Aa

Nhạy cảm rừng – Truyền thông chính sách phải đi trước một bước

Thứ Hai, 09/10/2023 - 06:06

Những vấn đề liên quan đến rừng và môi trường ngày càng được dư luận quan tâm và trở thành vấn đề nhạy cảm. Do đó, truyền thông chính sách phải chủ động đi trước một bước để tránh xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Hiện nay, nhiều địa phương đang có quyết tâm rất lớn trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển du lịch, dù mới manh nha hay mạnh mẽ ở những khu vực cần giữ gìn, bảo vệ như biển, rừng hay vùng di sản… từ trước đến nay vẫn gặp phải sự cản trở lớn từ dư luận.

Tư duy cần bảo tồn tuyệt đối để tránh đụng chạm đến thiên nhiên, di sản… vẫn đang bám víu rất lớn, trở thành lực cản khiến du lịch Việt Nam dù có thế mạnh về tài nguyên nhưng lại thiếu đi những sản phẩm du lịch đẳng cấp để vươn tầm. Thời gian qua, động thái quyết liệt của nhiều địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án nghỉ dưỡng đã cho thấy sự bứt phá về mặt tư duy phát triển, tuy nhiên, có lẽ vẫn còn cần nỗ lực rất lớn và cần thêm sự đồng bộ, hoàn thiện từ chính sách pháp luật để vừa tạo ra hiệu quả và nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng.

Cách đây 6 năm, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) có thực hiện chuyên đề: Câu chuyện bảo tồn và phát triển trong bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Qua tham vấn ý kiến, chúng tôi đi đến một nhận định được đại đa số chuyên gia, nhà khoa học thống nhất rằng: “Chúng ta có thể phát triển nhưng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Phải biết bảo vệ nhưng phải biết hưởng thụ vì mục đích cho mọi người, chứ không phải cứ cảnh quan thiên nhiên là cấm không được xây dựng, là giữ yên”. Tiếp tục câu chuyện này, Reatimes thực hiện chuyên đề: Tư duy phát triển du lịch trong các khu vực cần bảo tồn. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

1. Mấy ngày gần đây, báo chí lại chú ý đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy ở Ninh Thuận, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đăng tải nội dung tham vấn Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư lên Trang thông tin của Bộ từ ngày 11/9/2023 để tham vấn theo quy định.

Nói “lại chú ý” là bởi trong thời gian vừa qua, dư luận liên tiếp phản ánh về các sự việc liên quan đến rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dạo trung tuần tháng 8 là việc tỉnh Thái Bình có quyết định chuyển đổi hơn 11.000ha “Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải” mà thực chất là “rừng đặc dụng” để làm khu kinh tế. Tiếp đó là Dự án hồ chứa nước Ka Pét triển khai trên diện tích rừng đặc dụng tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

 

Vụ việc ở Thái Bình có vấn đề mấu chốt được cho là do sự sai lệch giữa tên gọi và nội dung. Theo UBND tỉnh Thái Bình thì “Khu bảo tồn thiên nhiên” chỉ là tên gọi còn thực chất theo quyết định của tỉnh thì đây là “rừng đặc dụng”. Đến nay, UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã thống nhất cử Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp các ngành chức năng của tỉnh để rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Khu vực có đặc điểm tự nhiên thuộc nhóm
Khu vực có đặc điểm tự nhiên thuộc nhóm "rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt" tại Vĩnh Hy (Ninh Thuận) đang được nghiên cứu thực hiện dự án nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp gắn với bảo tồn thiên nhiên. 

Tuy nhiên, “điểm nổ” gây bức xúc có lẽ là khi chuyển đổi để làm khu kinh tế, thì khu vực này được cho là để xây dựng “khu đô thị” và “sân golf”; nhất là khi dư luận khái quát thành “xóa sổ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước để làm sân golf”.

Còn dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận thì điểm mấu chốt có lẽ là có sự lầm lẫn khi thông tin “phá rừng để làm hồ chứa nước”, hay dự án sẽ “ngốn hết” 697,73ha “rừng nguyên sinh”. Trong khi thực tế diện tích sử dụng đất của dự án là gần 698ha thì đất có rừng là khoảng 620ha, trong đó đất rừng đặc dụng chỉ là 137,95ha, đất rừng phòng hộ là 0,51ha, đất rừng sản xuất là 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha. Mặt khác, khi thông tin là “phá rừng” dễ gây cho dư luận liên hệ đến hành động của “lâm tặc”, trong khi dự án hồ chứa nước là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, và rừng hiện có được khai thác một cách khoa học, có sự kiểm soát, quản lý, chứ không phải là “phá rừng”.

Đó là chưa kể, việc làm hồ chứa nước tại một vùng đất khô hạn như Bình Thuận không những có ý nghĩa về môi trường, giảm nhẹ thiên tai (cắt lũ mùa mưa, cung cấp nước mùa khô), phát triển kinh tế cả về nông nghiệp và công nghiệp, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống người dân cần nước như cần cơm ăn áo mặc hằng ngày. Đó là chưa kể, đổi lại, dự án sẽ trồng bù 1.800ha rừng khác, tức là gần gấp 3 lần diện tích đất rừng mà dự án sử dụng.

Vì vậy, không ít người cho rằng, nếu các dự án, các quyết định trên được thông tin kịp thời, đầy đủ về nội dung cũng như ý nghĩa của dự án, quyết định thì có lẽ “phản ứng” của dư luận sẽ không như thế, mà tập trung vào việc phản biện đúng trọng tâm và mang tính khoa học, khách quan hơn.

Như vậy, việc phản ứng của dư luận trước các sự việc trên có liên quan đến sự nhậy cảm khi động chạm tới rừng, nhưng cũng có vấn đề thuộc về truyền thông chính sách và có cả vấn đề về sự lan truyền thông tin chưa chính xác dẫn đến phản biện theo cảm xúc.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cả hai mặt của vấn đề, đó là sự chủ động trong cung cấp thông tin cho báo chí và dư luận của các cơ quan quản lý nhà nước và sự nhạy cảm, tinh thần xây dựng của các cơ quan truyền thông sẽ tạo nên những luồng thông tin chính thống và tích cực, khách quan về các dự án chuẩn bị triển khai.

2. Việc dư luận thường có phản ứng với những quyết định tác động, ảnh hưởng đến rừng là điều dễ hiểu, và hơn nữa còn là điều đáng mừng.

Dễ hiểu bởi lẽ, nạn phá rừng đã có một thời hoành hành, tàn phá môi trường, để lại những hậu quả đau xót, không thể bù đắp, đến mức người dân phải liệt nó vào một trong những loại giặc: “lâm tặc”. Thực tế, cũng có những quyết định lợi dụng phát triển, đội lốt dự án phát triển kinh tế để hủy hoại rừng, từ đó dẫn đến sự cảnh giác của dư luận trước các dự án và quyết định liên quan đến rừng.

Còn nói đây là điều đáng mừng bởi điều đó chứng tỏ người dân, dư luận đã ngày càng quan tâm và có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường, nhất là trước biến đổi khí hậu đang có những diễn biến nhanh và bất ngờ, tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, không phải cứ giữ nguyên, không động chạm đến rừng mới là bảo vệ rừng. Mà bảo vệ rừng theo hướng tích cực còn là phải phát triển đi đôi với khai thác rừng một cách hợp lý, hài hòa. Đặc biệt, bảo vệ rừng phải gắn liền với sinh kế, bảo đảm và nâng cao đời sống người dân trong khu vực và phát triển kinh tế địa phương thì mới mang tính bền vững. Vì vậy, khi tiếp cận thông tin dự án hay quyết định liên quan đến rừng, cần có cách tiếp cận biện chứng, cụ thể.  

Chẳng hạn như: Thực trạng rừng ở đó ra sao? Người dân ở đó đời sống thế nào? Dự án tác động đến rừng thế nào, theo hướng nào tiêu cực hay tích cực? Tác động đến môi trường và kinh tế địa phương thế nào? Tác động đến đời sống người dân địa phương thế nào, xấu đi hay tốt lên? Từ đó tổng hòa các tác động và tính ra hiệu quả cuối cùng để xem xét dự án, quyết định đó có hại hay có lợi. Ví dụ như dự án làm hồ chứa nước ở Bình Thuận đúng là có ảnh hưởng đến rừng, nhưng đổi lại người dân thuộc vùng dự án sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi có nước để sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu tối thiểu đầu tiên của cuộc sống con người. Đó là chưa kể đổi lại việc lấy 600ha đất có rừng, trong đó chỉ có 137,95ha rừng đặc dụng (chứ không phải rừng nguyên sinh), dự án sẽ trồng bù 1.800ha rừng khác, gấp 3 lần diện tích rừng mà dự án sử dụng.

3. Trở lại câu chuyện về dự án ở Vĩnh Hy, cũng cần phải xem xét từ góc độ khách quan và cụ thể. Trước tiên phải khẳng định, không thể nói dự án này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cảnh quan Vườn quốc gia Núi Chúa. Bởi lẽ, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, khu vực rừng dự kiến thực hiện dự án có những loài động vật có giá trị bảo tồn như: Diều hoa Miến Điện ghi trong Nghị định số 32 về hạn chế khai thác, 5 loài bò sát, lưỡng cư trong Sách đỏ Việt Nam (gồm: Nhông Leiolepis guttata, rắn sọc dưa Elaphe radiata, rắn ráo thường Ptyas korros, rắn cạp nong Bungarus fasciatus, rắn hổ mang thường Naja atra) và 2 loài có tên trong Nghị định số 32, đều ở nhóm IIB là rắn sọc dưa Elaphe radiate và rắn cạp nong Bungarus fasciatus. Về thực vật có 4 loài thực vật có giá trị bảo tồn, trong đó có 3 loài có tên trong IUCN 2016, 1 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 1 loài có tên trong Nghị định 32 và có 3 loài nằm trong danh mục CITES 2017 (gồm thiên tuế lược; dây gắm; lòng mức trái to và xương rồng gai).

Tuy nhiên, đó là các số liệu tổng quan trong tổng diện tích thực hiện dự án tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là 64,65ha. Còn theo văn bản số 3542/SNNPTNT-KH ngày 27/9/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong tổng diện tích dự án 64,65ha thì có tới 51,75ha giữ nguyên trạng không tác động môi trường rừng, chiếm tới 80%. Còn lại 12,90ha xây dựng cơ sở hạ tầng thì có 1,32ha đất không có rừng; còn 11,58ha đất rừng thì có 10,60ha rừng gỗ tự nhiên núi đá nhưng là rừng nghèo kiệt và 0,98ha đất rừng nhưng trồng cây điều.

Hơn nữa, trong số 12,90ha xây dựng cơ sở hạ tầng thì chỉ có 7,12ha xây dựng công trình, còn lại 4,78ha đất dành cho hạ tầng kỹ thuật và mặt nước. Cụ thể hơn, theo quy hoạch chi tiết xây dựng, bản vẽ tỷ lệ 1/500 thì tổng diện tích xây dựng thực tế chỉ là 2,9ha, còn lại là trồng cây, thảm cỏ, mặt nước… tạo cảnh quan và môi trường sinh thái cho công trình. Như vậy, thực chất mật độ xây dựng trong toàn dự án chỉ là 4,59%, tương ứng là 2,9ha. Nêu con số trên để thấy, mật độ xây dựng của dự án là cực thấp và con số diện tích cụ thể cũng rất nhỏ.

Mặt khác, diện tích để thực hiện dự án đang thuộc phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia, là khu vực hoạt động thường xuyên của Ban Quản lý Vườn quốc gia, không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Như vậy, 11,58ha đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng này vừa là rừng đặc dụng nghèo kiệt không thuộc diện cần bảo vệ nghiêm ngặt, vừa thuộc phân khu dịch vụ hành chính. Điều đó cũng có nghĩa, nếu không phát triển dự án trên thì khu vực này cũng hoàn toàn được phép xây dựng công trình phục vụ công tác và hoạt động “dịch vụ hành chính”. Bởi theo khoản 28, Điều 2, Luật Lâm nghiệp 2017, phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là khu vực hoạt động thường xuyên của ban quản lý rừng đặc dụng, cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp với xây dựng công trình quản lý dịch vụ của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh. Bởi vậy, việc khai thác khu vực này để làm khu du lịch, nghỉ dưỡng cũng là phù hợp với quy định pháp luật.

Còn xét trên góc độ thực tế, dự án nếu được triển khai khi đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò là động lực và góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là ngành dịch vụ. Từ đó vừa tạo nguồn thu cho địa phương để phát triển kinh tế xã hội, vừa tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho dân cư trong vùng. Mà bài học thực tế cho thấy, khi thu nhập và đời sống của người dân trong khu vực rừng được nâng cao thì rừng cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn, thậm chí còn được phát triển tốt hơn.

Được mệnh danh là một trong những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort chính là thiên đường trong mơ mà mỗi người khi đặt chân đến đều khó quên.
Được mệnh danh là một trong những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort chính là thiên đường trong mơ mà mỗi người khi đặt chân đến đều khó quên.

Đặc biệt, khi đây là khu nghỉ dưỡng cao cấp thì chủ đầu tư sẽ càng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng trong khu vực dự án. Bởi khi ấy, rừng, biển nói riêng và môi trường, cảnh quan sinh thái nói chung là tài sản mang tính đặc hữu tạo nên giá trị của sản phẩm nghỉ dưỡng, nên chủ đầu tư hơn ai hết không những phải giữ gìn, mà còn phải phát triển về cả số lượng và chất lượng, để nâng cao giá trị và tài sản là cảnh quan, môi trường của mình. Chẳng hạn như bảo tồn, phục hồi, chăm sóc và quản lý các cây rừng thiên nhiên trong khuôn viên dự án, thậm chí là trồng thêm cây xanh để đa dạng hệ sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường cảnh quan. Đó là chưa tính đến việc trồng rừng thay thế theo quy định với diện tích 31,80ha, gấp 3 lần diện tích rừng trong dự án, bằng hình thức nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, khi rừng “có chủ” cụ thể thì nó sẽ được bảo vệ tốt hơn, bởi lợi ích của “chủ rừng” gắn liền với sự tồn tại và chất lượng của rừng. Mất rừng hay rừng xuống cấp, thì chủ đầu tư là người chịu thiệt hại đầu tiên. Hiệu quả từ chính sách giao đất giao rừng cho dân quản lý, bảo vệ, chăm sóc và khai thác là dẫn chứng thực tế đã được thực tiễn trả lời một cách cụ thể và sinh động. Do đó, không phải chỉ khu vực rừng chuyển đổi được bảo vệ, phát triển, mà toàn bộ dự án 64,65ha ở Vĩnh Hy cũng có cơ hội được bảo vệ và phát triển tốt hơn.

Nói thế để thấy, mặc dù có những tác động nhất định đến môi trường, nhưng tính chung hiệu quả tổng thể mang lại vẫn là có lợi, vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa nâng cao được hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, từ đó bảo vệ và giữ gìn được cảnh quan môi trường; nhất là tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng. Vì suy cho cùng, bảo vệ, phát triển hay khai thức rừng một cách hiệu quả cuối cùng cũng là để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Như vậy, ở đây có câu chuyện hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Muốn bảo tồn phải phát triển. Phát triển chính là để bảo tồn, bảo tồn những cái hiện có, bảo tồn rừng hiện có và tiến đến bước phát triển rừng tốt hơn. Đó cũng là cách bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả.

4. Sở dĩ chúng tôi đề cập sâu về dự án ở Vĩnh Hy như vậy bởi đây là câu chuyện thời sự đang thu hút sự chú ý của dư luận. Mặt khác, dự án mới được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận địa điểm đầu tư, các giai đoạn phát triển dự án đang được tiến hành theo quy trình. Hiện tại, dự án đang ở bước đầu tiên là tham vấn ý kiến cộng đồng. Sau khi tham vấn, các ý kiến sẽ được tiếp thu để chỉnh sửa, bổ sung lại báo cáo trước khi nộp hồ sơ thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường lên Bộ TN&MT.

Vì vậy, các ý kiến phân tích, phản biện trong lúc này là rất cần thiết; tuy nhiên nó cần phải mang tính khách quan, khoa học, toàn diện và cụ thể. Tránh tình trạng đánh giá tác động không đầy đủ, thiếu chính xác, đánh đổi môi trường lấy kinh tế, để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ sau mà nhiều khi không thể khắc phục được. Đồng thời cũng cần phải tránh xu hướng thiên về “bảo vệ” theo cách “đóng băng”, “giữ nguyên hiện trạng”, mà không biết cách khai thác hợp lý, hài hòa với phát triển, dẫn đến không phát huy được thế mạnh của rừng, không phát triển được kinh tế, từ đó không có kinh phí tu bổ phát triển rừng, làm rừng ngày càng nghèo, ngày càng cạn kiệt mà không thể phục hồi. Như thế không những không thể phát triển rừng theo cách tích cực, mà cũng không thể bảo tồn được rừng một cách trọn vẹn.

 

5. Tuy nhiên, muốn có ý kiến, phản biện khách quan, khoa học, mang tính xây dựng cao thì xã hội, nhất là các nhà khoa học và truyền thông, cần phải được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời. Do đó, chính quyền cần chủ động truyền thông chính sách một cách hiệu quả, nhất là trong những vụ việc, những dự án, quyết định liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là liên quan đến rừng và vấn đề môi trường…, như những câu chuyện đã dẫn ở trên.

Đáng mừng là, với dự án tại Bình Thuận hay mới đây là dự án tại Ninh Thuận, ngay lập tức, chính quyền đã phát đi những thông tin ban đầu khá toàn diện, khách quan về quá trình triển khai, phê duyệt và lấy ý kiến các bên liên quan về dự án. 

Chỉ khi có thông tin kịp thời, đầy đủ mới có thể có ý kiến, phản biện khoa học, chính xác và góc nhìn đúng đắn.

Thực tế không ít những vụ “khủng hoảng truyền thông” trước đây được cho là xuất phát từ việc thiếu thông tin, thông tin phiến diện…, mà nguyên nhân của nguyên nhân là do công tác truyền thông chính sách còn bị xem nhẹ và làm không tốt, thiếu chủ động, thậm chí còn được cho là không làm hoặc làm theo kiểu chữa cháy, chỉ vào cuộc khi khủng hoảng xảy ra.

Trong truyền thông chính sách, cơ quan cung cấp thông tin để truyền thông cần nhanh, chủ động nhưng cơ quan truyền thông cũng cần khách quan, công tâm và hướng dư luận đến những nhận thức và hành vi tích cực. 

Vì vậy, vấn đề cần rút lại ở đây là: Truyền thông chính sách phải đi trước một bước!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top