Aa

Nhật ký không có tuổi

Thứ Sáu, 29/05/2020 - 14:00

Nhật ký của những người lính viết dưới bom đạn, viết cả trong phút giây cận kề cái chết và kiệt sức. Có rất nhiều trang nhật ký mà ở đó, người viết đã hình dung đến “di chúc” và lời nhắn gửi về gia đình...

Hơn 4.000 trang sách nhật ký của 30 tác giả, người viết là nhà văn, phóng viên chiến trường và cả những người lính chưa từng liên quan đến nghề viết đã được ghi chép lại trong chiến tranh trên đường mòn Trường Sơn, trong chiến trường Quảng Đà, chiến dịch Tây Nam Lào hay chiến trường Campuchia… Mỗi cuốn nhật ký là những thời khắc một đời người chiến sỹ, từ người lính binh nhì hy sinh ở tuổi mười chín, đôi mươi, đến những cựu chiến binh may mắn trở về trong thời bình. Có người mong có tiền để in lại nhật ký của tuổi thanh xuân ở chiến trường, như một giấc mơ.

Mỗi tập nhật ký của từng tác giả đều có lời của người biên soạn là cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng, hoặc chính tác giả như nhà văn Phạm Việt Long, hay như đề dẫn của nhà thơ Bùi Minh Quốc viết về liệt sỹ Chu Cẩm Phong… khiến bạn đọc dễ dàng hình dung về tiểu sử vắn tắt, cô đọng của mỗi người lính cầm bút. Sức hút của 4 tập nhật ký bề thế này đọc nhanh cũng phải mất hàng tháng trời. Nhật ký chân thực, tả thực, rung cảm thực từ những trái tim trẻ trung nên rất lôi cuốn và lay động tâm trí bạn đọc.

Đọc bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” do Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với CLB Trái tim người lính tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành, vừa ra mắt tháng 5/2020.

Nhật ký không chỉ là người bạn tri kỷ, bạn đường mà còn là bạn tình nữa, để bộc bạch nỗi niềm cảm xúc lúc cô đơn. Nhưng trong những trang sách để lại của liệt sỹ Hoàng Thượng Lân, ngay cả nhật ký, khi muốn viết cũng không có mực để viết.

Nhật ký của những người lính viết dưới bom đạn, viết cả trong phút giây cận kề cái chết và kiệt sức. Có rất nhiều trang nhật ký mà ở đó, người viết đã hình dung đến “di chúc” và lời nhắn gửi về gia đình - nhật ký nhớ mẹ, nhớ em, nhớ người yêu... Có những người đã không trở về... Khác xa với tình yêu thời 4.0, dù trong cảnh bịn rịn của những thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, người đọc hiểu được một thời người ta trẻ, thời yêu đương còn rất “cổ điển” và trong sáng. 

Hay như liệt sỹ - chiến sỹ Nguyễn Thanh, anh gửi lại tuổi hai mươi bên dòng Thạch Hãn, những trang viết của anh để lại có đoạn: “Đời bộ đội lắm lệnh, mới nghe đã thấy mệt, cũng chả sợ gì đâu nhưng mệt lắm… chuẩn bị vượt Đắk Krong chiến lĩnh trận địa phía Bắc Ly Bôn”.

Rất nhiều những trang viết tả vụng nhưng thực sự xúc động, có lúc bạn sẽ khóc vì thương cảm cho hoàn cảnh cam go của một người lính trận khi bị thương mà thiếu thốn trăm bề. Họ viết trong đau đớn, những cơn sốt cùng sự đói rét và cô đơn của người lính chiến. Nhưng cao hơn tất thảy là lý tưởng cao cả, lý tưởng quên mình vì nhân dân mà người lính tận tụy hy sinh. 

Ở tập 1 "Nhật ký thời chiến Việt Nam", bạn sẽ gặp những phận người, một người lính mồ côi trong gia đình có ba anh em côi cút, nhưng rồi một người đi lính và mãi mãi không trở về. Mỗi trang nhật ký của anh khiến ta đủ hình dung về số phận một người được sống chỉ hai mươi năm, không có nhiều niềm vui, dù điều đơn giản và ấm áp nhất mà anh muốn chỉ là một gia đình bình thường cũng không có. Đó là chân dung của liệt sỹ Trần Danh Hải, một trong ba anh em mồ côi cha mẹ. Anh Hải chỉ sống có 22 năm trong cõi người. 

Những trang nhật ký của anh kể về đời lính sau khi nhiệm vụ hoàn thành, phút rảnh rỗi ra giếng nước một làng quê ở Nghi Văn (Nghệ An) để hát. Hát cho tan cõi lòng. Rồi anh gặp cô gái - một cô gái đi gánh nước. Những trang tả tình người thật hay khi họ hỏi nhau: “Anh làm gì ở đây?”. Anh đáp: “Tôi gác giếng”. Rồi anh lính chỉ mong muốn đêm ấy nàng gánh nước suốt cả đêm còn chàng thì đứng gác. Gác giếng. Cái khát khao bình dị ấy, thời bình thì không có gì khó hiểu, nhưng trong thời chiến, sau những phút giây gặp gỡ là cách biệt; sau này còn là cách biệt âm dương. Nếu không có nhật ký của anh Hải, chắc gì bạn đọc hình dung ra khoảnh khắc tươi đẹp còn lại của cuộc đời, lưu dấu bằng chữ viết đẫm tình người kia?

Tôi đọc thấy người lính Trần Danh Hải viết nhật ký hay như một nhà văn, thiên hướng chất trữ tình. Những lát cắt của cuộc sống dọc đường hành quân, lại thấy cuộc đời thật ngắn ngủi của liệt sỹ Trần Danh Hải mới thật có ý nghĩa. Hay như liệt sỹ Phạm Ngọc Chí, chỉ có hai mươi năm sống, chỉ mơ nặng đủ 45 cân để được đi bộ đội, đi bộ đội rồi mơ sau này trở về được vào đại học mà không thể nữa rồi.

Trong 4 tập Nhật ký, có những nhà văn chiến sỹ như Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Phạm Việt Long, Trần Mai Hạnh, Triệu Bôn… họ đều có những tác phẩm đóng góp cho văn học nước nhà những trang viết thấm đẫm về lịch sử chiến tranh cách mạng và hơi thở của hòa bình sau những ngày xây dựng Tổ quốc.

 Nhật ký Triệu Bôn - Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. (Ảnh: HVH)

Tên tuổi những người lính trong bộ Nhật ký thời chiến Việt Nam còn đây. Những người lính trẻ như liệt sỹ Nguyễn Thượng Lân, Nguyễn Khắc Xuân, Vũ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Đạt, Vũ Hồng Thịnh, Phạm Hồng Ngự… họ ghi chép nhật ký như một cách để lưu lại những giá trị tài sản tinh thần của cuộc đời họ, của gia đình họ. Và giờ đây, những trang nhật ký ấy đã đóng góp vào một “tượng đài di sản phi vật thể” (Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng). 

Cựu chiến binh Đặng Sỹ Ngọc giờ đây không phải dành dụm tiền để in nhật ký nữa. Nhóm biên soạn do nhà văn Đặng Vương Hưng đã làm chiếc cầu nối văn hóa với báo Tiền Phong và cơ may đã đến với ông Ngọc, ông có được cuốn sách để thỏa ước mơ ghi chép một chặng dài hành quân, một chặng dài tuổi thanh xuân trong chiến tranh đã không phai nhòa.

Đọc nhật ký của Đặng Sỹ Ngọc, bạn như được hiểu hơn các bản làng ở huyện Lằng Khằng bên đất Lào trong những ngày tháng mà máu xương người lính Việt đã rơi xuống để đánh đổi lấy hòa bình vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Lính Việt Nam phải tốn máu như sông, phải tốn xương như núi hy sinh ở Lào và Campuchia, chúng ta làm sao quên được.

Nhà văn Triệu Bôn ghi nhật ký ở chiến trường. (Ảnh tư liệu do gia đình nhà văn Triệu Bôn cung cấp)

Cũng như khi bạn đọc sững lại, bồi hồi trước sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhờ những ghi chép chi tiết của nhà văn Trần Mai Hạnh. Bạn đọc qua đó mà hình dung được sự thật tàn nhẫn của chiến tranh, thấu hiểu hơn nỗi cực nhọc của phóng viên chiến trường một thời. Một thời chỉ mơ về một cái vỉa hè để ngả lưng cũng không có. Đủ hình dung nỗi nhớ của người lính về Hà Nội vợi vợi đến thế nào, đủ chia sẻ những cơn đói, đối mặt với hiểm nguy và chia ly.

Những năm tháng ấy còn giúp bạn đọc ngoảnh lại một đám cưới đơn sơ và ấm áp nơi chiến trường của nhà văn Phạm Việt Long với chị Kim Ngân, một đám cưới không áo dài, không đèn hoa rực rỡ. Ảnh đen trắng không phai màu, nó tươi tắn, ấm áp và chí tình biết bao trong một thời sống chết gang tấc. 

Nhật ký của nhà văn Phạm Việt Long chắc chắn đưa bạn đọc trở về với vùng đất Quảng Nam những năm 1972 với cái Tết nhọc nhằn ở dọc đường 5, đến những khát khao cháy bỏng vào cái năm gần ngày đất nước giải phóng. Xuyên suốt những tháng năm trên mảnh đất như chiếc thắt lưng hình chữ S, đất Khu 5 Quảng Nam, hình ảnh đạn bom chạy giặc đã dẫn người đọc đi vào quá khứ, xiết bao bồi hồi cảm động.

Lật từng trang sách, những liệt sỹ có danh cầm bút và đang có tên tuổi trong bộ sách này, lại chợt bùi ngùi... Còn biết bao liệt sỹ vô danh ở Thành cổ Quảng Trị và chiến trường Khu 5, chiến trường Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào... Bao nhiêu cuốn nhật ký của họ đang thất lạc ở đâu đó trong tim người mẹ, người yêu dấu mà ta chưa khai thác hết. Nhưng bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là một sản phẩm mang giá trị tinh thần vô giá với những trang ghi chép chân thực nhất về giai đoạn chiến tranh mà nhân dân ta đã dành được thắng lợi. Đó cũng là tài sản để lại cho thế hệ mai sau, nhìn lại ông cha ta giữ nước và bảo vệ đất đai cho non sông thành một dải, không cắt chia, khó khăn biết nhường nào nhưng cha anh ta đã làm được một cách tự hào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top