Phiên giao dịch ngày 31/3 biến động theo xu hướng tích lũy đi lên, trong đó, nhóm cổ phiếu trụ cột có sự phân hóa mạnh. Các chỉ số VN-Index và HNX-Index tiếp tục tăng điểm nhờ vào lực đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó, 3 cổ phiếu SHB, SSB và STB khiến nhà đầu tư phải nhắc đến.Cụ thể, SHB tăng 9,4% lên 25.700 đồng/cp và khớp lệnh gần 60 triệu cổ phiếu. Tại thời điểm 11h20, SHB có lệnh khớp hơn 23 triệu cổ phiếu ở mức giá trần 25.800 đồng/cp - điều này khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.
Còn đối với STB, sau phiên giao dịch kỷ lục hôm trước, cổ phiếu này tiếp tục tăng 4,6% lên 21.450 đồng/cp và khớp lệnh 56,7 triệu cổ phiếu. Về SSB, cổ phiếu này có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp và đạt mức 28.150 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như MSN hay SAB cũng tăng giá mạnh và góp phần củng cố vững sắc xanh của VN-Index.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên nhiều cổ phiếu lớn và khiến đà tăng của các chỉ số không diễn ra quá mạnh. Trong đó, VCS giảm 1,6%, GVR giảm 1,4%, VJC giảm 1,4%, VNM giảm 0,8%.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ 3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành là VIC, VHM và VRE đều đóng cửa trong sắc xanh. VIC tiếp tục tăng 0,8% lên 117.900 đồng/cp, VHM tăng 1% lên 97.300 đồng/cp, còn VRE tăng 0,3% lên 32.700 đồng/cp. Mới đây, VIC thông báo đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu VGT từ ngày 1/4 đến 29/4. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, VIC sẽ giảm sở hữu tại VGT từ 50 triệu cổ phiếu xuống 25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ giảm từ 10% xuống 5%.
Bên cạnh đó, một cổ phiếu lớn khác của nhóm bất động sản là THD cũng tăng nhẹ 0,1% lên 196.900 đồng/cp. Trong khi ấy, BCM và NVL không duy trì được sự tích cực khi giảm lần lượt 0,5% và 0,2%.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra khá mạnh. Ở chiều tăng, FLC khiến không ít cổ đông phải “thót tim” khi đang tăng đến 5,6% lên 13.300 đồng/cp, nhưng sau đó bất ngờ bị bán tháo về mức giá sàn 11.750 đồng/cp. Tuy nhiên, lực cầu vẫn quá khỏe và giúp cổ phiếu này chốt phiên trong sắc xanh với mức tăng 1,2% lên 12.750 đồng/cp.
Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng mạnh có TIG, LDG, AGG, CRE, TCH, ASM… Trong đó, LDG được kéo lên mức giá trần 8.490 đồng/cp. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT LDG trình kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt 3.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2020. Lợi nhuận kế hoạch 300 tỷ đồng, giảm 3,5% do năm 2020 có phần lợi nhuận đột biến từ hoạt động đầu tư (chuyển nhượng dự án Điền Phước). Công ty dự kiến chia cổ tức 2021 tỷ lệ 15% vốn điều lệ. HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành hơn 9,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019, tương đương tỷ lệ 8% và chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 43,38% với giá 10.000 đồng/cp.
AGG cũng tăng 2,1% lên 42.150 đồng/cp. Sáng 31/3, AGG đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phát hành hơn 8,27 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 10% và chào bán hơn 82,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1. Tổng lượng phát hành dự kiến hơn 91 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ sau phát hành gấp hơn 2,1 lần, đạt 1.737,6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, HQC, FIT, CEO, HPX, KBC… đều chìm trong sắc đỏ, HQC giảm đến 3,9%, FIT giảm 3,6%, KBC giảm 1,2%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,08 điểm lên (0,43%) lên 1.191,44 điểm. Toàn sàn có 222 mã tăng, 207 mã giảm và 623 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,53 điểm (1,97%) lên 286,67 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 93 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,78 điểm (0,97%) lên 81,41 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 16.431 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 881 triệu cổ phiếu. FLC và LDG là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó FLC khớp lệnh 68,6 triệu cổ phiếu còn LDG là 22,6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị 238 tỷ đồng. VRE, VHM và CEO là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khố ngoại, trong khi đó, VIC được khối ngoại mua ròng đột biến 382 tỷ đồng. CII, NVL và TCH cũng nằm trong top mua ròng của khối ngoại nhưng giá trị không qua cao.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index có phiên thứ ba tăng điểm liên tiếp để qua đó thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, đi kèm với đó là thanh khoản khớp lệnh tuy có giảm nhẹ so với phiên tăng trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy lực cầu mua lên vẫn là khá tốt.
Trên góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 và đây là lần thứ ba thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm sau hai lần thất bại trước đó. Trên góc độ thời gian, thị trường chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa để hoàn thành sóng tăng 5 với target quanh 1.250 điểm nên SHS cho rằng, thị trường có xác suất vượt 1.200 điểm cao hơn trong lần thử thách này. Nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng VN-Index vượt 1.200 điểm trong thời gian tới. Những nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 khi thị trường điều chỉnh về MA50 tiếp tục nắm giữ và cố thể canh chốt lời một phần nếu thị trường có nhịp tăng đến ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng 1.200 điểm./.