Aa

Nhiều chính sách phát triển nhà ở, vì sao kết quả vẫn không như kỳ vọng?

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 16/06/2024 - 06:10

Dù đã có hàng loạt chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng kết quả của việc phát triển nhà ở không như kỳ vọng. Giới chuyên gia cho rằng, mấu chốt là do chưa có các chế tài xử lý khi không đạt được mục tiêu mà các chính sách đã đề ra.

Kết quả phát triển nhà ở không như kỳ vọng

Phát biểu tại Diễn đàn Nhà ở - Việt Nam 2024 mới đây, bà Phạm Phương Liên, Phó trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 khóa XIII đã hiến định: "Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở".

Hay Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cũng nêu rõ: "Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu đạt 30msàn nhà ở bình quân đầu người".

Mới đây nhất, ngày 24/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương cũng ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, theo đó đã chỉ đạo: "Phấn đấu đến năm 2030, cả nước xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu…".

Bà Phạm Phương Liên nhận định, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở đã được ban hành, giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách cải thiện được nhà ở. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này cũng được bổ sung đầy đủ.

Với nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2014 đến nay đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội như Nghị định số 100/2015, Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015; Nghị định số 35/2023; Thông tư số 20/2016/TT-BXD; Thông tư số 09/2021/TT-BXD.

"Có thể nói, chính sách phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp trong thời gian qua tương đối nhiều. Một bước tiến mới đáng chú ý khác là Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 đã đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong giai đoạn thực hiện Luật Nhà ở 2014, từ đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách về nhà ở, gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội", đại diện Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật, liên quan đến tổ chức thực hiện nên kết quả của việc phát triển nhà ở chưa như kỳ vọng.

Nhiều chính sách phát triển nhà ở, vì sao kết quả vẫn không như kỳ vọng?- Ảnh 4.

Dù đã có hàng loạt chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng kết quả của việc phát triển nhà ở không như kỳ vọng. (Ảnh Báo Lao động)

Bà Liên cho biết, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước mới có 503 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án, quy mô 39.884 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án, quy mô 115.379 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn.

"Kết quả đạt được thực sự là nỗ lực rất lớn của Nhà nước nhưng còn cách rất xa mục tiêu nhà ở đã đặt ra", đại diện Bộ Xây dựng nhận định.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS. Lê Lan Hương, Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đánh giá, Việt Nam đã ban hành nhiều luật, văn bản, nghị định, nghị quyết liên quan việc phát triển nhà ở trong vòng 20 năm qua. Với số lượng hiện có, không thể nói là thừa hay thiếu, nhưng rõ ràng, đích đến cuối cùng là đủ số lượng nhà ở đáp ứng cho phần đông người dân hiện nay không đạt được.

Theo TS. Lê Lan Hương, bộ phận rất đông người có thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay đang phải sống tạm do không đủ khả năng để mua một căn nhà. Nguồn cung khan hiếm, giá nhà tăng cao càng đẩy giấc mơ an cư của người dân ngày một xa thêm.

Thiếu chế tài xử lý khi không đạt được kết quả đặt ra

Phân tích nguyên nhân khiến kết quả phát triển nhà ở không như kỳ vọng dù đã có rất nhiều chính sách được đưa ra, TS. Lê Lan Hương cho rằng mấu chốt là do chưa có chế tài xử lý khi không đạt được các chỉ tiêu.

Ví dụ như Quy định 66/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê. Quy định có yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải đáp ứng 50% nhà ở cho thuê đối với đối tượng công nhân tại khu công nghiệp đến năm 2015. Thế nhưng kết quả này đã không đạt được và điều đáng nói là cũng không có chuyện gì xảy ra sau đó, không có bất cứ hình thức xử phạt nào cho đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

"Các văn bản, chính sách chúng ta đưa ra rất nhiều nhưng do không có các quy định giám sát hoặc xử phạt khi không hoàn thành kết quả như thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng thuế, phí đã dẫn đến các quy định chỉ mang tính chất định hướng chứ không mang tính chất bắt buộc. Từ đó, khiến cho việc phát triển nhà ở luôn trong tình trạng kế hoạch một nơi, kết quả một nẻo", TS. Lê Lan Hương nhận định.

Nhiều chính sách phát triển nhà ở, vì sao kết quả vẫn không như kỳ vọng?- Ảnh 5.

TS. Lê Lan Hương, Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn Nhà ở - Việt Nam 2024.

Vì vậy, TS. Lê Lan Hương đề xuất cần có các cơ chế xử phạt đi kèm khi ban hành các chính sách. Điều này không chỉ giúp mục tiêu đặt ra được thực hiện hiệu quả mà còn đảm bảo trách nhiệm của các bên trong việc phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, để phát triển nhà ở công nhân thì cần nhiều hơn nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn nhà nước không thể rót cho tất cả các khu công nghiệp. Ngoài Nhà nước chúng ta còn có nhóm đối tượng thứ hai đó là các đơn vị trực tiếp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

"Tôi cho rằng đây phải là nhóm đối tượng chịu trách nhiệm lớn nhà về nhà ở công nhân. Bởi họ cũng hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển, cho thuê các khu công nghiệp. Vì vậy, có thể tăng một số quy định bắt buộc đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp", TS. Lê Lan Hương đề xuất thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top