Aa

Nguồn cội

Thứ Bảy, 14/03/2020 - 07:00

“Cây có cội, nước có nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây...".

Một thân cây vững vàng và cho hoa trái xanh tốt là nhờ có phần gốc rễ sâu trong lòng đất. Như Thiền sư Nhất Hạnh từng chia sẻ, con người cũng vậy, thiếu mất bộ rễ, “Ta hụt mất chân đứng. Ta như một thân cây bật gốc. Hiện tượng hư hỏng và tham nhũng trong xã hội ta vốn có nguồn gốc từ sự thiếu chân đứng ấy”.

Và có đôi câu đối của Thầy mà tôi đã nâng niu bằng tất cả tâm tình trân quý như một hạnh nguyện dấn thân trong đời của chính mình: “Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp, suối nguồn huyết thống nguyện khơi thông”. 

Hơn hai mươi năm đi về trên những nẻo đường làng quê Bắc bộ, tôi đã chú ý và ngày càng thêm yêu những nếp văn hóa nơi đây. Bắc bộ chính là cái nôi của nền văn hóa Việt. Những mái đình, từng ngôi miếu hay những lời ca dao, những câu chuyện huyền thoại đều chứa đựng bóng dáng lịch sử và văn hóa dân tộc qua các giai đoạn dựng nước và giữ nước của cha ông.

Cẩn trọng, tìm hiểu và truyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc qua những câu chuyện lịch sử và nếp sống lành lẽ thơm thảo của người Việt từ hàng ngàn năm trước, chúng tôi đã ấp ủ dự án “Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt” và miệt mài với những chuyến điền dã, khảo cứu để tìm về nguồn cội. Tôi luôn tâm niệm: “Nơi tôi sống, nếu là nơi sống lý tưởng, nơi ở đó phải thắp sáng được lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội”. Và lịch sử cũng được lưu giữ chính từ nét văn hóa ấy. Lịch sử của dân tộc Việt được gìn giữ và thắp sáng trên ban thờ gia tiên trong mỗi ngôi nhà Việt.

Nước Việt và cha ông ta có một cách kể sử vô cùng thâm thúy và sâu sắc. Bóng dáng lịch sử đọng lại trong từng nét chạm nơi những linh thú chầu ở mỗi ngôi miếu, mái đình. Lịch sử khuất lấp sau những tên làng, tên xã, những trò chơi dân gian và các lễ hội, các lời ca dao hò vè vẫn sống trong lòng dân tộc. 

Lĩnh Nam Chích Quái, Ngọc phả Hùng Vương, các câu chuyện thần tích, thần phả còn lưu chính là những trang sử quý giá mà ông cha ta bằng một cách kể rất khác, đã khéo léo lưu truyền lại cho con cháu đến ngày nay qua những năm tháng của chiến tranh, loạn lạc và đổi thay.

Những mái đình, từng ngôi miếu... đều chứa đựng bóng dáng lịch sử và văn hóa dân tộc. Ảnh: Internet

Sau Lĩnh Nam Chích Quái, lần đầu tiên, Kỷ Hồng Bàng được đưa vào chính sử và xếp vào mục ngoại kỷ (Hồng Bàng Thị Kỷ). Chúng ta có quyền đặt câu hỏi, vậy Kỷ Hồng Bàng này, Ngô Sĩ Liên dựa vào tư liệu nào để dẫn?

Trong quá trình tìm hiểu về tục thờ Hùng Vương, xác định lộ trình nghiên cứu đi từ nơi khởi nguồn nền văn minh Hùng Việt phải từ đất tổ Phong Châu, chúng tôi đã lần lại tìm về nơi còn lưu dấu của thời kỳ mở nước. Và một điều vô cùng bất ngờ, Hồng Bàng Thị Kỷ - Kỷ Hồng Bàng được trích trong quốc sử (Đại Việt Sử Ký) từ thời Lê đã sử dụng từ nguồn gốc “Hồng Bàng Thị Kỷ”, hoàn toàn trích dẫn từ Ngọc phả Hùng Vương - bản lưu tại đền Vân Luông. Hồng Bàng Thị Kỷ chính là những chữ trên trang đầu tiên của Ngọc phả.

Nền văn minh sông Hồng xuất hiện từ rất sớm (Văn hóa Sơn Vi, khoảng 18.000 - 12.000 năm trước TL). Trong khi đó, lịch sử tính từ mốc thời kỳ Hùng Vương mở nước cách đây khoảng 5.000 năm với nền văn minh Hùng Việt bao gồm dịch học - chữ viết và tổ chức xã hội phát triển rực rỡ. Ngọc phả Hùng Vương chính là tóm tắt quốc sử thời kỳ xa xưa nhất được dân gian lưu truyền lại qua hàng ngàn năm cho tới ngày nay. Ngọc phả hoàn toàn không phải là cuốn sách ghi những chuyện khó tin hoang đường. Điều quan trọng chính là những dấu chỉ của ông cha để lần tìm về lịch sử thông qua những chi tiết tưởng như không thể có thật ấy.

Thờ cúng Hùng Vương là tục thờ đã có ngay từ buổi đầu và hiện vẫn còn hiện diện ngay trong từng ngôi nhà của mỗi người Việt. Từ Tổ Bách Nghệ, Thần Nông, Ngọc Hoàng thượng đế..., họ là ai mà nhiều ngàn năm nay ông cha ta truyền dạy con cháu phải kính thờ? Ông cha ta có nhầm, có sai không? Đây chính là điều mà chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu và hiểu cho đúng.

Tôi rất tâm đắc với lời phát biểu của Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu trong buổi tọa đàm đầu tiên chúng tôi thực hiện cùng nhau với chủ đề "Tục thờ Tổ Bách nghệ qua góc nhìn đạo Hiếu của người Việt" tại đình Kim Ngân. Anh đã chia sẻ: “Cây có cội, nước có nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi”.

Năm 2016, lần đầu tôi có duyên gặp gỡ và làm việc với Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu và Nguyễn Đức Tố Huân, là cháu nội của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Như một duyên lành khi chúng tôi cùng có chung một ý nguyện khơi dòng cho những trang sử của ông cha được tiếp tục chảy với niềm tự hào của cháu con chung một dòng máu Lạc Hồng. Những thần tích, Ngọc phả mà cha ông đã dày công ghi chép, lưu truyền cho con cháu với mong muốn để lại những dấu chỉ cho chúng ta lần được manh mối mà tìm về lịch sử dân tộc.

Sau quá trình tiếp cận, khảo cứu và biên dịch, đối chiếu kỹ lưỡng, chúng tôi đã hoàn thiện bản thảo và giấy phép để chuẩn bị ra mắt cuốn sách: “Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo”. Đây là cuốn quốc sử vô cùng quý giá cho chúng ta những thông tin đặc biệt quan trọng để vén những lớp mây mờ đã phủ lên trang sử dựng nước và giữ nước hào hùng đầu tiên của cha ông. 

Cuốn sách có phần phụ lục trích nguyên bản gốc của Ngọc phả Hùng Vương hiện đang được thờ tại đền Vân Luông, Việt Trì, Phú Thọ. Đây cũng là công trình ra mắt vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3/2020 của nhóm Nghiên cứu Di sản đền miếu Việt, tôi - Tâm Hiệp và hai tác giả: Nguyễn Đức Tố Lưu - Nguyễn Đức Tố Huân chung một tâm nguyện để hoàn thiện như một nén tâm hương kính dâng lên nguồn cội và tiên tổ ngàn đời.

Cổng đền Vân Luông (Việt Trì, Phú Thọ) cổ kính - nơi thờ bản gốc của Ngọc phả Hùng Vương. Ảnh: Internet

Tôi viết những dòng này vào một ngày khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, các quốc gia tùy theo thể chế và văn hóa xã hội bản địa mà chọn cách ứng xử với ôn dịch. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, điều đáng mừng là chúng ta đã chọn hành xử đúng tinh thần của chữ “đồng bào”, đùm bọc, sẻ chia... 

Hướng tới ngày Giỗ tổ Hùng Vương sắp tới, có lẽ chúng ta nên bình tâm và nghĩ đến những giá trị nhân văn mà cha ông ngàn đời đã trao truyền cũng như dày công tạo dựng. Thực tế đã và đang chứng minh, tình đoàn kết, tương thân tương ái sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn.

Thắp một nén nhang thơm xin tổ tiên và hồn thiêng dân tộc chở che cho cháu con nước Việt, cũng xin nguyện lòng cẩn trọng trước mỗi một dấu chỉ, một lời dặn dò, một nguồn mạch văn hóa mà ông cha đã dày công tạo dựng, trao truyền, để nguồn mạch văn hóa cũng như nếp sống nhớ ơn nguồn cội mãi mãi thắp sáng trong trái tim của mỗi người con Việt. Hiểu về nguồn cội, hiểu về gốc rễ mình để tự tin và để vươn cao hơn. Đồng thời, biết phát huy những thế mạnh tiềm ẩn, có như thế, chúng ta mới cùng nhau tạo dựng được quê hương giàu đẹp, vững vàng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top