Aa

Tìm về nguồn cội

Thứ Bảy, 22/02/2020 - 08:43

Đình làng, chùa làng, đền, miếu, phủ ở mỗi làng quê hợp thành một tổng thể văn hóa Việt, là văn hóa của lòng biết ơn và sự kính ngưỡng đến nguồn cội.

“Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên”, trích: An Tĩnh cổ lục - H. Breton.

Đồng bằng Bắc bộ, nơi mỗi làng quê Việt ở đây đều mang những nét cổ kính, những dấu tích trầm mặc, sâu lắng. Mỗi một thôn làng đều còn những mái đình, đền, miếu, những rêu phong từ tên làng, tên xã, từ bức tường lũy chứa đựng những dáng dấp lịch sử của tiền nhân một thời.

Trải qua nhiều ngàn năm với những biến đổi của lịch sử dựng nước và giữ nước đầy gian khó, những dấu ấn ấy dù đã bị nhiều lớp bụi thời gian che khuất lấp, chúng ta vẫn còn cơ hội, cơ may để lần theo tiếng vọng của cha ông mà gỡ từng lớp rêu phủ, từng lớp bụi mờ cho những dấu tích mỗi ngày thêm tỏ rạng.

Những vị Thành Hoàng làng - người có công lao khai hoang lập ấp, giúp dân giúp nước được các làng ghi ơn, trở thành điểm tựa tinh thần và biểu tượng cao đẹp cho mỗi ngôi làng.

Niềm biết ơn được gửi gắm nơi bút tích của những câu đối tự ngàn xưa. Những hình ảnh như: Lưỡng long chầu nguyệt, những chú hạc chầu, những bia đá khắc ghi công ơn tiền nhân đều đang còn hiện diện qua hàng ngàn năm nơi mỗi làng quê Việt. Những lễ hội, những phong tục, những trò diễn xướng và các loại hình nghệ thuật dân tộc trở thành phương tiện giúp người dân bày tỏ lòng biết ơn đến tiền nhân, đến cội nguồn và tình đồng bào của những “gà cùng một mẹ”, của “con Rồng, cháu Tiên”.

Đình làng, chùa làng, đền, miếu, phủ ở mỗi làng quê hợp thành một tổng thể văn hóa Việt, là văn hóa của lòng biết ơn và sự kính ngưỡng đến nguồn cội.

Đình làng và phong tục thờ Thành Hoàng làng là một trong những nét đẹp văn hóa Việt, thể hiện lòng biết ơn và sự kính ngưỡng đến nguồn cội. (Ảnh: Internet)

Tôi từng được nghe những người phương Nam có một phong tục vô cùng ý nghĩa và đẹp đẽ. Ấy là khi đã trải qua hết chu kỳ của một đời người, khi người thân qua đời, gia đình sẽ đặt người mất trong quan tài mà đầu hướng về phương Bắc với một tâm tình như ý hướng về nguồn cội.

Người Việt thường có câu “lá rụng về cội”, hay khi nói đến cái chết là không phải sự chết, mà là “về với tổ tiên, ông bà”. Chính vì vậy, ngay cả phong tục của những người thân trong gia đình khi có người mất, đầu quan tài hướng về phía Bắc, hướng về nơi có tổ tiên, nguồn cội của mình... là một điều vô cùng sâu sắc và đáng kính trọng.

Văn hóa Việt - tất cả những ca hát nghệ thuật chỉ là phương tiện làm nên diện mạo, còn cốt cách, căn cốt của nét tinh hoa văn hóa ấy chính ở nơi người Việt biết nhắc nhau sống có đạo. Đạo ấy, chính là đạo hiếu. Đó chính là lòng biết ơn nguồn cội đã in sâu trong tâm thức dân tộc.

Tôi lại cũng được nghe kể lại câu chuyện: Cụ Phan Thanh Giản, người ký hòa ước 1862, nhượng ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp và để mất ba tỉnh miền Tây vào năm 1867, không chịu được nỗi đau để mất đất, cho nên tuyệt thực và uống thuốc độc tự tử. Tuy vậy, trước khi lìa đời, cụ đã hướng về miền Bắc lạy năm lạy. Với cụ, đó không chỉ là lòng trung quân hướng về triều đình, mà còn hướng về cội nguồn, về tổ tiên để tạ lỗi của mình.

Nhân dân miền Trung kể về truyền thuyết, ở Quảng Bình có một di tích lịch sử vô cùng đặc biệt là Bàu Tró, chỉ cách biển Đông nước mặn trong gang tấc, nhưng quanh năm chứa đầy nước ngọt. Nơi đây còn nổi tiếng về khảo cổ học với các hiện vật có niên đại hàng nghìn năm, dấu tích của người Việt cổ tại khu vực miền Trung. Thế nhưng, trong những năm đất nước bị chia cắt do nạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, người dân phía Nam vẫn tìm đến Bàu Tró để uống nước ngọt bởi cho rằng đó là nguồn nước ngọt vô tận chảy từ cội nguồn về đây, như thể hiện tình cảm thủy chung, son sắt với đất tổ, quê cha, với miền Bắc thân thương...”.

Nên người Việt nhắc nhau: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.

Nơi mảnh đất tổ Phong Châu ấy, vẫn còn từ tên làng Cổ Tích, Dữu Lâu... vẫn còn tục thờ cúng tổ tiên từ ngàn xưa hơn 5.000 năm truyền lại và có những dấu tích còn gần như nguyên vẹn đến hôm nay...

Chúng tôi ghi lại đôi điều và sẽ tiếp tục chủ đề này trong khoảng thời gian hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới như một nén tâm hương dâng lên cha ông, nguồn cội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top