Nguồn cung căn hộ TP.HCM thấp kỷ lục
Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, năm 2020, thị trường căn hộ TP.HCM đối mặt với không ít khó khăn. Nguồn cung sơ cấp cả năm ở mức thấp nhất trong 5 năm với hơn 25.300 căn, giảm mạnh 38% theo năm do nguồn cung mới hạn chế và lượng hàng tồn thấp. Căn hộ hạng C tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung cả năm với 65% thị phần.
Việc khan hiếm nguồn cung đã kéo theo lượng giao dịch thấp nhất trong 5 năm, chỉ đạt gần 22.700 căn. Tuy nhiên, nhu cầu có dấu hiệu tích cực với tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 90%. Căn hộ hạng C tiếp tục dẫn đầu với 68% lượng giao dịch và đạt 93% tỷ lệ hấp thụ, mức cao nhất trong ba hạng.
Đáng chú ý, riêng thị trường căn hộ ở TP. Thủ Đức có dấu hiệu tăng nhiệt. Trong 5 năm qua, lượng giao dịch căn hộ và tỷ lệ hấp thụ ở thành phố Thủ Đức ghi nhận mức tăng liên tục. Năm 2020, tổng lượng giao dịch ở khu vực này chiếm đếm 65% thị phần TP.HCM.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ năm 2015 - 2019, dân số của TP. Thủ Đức ghi nhận mức tăng 4% mỗi năm, cao hơn 2% so với mức tăng của toàn TP.HCM. Điều này cho thấy nhu cầu lớn về nhà ở tại khu vực này. Savills Việt Nam đánh giá, khả năng kết nối TP. Thủ Đức sẽ ngày càng được cải thiện nhờ vào nhiều tuyến đường lớn được mở rộng như Nguyễn Xiển, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân và Nguyễn Duy Trinh.
Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng tương lai như tuyến tàu điện Metro số 1 và Đường Vành đai 2 cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Việc khung pháp lý cũng được cải thiện là tín hiệu tốt cho thị trường.
Dự báo về thị trường, Savills cho rằng, đến năm 2024, nguồn cung tương lai dự kiến có hơn 115.000 căn hộ, trong đó nguồn cung năm 2021 chiếm 15%. Lượng hàng tồn thấp và quy trình pháp lý trì trệ khiến nguồn cung sơ cấp thiếu hụt kéo dài trong những năm gần đây.
“Những sửa đổi của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư có hiệu lực từ 2021 sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung tương lai. Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng của các chủ đầu, giảm đi 10 ngày. Ngoài ra, cập nhật mới trong Luật Đầu tư 2020 sẽ góp phần tăng khả năng thu hút các chủ đầu tư nước ngoài thông qua việc loại bỏ các yêu cầu về vốn pháp định, trong khi các quy trình M&A được đơn giản hơn nhiều”, Savills cho biết.
Nhà liền thổ vẫn được ưa chuộng
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, năm 2020, phân khúc nhà phố thương mại tiếp tục được ưa chuộng. Bất động sản liền thổ có sự gia tăng chuỗi giá trị khi nhà ở liền thổ giá cao được cung cấp ra thị trường nhiều hơn và được hấp thụ tốt. Trong đó, Vinhomes chiếm ưu thế nguồn cung trong thị trường.
Đại diện Savills cho rằng, dù nguồn cung nhà phố trong quý IV/2002 khá thấp nhưng vẫn hoạt động tốt. Nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 770 căn, giảm 61% theo quý và 7% theo năm, là mức cung thấp nhất trong năm 2020. Tuy nhiên, nguồn cung sơ cấp cả năm 2020 đạt 3.100 căn, tăng 28% theo năm. Nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao khiến tỷ lệ hấp thụ của quý đạt 71% và cả năm đạt 93%. Lượng giao dịch năm 2020 tăng 53% theo năm.
Đặc biệt, khu vực phía đông chiếm đến 80% tổng giao dịch của cả năm; khoảng 40% nguồn cung tương lai đến năm 2023, nhờ quỹ đất lớn, quy hoạch độ thị và cơ sở hạ tầng tốt, khu vực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường. Trong đó, các dự án phức hợp như Vinhomes Grand Park và Verosa Park chiếm khoảng 70% lượng giao dịch.
Tính chung cả năm 2020, nguồn cung sơ cấp của nhà phố thương mại tăng 230% theo năm, dẫn đầu phân khúc bất động sản liền thổ với 43% thị phần. Lượng giao dịch nhà phố thương mại cũng tăng 280% theo năm, chiếm 44% tổng lượng giao dịch của toàn thành phố.
“Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia Châu Á có sự tăng trưởng về tầng lớp giàu có (với lượng tài sản lớn hơn 1 triệu USD) là tín hiệu tốt để thị trường sớm hồi phục. Trong 5 năm tới, tầng lớp này ở Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng trung bình 65% mỗi năm. Trong năm 2021, lãi suất vay mua nhà được kì vọng sẽ tiếp tục giảm và bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích, nên nhu cầu cho phân khúc bất động sản liền thổ kì vọng sẽ tiếp tục tăng”, bà Trang nói thêm.