu. Ảnh: Dũng Minh.

Cũng giống thị trường sơn, sự đa dang về mẫu mã, chủng loại và thương hiệu của gạch ốp lát cũng khiến người tiêu dùng đau đầu. Ảnh: Dũng Minh.

Sau một hồi cân nhắc chi phí và mẫu mã, anh Minh quyết định chọn mua gạch granite loại 1 của Đồng Tâm để ốp lát.

Lý giải cho quyết định của mình, anh cho biết, sản phẩm sản xuất trong nước nhìn màu sắc và mẫu mã sắc nét không thua kém hàng nhập khẩu, trong khi giá cả phù hợp với túi tiền của gia đình. Ngoài ra, để đảm bảo độ bền cho sàn nhà, anh chọn gạch granite, bởi chất lượng gạch granite tốt hơn gạch ceramic, độ chống mài mòn cao, tăng tuổi thọ cho công trình.

Tương tự, anh Đỗ Tuấn (quận 2) cho biết, việc chọn gạch ốp lát để hoàn thiện nhà giống như lạc vào một khu rừng, giá cả thì vô chừng, thương hiệu, mẫu mã cũng khiến người tiêu dùng hoa mắt.

Sau khi đi một vòng quanh các showroom gạch, cuối cùng anh Tuấn đã chọn gạch granite của Đồng Tâm loại 470.000 đồng/m2 cho phòng khách, các khu vực còn lại là gạch granite của CMC có giá 240.000 đồng/m2 để tiết giảm chi phí.

Anh Phi (quận 9), kinh doanh vật liệu xây dựng nhiều năm cho biết, 3 loại gạch ốp lát phổ biến thường được sử dụng trong các công trình xây dựng hiện này là gạch ceramic, gạch porcelain và gạch granite. Về mẫu mã, có hai dòng chính là men bóng và men mờ, mỗi dòng có một ưu điểm riêng. Tuỳ theo công nghệ sản xuất, nguyên liệu sản phẩm, độ bền…, mà giá cả chênh nhau rõ rệt. 

Xem chi tiết tại đây.

TS Nguyễn Đình Cung: "Có lẽ Hãng phim truyện VN phải tự trách mình"

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước” diễn ra chiều 30.10, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có một số chia sẻ bền lề xung quanh câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam và việc định giá 0 đồng với thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam

Theo ông Cung, trong câu chuyện cổ phần hóa (CPH), Hãng phim truyện Việt Nam phải đưa ra phương án phát triển của mình. Bản thân hãng phim phải định hướng mình sẽ phát triển theo hướng nào và định vị trí hiện tại của hãng phim.

Từ đó, hãng phim sẽ nhận định được họ cần những nhà đầu tư, cổ đông đáp ứng được điều kiện như thế nào, mang tới giá trị gì để phục vụ chiến lược phát triển của hãng phim.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng thương hiệu và lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam không có nhiều giá trị khi bàn về tương lai phát triển của hãng.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng thương hiệu và lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam không có nhiều giá trị khi bàn về tương lai phát triển của hãng.

TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Sự việc vừa qua phải trách nhiều bên. Nhưng có lẽ hãng phim phải tự trách mình đầu tiên. Tới nay, không biết mấy ai có thông tin về phương án phát triển hãng phim không, riêng tôi thì không có. Trong khi đây là thông tin quan trọng trước tiên.

Hãng phim muốn phát triển như thế nào? Họ mong muốn nhà đầu tư mang tới gì cho họ? Trả lời được hai câu hỏi đó, mới có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình và nắm rõ nhà đầu tư này sẽ được lợi gì từ mình, nhà đầu tư kia sẽ mang lại cho mình những giá trị gia tăng nào. Cái quan trọng là phải định hình được cổ đông chiến lược là gì, không phải ai đến cũng là chiến lược.

Xem chi tiết tại đây.

VNREA "hiến kế" giải quyết thực trạng đất bỏ hoang

Theo VNREA, thị trường hiện vẫn đang có sự chênh lệch cung cầu nhất là nhà ở không phù hợp với nhu cầu thị trường. Sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao dư thừa nhưng lại thiếu sản phẩm bình dân, đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân cư. Giá cả nhà ở không ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Cơ chế xin cho trong việc giao dự án bất động sản dễ dẫn đến tham nhũng, tình trạng giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường diễn ra tại nhiều dự án. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này, theo VNREA là do công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản từ trung ương đến địa phương còn chưa theo kịp với sự phát triển của thực tế, công tác kiểm soát, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường chưa hiệu quả.

Theo VNREA, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển thiếu minh bạch.

Theo VNREA, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển thiếu minh bạch.

Cũng theo VNREA, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển thiếu minh bạch từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch trên thị trường.

Nhận định rõ hơn về công tác quy hoạch, VNREA cho rằng, ngoài việc cần đổi mới công tác lập quy hoạch phát triển đô thị thì trong thời gian qua, công tác thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều bất cập, tồn tại tình trạng dễ làm, khó bỏ, triển khai các phần quy hoạch có thể kinh doanh được thì làm rất nhanh nhưng các công trình hạ tầng, kỹ thuật lại chậm triển khai, thậm chí không triển khai.

“Điều đó dẫn đến tình trạng các dự án khu đô thị bỏ hoang, khu nhà ở phát triển mới ở khu ven đô đều thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, dịch vụ, không thu hút được người dân đến ở, bỏ hoang gây lãng phí tiền của xã hội”, VNREA nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Tiên đoán của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà có "ứng nghiệm"?

Hồi tháng 8/2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã dự báo phân khúc căn hộ cao cấp sẽ đạt đến ngưỡng bão hòa hoặc dư thừa vào khoảng giữa năm 2017. Vậy tính đến thời điểm hiện tại – quý IV/2017, thị trường căn hộ cao cấp có thực sự bão hòa hay dư thừa như lời Bộ trưởng nói?

Theo số liệu từ CBRE, từ năm 2014 đến năm 2016, tỷ trọng nguồn cung căn hộ cao cấp trên thị trường Hà Nội đã liên tục tăng. Cụ thể, năm 2014, phân khúc cao cấp chiếm 9% tổng nguồn cung căn hộ mở bán mới; năm 2015 chiếm 32% và năm 2016 là 37%.

Nguồn cung phân khúc cao cấp giảm cả ở hai thị trường Hà Nội và TP.HCM.

Nguồn cung phân khúc cao cấp giảm cả ở hai thị trường Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2017, tỷ trọng phân khúc cao cấp trong tổng nguồn cung căn hộ mở bán mới đã giảm xuống 21%.

Xét riêng từng quý, sự suy giảm này được biểu hiện như sau:

Về tỷ trọng: phân khúc cao cấp đã giảm tỷ trọng từ quý III/2016 đến nay. Cụ thể, tỷ trọng phân khúc cao cấp trong tổng nguồn cung quý III/2016 là 44%, quý IV/2016 là 34%, quý I/2017 là 19%, quý II/2017 là 26% và quý III/2017 là 18%.

Như vậy, so với quý III/2016, tỷ trọng phân khúc cao cấp quý III/2017 đã giảm tới 16%.

Về số lượng: số căn hộ cao cấp quý III/2016 là 2.992 căn, quý IV/2016 là 3.103 căn, quý I/2017 là 1.785 căn, quý II/2017 là 2.200 căn và quý III/2017 là 1.480 căn.

Như vậy, so với quý III/2016, nguồn cung phân khúc cao cấp quý III/2017 đã giảm tới gần 50%.

Xem chi tiết tại đây.

Tranh chấp chung cư: Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ vi phạm của chủ đầu tư

Giám đốc Sở Xây dưng Trần Trọng Tuấn thừa nhận hiện nay, nhà chung cư cũ đa số là chung cư thấp tầng, số lượng căn hộ ít, không có thang máy, không thành lập ban quản trị, chỉ hoạt động theo mô hình tự quản, nên không có đơn vị vận hành.

Riêng các chung cư mới, đa số là chung cư cao tầng, số lượng căn hộ nhiều và có thang máy, nên việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư với ban quản lý nhà chung cư.

Ông Tuấn cho biết, quá trình kiểm tra và xử lý phản ánh về tranh chấp chung cư thấy rằng, mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; việc đóng góp; quản lý và sử dụng kinh phí vận hành, bảo trì nhà chung cư là có nhiều phản ánh nhất. Tiếp đó là các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan Ban quản trị, đơn vị quản lý, vận hành, vận hành nhà chung cư; tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán căn hộ và một số tranh chấp dân sự…

Theo ông Tuấn, nguyên nhân là do chủ đầu tư vi phạm, năng lực điều hành của Ban quản trị chưa đáp ứng yêu cầu, những sơ hở của quy định pháp luật. Trong đó, nguyên nhân sâu xa nhất xuất phát từ hành vi vi phạm của chủ đầu tư trong xây dựng, quản lý nhưng lại chưa được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, thậm chí có nơi xử lý không triệt để, chưa nghiêm túc dẫn đến xung đột về mặt lợi ích giữa cư dân với chủ đầu tư.

Xem chi tiết tại đây.

Xây nhà 70 tầng ở ga Hà Nội: Bộ GTVT chính thức lên tiếng

Văn bản được Thứ trưởng Nguyễn Văn Công vừa ký gửi UBND TPHà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra hàng loạt lưu ý với Đồ án này trong bối cảnh Hà Nội đang bị quá tải về hạ tầng đô thị.

Theo đó Bộ GTVT nhận được Văn bản số 4417/UBND-ĐT ngày 11/9/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc góp ý đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2000 (sau đây gọi tắt là Đồ án). Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT đã đưa các ý kiến về Đồ án này.

Ga Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hải/ VietNamNet).

Ga Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hải/ VietNamNet).

Theo Bộ GTVT, thống nhất về các lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời, để hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại và để cụ thể hoá Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt ngày 26/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch, phân khu chức năng và tính cấp thiết của việc lập quy hoạch.

Theo Bộ GTVT khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận là trung tâm và là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố, vì vậy Đồ án cần có sự so sánh đối chiếu cụ thể các chỉ tiêu và các tác động của Đồ án với quy hoạch chung của thành phố.

Đây là Đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội, vì vậy đề nghị UBND thành phố Hà Nội làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện Đồ án.

Xem chi tiết tại đây.

Bộ Công Thương không muốn di dời trụ sở ra khu vực Tây Hồ Tây

Bộ Công Thương cho biết, ngoài trụ sở làm việc chính tại 54 Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm, tại Hà Nội, Bộ này còn có 4 trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, tại trụ sở 54 Hai Bà Trưng, tổng diện tích đất bằng hơn 9.500m2, diện tích sàn hơn 17.000m2. Đây là nơi bố trí các vụ, thanh tra, văn phòng bộ và Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương làm việc.

Bên cạnh địa điểm trên, Bộ Công Thương hiện đang bố trí trụ sở làm việc của đơn vị trực thuộc tại các số 21, 23, 25 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm). Diện tích đất hơn 4.000m2, diện tích sàn 12.000m2, đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp toàn bộ cơ sở này năm 2012, hiện bố trí làm trụ sở làm việc của các Cục, công đoàn Công Thương Việt Nam và Đảng ủy khối công nghiệp Hà Nội.

Trụ sở làm việc của Bộ Công Thương tại 54 Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm.

Trụ sở làm việc của Bộ Công Thương tại 54 Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm.

Tại địa điểm 91 Đinh Tiên Hoàng, diện tích đất hơn 179m2, hiện bố trí làm trụ sở làm việc của Cục Xúc tiến thương mại.

Địa điểm 20 Lý Thường Kiệt diện tích 672m2, diện tích sàn 3.600m2 hiện bố trí trụ sở làm việc của Cục Xúc tiến thương mại.

Địa điểm làm việc mới nhất của Bộ Công Thương là số 655 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm với diện tích đất hơn 8.500m2, diện tích sàn 23.000m2, hiện bố trí làm trụ sở làm việc của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.

"Căn cứ hiện trạng trên, trụ sở làm việc của Bộ Công Thương đã ổn định, đủ diện tích bố trí cho khoảng 1.500 người làm việc đến năm 2030. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, không di chuyển trụ sở làm việc đến khu Tây Hồ Tây"- văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top