Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS giảm sâu, VIC vẫn duy trì được sự tích trong phiên 26/10

Thứ Ba, 27/10/2020 - 06:00

Thị trường bất ngờ giảm mạnh vào cuối phiên 26/10 với lực bán ồ ạt ở nhóm vốn hóa lớn. VIC là một trong số những mã trụ cột hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần có biến động rất mạnh, thị trường tăng tốt trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột như VIC, VNM, PNJ, MWG, VHM, HPG… Có thời điểm VN-Index đã vượt qua được mốc 970 điểm.

Tuy nhiên, những diễn biến ở cuối phiên giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Áp lực bán ở nhiều bất ngờ bị đẩy lên mức rất cao đã khiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột đảo chiều giảm sâu và điều này cũng đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Thậm chí, những cái tên rất “khỏe” trong phiên sáng như HPG, GVR, VHM… đều điều chỉnh đáng kể trở lại.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như VPB, BID, VCG, CTG, ACB… giảm sâu và tạo ra áp lực rất lớn lên thị trường chung. Chốt phiên, VPB giảm đến 5,4% xuống 24.300 đồng/cp, BID giảm 4,2% xuống 41.000 đồng/cp, VCG giảm 4,1% xuống 41.800 đồng/cp, CTG giảm 4,1% xuống 30.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, VIC vẫn là cái tên quan trọng nhất giúp phần nào kìm hãm đáng kể đà giảm VN-Index khi tăng 1,1% lên 105.100 đồng/cp và khớp lệnh gần 980 nghìn đơn vị.

Sự rung lắc của thị trường chung lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu và bất động sản không phải là ngoại lệ. Trong đó, SGR và AMD đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, VCR giảm đến 8,9% xuống 18.500 đồng/cp, OGC giảm 6,4% xuống 7.700 đồng/cp, ITA giảm 6,3% xuống 4.780 đồng/cp, FLC giảm 4,8% xuống 4.150 đồng/cp. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác cũng giảm sâu như ASM (-4,6%), CLG (-4,2%), DXG (-3,3%), CII (-3,1%), DRH (-2,8%), CEO (-2,7%).

Bên cạnh VIC chỉ có một vài cổ phiếu bất động sản đáng chú ý duy trì được sắc xanh như TNT được kéo lên mức giá trần 1.610 đồng/cp, NVT tăng 4,9% lên 4.750 đồng/cp, DIG tăng 1,6% lên 19.500 đồng/cp, HDG tăng 1% lên 24.900 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm đến 10,46 điểm (-1,09%) xuống 950,8 điểm. Toàn sàn có 137 mã tăng, 286 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,67 điểm (1,88%) xuống 139,03 điểm. UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,53%) xuống 63,57 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 9.428 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 490 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 697 tỷ đồng. FLC và ITA và 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 18,3 triệu cổ phiếu và 13,4 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lên đến 420 tỷ đồng trong phiên 26/10, trong đó, bán ròng mạnh 2 mã MSN và HPG với giá trị lần lượt 154 tỷ đồng và 115 tỷ đồng. VIC và VRE là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 mã bị bán ròng mạnh nhất. Chiều ngược lại, không có mã bất động sản nào nằm trong top mua ròng của khối ngoại.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là không quá mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên ngay trên ngưỡng 950 điểm, đây cũng là vùng giá của thị trường trước khi Covid-19 xảy ra nên vùng này sẽ trở thành hỗ trợ của thị trường trong phiên tới. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên hai sàn với khoảng gần 420 tỷ đồng tiếp tục là điểm tiêu cực cần lưu ý. Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 giảm nhẹ hơn so với chỉ số cơ sở VN30 qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 7,44 điểm, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh kỳ vọng thị trường cơ sở sẽ sớm hồi phục trở lại.

SHS dự báo trong phiên giao dịch 27/10, VN-Index có thể sẽ rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 950 điểm do đây là vùng giá trước khi Covid-19 diễn ra. Những nhà đầu tư đã chốt lời các vị thế ngắn hạn quanh ngưỡng 950 điểm vào tuần trước nên đứng ngoài và quan sát thị trường, có thể cân nhắc mua vào nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 930 điểm (MA20).

Còn theo phân tích của Chứng khoán MB (MBS), thị trường điều chỉnh giảm sau hơn 6 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20 đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Đây cũng là phiên điều chỉnh rõ nét nhất kể từ đầu tháng 9 khi thị trường bước vào đợt tăng vừa qua. Thanh khoản được đẩy lên mức cao và luôn có những ý kiến trái chiều giữa người bán và người mua. Dẫu vậy thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng hoặc thấp. Theo đó, chỉ số VN-Index có khả năng kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ ở vùng 937 - 946 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top