Aa

“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”: Câu chuyện về tiếp biến ngôn ngữ văn hóa

Chủ Nhật, 23/02/2020 - 06:20

Đời sống xã hội, với sự luôn luôn tiếp nhận các giá trị khác biệt và biến đổi các giá trị cũ thành các giá trị nhận thức mới làm giàu cho đời sống tinh thần của loài người.

Người Việt chúng ta thường dịch và hiểu câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” ra là: Người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm. Nhưng ít người hiểu xuất xứ và ngữ cảnh của câu đó. Thật ra câu này có từ lâu, xuất phát từ Trung Quốc. 

Đầu tiên là trong tự bạch của Khổng Khâu: “Ngô thập hữu ngũ nhi chi vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Nghĩa là: Ta 15 tuổi để tâm trí vào việc học hành, 30 tuổi có thể tự lập được, 40 tuổi đủ thấu hiểu để không lắm nghi ngờ, 50 tuổi biết được cái mệnh trời là như thế nào, 60 tuổi là nghe thông phải trái, 70 tuổi thì theo lòng của mình mà hành động mà không vượt khỏi cái khuôn khổ của chân lý.

Câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” xuất hiện đầu tiên là trong tự bạch của Khổng Khâu. Ảnh: Internet

Sau này đến đời Đường, nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ, trong bài thơ “Khúc giang đầu - kỳ nhị”, một đoản khúc tự bạch lừng danh về thú mê rượu chè say sưa đến mức, cứ ở triều ra là ngài cởi áo của mình gán lấy rượu uống cũng đã viết: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thật ra thì nhà thơ cũng chỉ hầu như định tự bào chữa cho mình là, từ xưa đến nay có mấy người sống được đến 70 đâu, nên ta cứ say sưa thoải mái, hết tiền thì đã có áo vua ban!

Cả hai ông, Khổng Khâu và Đỗ Phủ, đều có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, đời sống của nước ta. Bởi nguyên xưa khi chưa có chữ quốc ngữ, chúng ta sử dụng Hán văn. Nên hầu như mọi tác phẩm của Khổng Khâu vốn được coi là “sách thánh hiền” và thơ văn đời Đường của các tác gia lừng danh như: Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Bạch..., cánh nho sĩ nước Nam khi ấy đều khá làu thông, ngâm vịnh. Và từ trong trang sách của học trò, của các nhà nho thầy đồ, những tầm chương trích cú kia bắt đầu đi vào cuộc sống. 

Mới đầu tôi đồ, nó cũng chỉ là câu chuyện bên bàn trà, mâm rượu của cánh gọi là “trí thức” - những người biết chữ, trong xã hội lúc đó. Nhưng trải qua năm tháng truyền khẩu vào trong dân gian, nó bỗng trở thành như là một chân lý, lẽ sống lúc nào không biết. Đến mức người dân hầu hết không biết chữ khi xưa đều coi câu “Tuổi bảy mươi xưa nay hiếm” là một điều hiển nhiên. Hiển nhiên bởi họ soi chiếu vào thực tế cuộc đời, quả khi xưa, tuổi thọ của người dân rất thấp, người nào sống được đến năm bảy mươi tuổi thì đó là một điều gì đó kỳ vĩ! Bởi hiếm nên quý. 

Sau đến đời Đường, xuất hiện trong bài thơ “Khúc giang đầu - kỳ nhị” của nhà thơ Đỗ Phủ. Ảnh: Internet

Nên, dần hình thành một thông lệ là, ai trong làng sống đến năm bảy mươi tuổi, được coi là đại thọ. Ra chốn đình chung sẽ được mời ngồi chiếu trên. Có thể phán bảo răn dạy. Có thể làm gì đó tùy ý. Những cái sự như động thổ xây nhà cất nóc... là cụ bảy mươi có thể nhúng tay làm vào bất cứ ngày nào, giờ nào mà không sợ phạm phải ngày xấu hay giờ xấu. Bởi người ta cho rằng, người sống đến tuổi bảy mươi là sánh ngang với quỷ thần. Quỷ thần cũng phải nể sợ nên các cụ “thất thập” cứ tự do làm gì mình muốn mà không sợ ai trách phạt!

Thế mới biết cái sự tiếp biến văn hóa ngôn ngữ, từ sách vở trường lớp nó đi vào đời sống thật lạ lùng. Mới đầu chỉ là tự bạch của ông trí thức Khổng Khâu, sau hơn bảy mươi năm sống cuộc đời (thọ 72 tuổi). Và cái sự ngông thường thấy của một ông nhà thơ, Đỗ Phủ mê rượu. Trong cơn thăng hoa của rượu, của sông nước, của phong cảnh hữu tình hoa thơm bướm lượn mà viết ra những lời như là tự bạch, tự bào chữa rằng, đời người có mấy ai sống được đến tuổi bảy mươi đâu mà lo, cứ rượu tràn cung mây cho đã đời đi... Và nhà thơ đã từ trần ở tuổi 58.

Thế nhưng những lời tự bạch mang nhiều tính chất cá nhân của hai bậc danh nho đất Trung Nguyên, sang đến Việt Nam, về làng xóm lại thành ra như chân lý, lẽ sống, thậm chí là đạo đức: Rất kính trọng những người sống thọ trên 70 tuổi! Kính trọng người cao tuổi đã thành ra như một chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội Việt Nam xưa. Thậm chí, dân ta còn lưu truyền một câu nữa như sau: “Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”, cũng thể hiện cái sự kính trọng những người cao tuổi. 

Trong con mắt của người Việt, những người đã sống qua 70 năm cuộc đời là những người đã trải đủ hỷ nộ ái ố, đã biết lẽ nhân sinh, đã thấu hiểu vận trời cơ nước. Những con người đó như một pho sử sống của làng xã, kho kinh nghiệm của việc nông tang đời sống. Họ là trí khôn của làng. Thế nên họ phải được kính trọng nâng niu. Thì đến cả quỷ thần vốn hai vai chứng giám mọi việc từ âm phần đến dương gian còn phải kính nể kia mà?... 

Nhưng trong xã hội ngày nay hình như mọi giá trị xưa cũ đã bị đảo lộn. Trẻ chả kính già. Còn tuổi cao bây giờ cũng không chắc đã đồng nghĩa với cái gọi là “đức cao vọng trọng”! Nên có phải vì thế mà bây giờ có những người cư xử với người già thô bạo, nhẫn tâm không?

Trở lại câu chuyện về tiếp biến ngôn ngữ văn hóa qua một mệnh đề, gần như là một thành ngữ kia, ta có thể thấy rõ sự kỳ lạ của cuộc sống. Nó tiếp nhận và biến đổi mọi thứ nhiều khi xa, rất xa những cái ngữ nghĩa ban đầu. Bởi cuộc sống vốn là một dòng chảy, ngôn ngữ văn hóa cũng là một phần của cuộc sống nên nó cũng vận động, biến đổi theo, hòa theo dòng chảy cuộc đời. Chảy từ bến bờ của nhận thức này đến dòng sông nhận thức khác. Không bao giờ đóng khung ở một cái gì bất định chu toàn hay vĩnh cửu muôn năm. Đó chính là sự thần kỳ duy nhất của đời sống con người trên trái đất này: Đời sống xã hội, với sự luôn luôn tiếp nhận các giá trị khác biệt và biến đổi các giá trị cũ thành các giá trị nhận thức mới làm giàu cho đời sống tinh thần của loài người. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top