Aa

Nhiều không chịu nổi!

Thứ Năm, 21/02/2019 - 06:00

Sau một tuần, tự hắn thấy mỗi ngày hắn không tiêu hết đến 100 ngàn. Kể cả ăn sáng, ăn trưa và bữa cơm tối tự nấu. Hắn thấy không phải vay tiền ai làm gì. Hắn tự nhận ra cuộc sống của hắn càng ít quần áo, không tủ lạnh, không có những chai rượu, thùng bia, những cuộc tụ bạ quán xá, thì dễ chịu hơn hẳn. Có lẽ còn khoẻ ra...

Dịp lễ đó, hắn ở lại vì phải trực công ty. Còn cả gia đình đi thăm thân ở nước ngoài. Buổi tối mọi người ra sân bay. Chiều hắn đi ô tô ra ngôi nhà cũ thời ông bà ở ngoại ô, cách đó 15 km, để thắp hương, dọn dẹp. Khi về đến đầu thành phố thì kẹt xe. Qua điện thoại, nhất trí là mọi người không đợi hắn tiễn, mà cứ ra sân bay cho chủ động. Đi nửa tháng chứ có lâu la gì.

Hắn về đến nhà thì chắc xe ra sân bay cũng vừa rời đi thôi. Thò tay vào túi, hắn chỉ thấy có chùm chìa khoá nhà ngoại ô. Hắn đã không mang theo chìa khoá nhà. Và cũng không ai nghĩ đến chuyện hắn không mang theo chìa khoá đó. Cũng cùng lúc, hắn nhớ ra lúc đi, hắn chỉ nhét vào túi ít tiền chứ không mang theo cả ví. Suy nghĩ đầu tiên của hắn là chạy theo lên sân bay. Nhưng nghĩ đến chuyện lại lăn vào chen chúc với dòng xe dưới kia, hắn thấy nản vô cùng. Mà cũng chưa chắc đã kịp. Hắn xuống quán, ngồi một lúc, ăn một bát phở, uống một ấm trà, lại ngồi lúc nữa. Đường vẫn đông. Hắn uống hai cốc bia hơi. Thấy phố đã thoáng hơn, hắn lại lên xe ra nhà ngoại ô. Ngủ đã, rồi mai tính. Có mỗi bộ quần áo trên người, chắc phải mua thêm đồ cho nửa tháng tới. Hắn cầm những tờ tiền lên tay, lo ngại. Rồi tặc lưỡi. Tiền có thể vay.

Hôm sau là chủ nhật. Hắn chợt thấy ở cái trong góc nhà ngoại ô có bộ quần áo hắn vất đó đã lâu. Đó là lần lên đó, tưới cây, ướt sũng, hắn trút bỏ vào đó, rồi quên không cầm về giặt. Từ chuyện này, hắn chợt nhớ ra láng máng là cái cốp xe ô tô còn khối thứ linh tinh. Hắn ra mở cái cốp. Đúng vậy, ở đó lỏng chỏng đôi giày thể thao mốc thếch. Và một túi quà có in dòng chữ "Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty X". Hắn đã đi dự và người ta trao ở cửa, rồi khi ra về hắn ném vào cốp xe, quên đi. Mở ra, thấy cái áo sơ mi nguyên trong túi giấy bóng. Bên cạnh là cái túi chứa bộ quần áo thể thao cũng mới nguyên bọc trong nilon. Lại là quà lễ kỷ niệm nào đó. Còn có cả cái đồng hồ treo tường. Đồ rởm, pin đã chảy ra. Hắn vất đi, không quan tâm. Góc trong thò ra sợi dây giày. Nguyên đôi thể thao đã mốc. Vậy mà hắn đã có lúc tìm trong nhà mãi, sau đành mua đôi mới.

Thế là vấn đề quần áo cho nửa tháng tới tự nó đã không là vấn đề nữa rồi.

Đến buổi trưa, khi ra quán đầu xóm mua bao thuốc lá, hắn ngạc nhiên thấy quán có cái bảng ghi nguệch ngoạc: "Sáng bán bún, trưa bán cơm bình dân". Hắn hỏi chủ quán: "Kho cho tôi niêu cá được không?". Chủ quán cười hề hề: "Bác lại muốn thưởng thức món quê à? Sao lại không được? Bác muốn ăn gì em cũng kho nấu được hết". Được thể, hắn đặt luôn hai nồi, một cá kho, một tôm kho lẫn thịt và trứng sau đó ba ngày. Rồi bảo đong cho hắn túi gạo. Hắn nhủ thầm: "Rau thì hàng ngày đi làm về mua ở cái Vinmart mini gần công ty".

Nhưng đến chiều, khi nấu cơm, hắn chợt phát hiện ra mảnh đất sau nhà mọc đủ thứ rau. Nhiều nhất là rau ngót. Không ai hái nên già xanh. Rau cải thì mọc lẫn với cỏ. Thế là xong cái vấn đề thực phẩm.

Thời sinh viên, hắn sống với chỉ hai bộ quần áo. Khi tắm, bộ này thay ra thì giặt ngay. Bộ sau bẩn thì đã có bộ khô ráo sẵn. Sau này, khi hắn có quá nhiều quần áo thì chuyện giặt giũ lại năm thì mười hoạ. Để cho bõ lần chạy máy giặt. Cho nên quần áo thiu bẩn nhiều chất đống. Bây giờ đều đặn hai ngày một lần hắn giặt quần áo. Chỉ giặt một bộ thôi, vò giũ không đầy mười phút. Chiếc áo lanh đang mặc trên người thì đi với chiếc quần kaki và đôi giày thể thao. Còn sơ mi trắng mới thì mặc với chiếc quần pha len hắn tìm lại được, cùng với đôi giày da. Quá hợp lý cả về chất liệu, màu sắc. Tại công ty người ta thấy ngày hắn có dáng thể thao, ngày lại có dáng chỉn chu. Có người còn tình cờ bình phẩm: "Anh dạo này ăn mặc có gu. Trước kia lộn xộn quá!". Mà đúng thế. Hắn thường chộp lấy bộ nào còn sạch là mặc vào mỗi sáng. Nay thì do "cơ số" có hạn, nên hắn chẳng có gì nhiều để chộp lấy xỏ vội.

Ở công ty, buổi trưa hắn cũng như mấy cô văn thư gọi cơm hộp. Chẳng đi bia bọt trưa nên tối về hắn ăn cơm nhiều và ngon miệng. Cá kho và rau hái ngoài vườn. Có cả bình rượu thuốc để như làm cảnh trên bàn từ lâu. Giờ tối đến hắn rót ra uống. Sánh và ngon không tả nổi.

Bình thường, tối hắn thức khuya viết lách. Hôm đầu hắn thấy bứt rứt, vì không có laptop. Sang ngày thứ ba hắn dùng điện thoại để soạn gửi mail. Hắn không thích làm điều này, vì không quen bấm chữ trên hàng phím bé tý. Rồi có người mách cho hắn có thể cài đặt phần mềm trên điện thoại. Chỉ cần đọc vào máy, máy sẽ lưu thành văn bản. Rồi sửa lại trên văn bản đó. Thế là tối hắn vẫn đọc mạng, rồi viết bài bình thường. Thậm chí khá thích thú. Nhà ngoại ô không có tivi. Sau ít bữa, hắn quen xem phim và nghe nhạc, xem cả mấy trận bóng đá hay ra trò của đội nhà qua cái điện thoại. Có trận, hắn xem qua xoilac TV. Ổn!

Sau mấy bữa thì bạn nhậu biết hắn do tình huống quên chìa khoá mà ở nhà ngoại ô, nên không gọi điện thoại rủ rê trà rượu chiều tối nữa. Hắn đi làm, về nhà, nấu ăn, xem mạng, viết lách, nề nếp như thể thời đi học đại học xa nhà.

Sau một tuần, tự hắn thấy mỗi ngày hắn không tiêu hết đến 100 ngàn. Kể cả ăn sáng, ăn trưa và bữa cơm tối tự nấu. Hắn thấy không phải vay tiền ai làm gì. Hắn tự nhận ra cuộc sống của hắn càng ít quần áo, không tủ lạnh, không có những chai rượu, thùng bia, những cuộc tụ bạ quán xá, thì dễ chịu hơn hẳn. Có lẽ còn khoẻ ra. Một mình một nhà, hắn dậy sớm, tập thể dục, tưới rau (để còn có cái mà hái), tắm nước giếng mát khoẻ, đi làm. Sạch sẽ, tinh tươm. Trừ đám bạn nhậu, ở công ty, không ai biết hắn đang sống "tùng tiệm" như thế. Ngược lại, thấy hắn như thay đổi hẳn, không luộm thuộm, mắt sưng húp như trước nữa.

Đến khi nhận được điện thoại, hắn ra sân bay đón cả nhà, thì hai trăm ngàn cuối cùng đủ để mua xăng. Hắn xuất hiện ở sân bay, gọn ghẽ, khoẻ mạnh. Về đến nhà, mọi người ngạc nhiên khi hắn đợi vợ con lấy chìa mở khoá, chứ hắn thì không có. Hôm đầu sống trở lại ở căn hộ, hắn hầu như lạ lẫm nhìn lại nhà của hắn. Sao mà nhiều đồ đạc thế. Cái phòng của hắn bề bộn những đồ là đồ. Bằng con mắt của nửa tháng sống đã qua, hắn thấy đa số những đồ đó chẳng để làm gì. Mấy cái tủ mà cái nào cũng lộn xộn chất ngất quần áo, đến mức để tìm một bộ giờ mặc vừa và hợp lý cũng phải lục lọi rất lâu. Quần áo trong nhà, quần áo đi làm vắt treo ngang dọc ở mỗi cái thành ghế, mỗi cái đinh nhô ra trên tường. Hai cái tivi nhiều lúc tiếng xen vào nhau, ầm ĩ quá. Cái bếp rất nhiều ngăn và đồ đạc, nhìn phát ngốt. Chen chúc nhau cái máy rửa bát hầu như chưa bao giờ dùng vì rất bất tiện, hai cái tủ lạnh toàn những thứ lưu cữu. Cái máy giặt kê nhô ra bất hợp lý vì không đủ chỗ. Cái dây phơi che hết cả mấy chậu hoa. Cứt chuột đen các ngăn tủ chứa những găng tay, tạp dề, giấy ăn. Cái gì cũng có mà cái gì cũng thiếu. Hoặc có mà không tìm ra. Lại mua tiếp. Hắn bất giác nhăn mặt. Nhiều quá, nhiều không chịu nổi!

Sáng hôm sau, hắn dự cuộc họp ở công ty. Bàn về dùng quỹ phúc lợi. Bao nhiêu sáng kiến, đề xuất. Rồi tranh luận. Nên tổ chức nghỉ hè ở biển hay lên núi. Nên có phần thưởng con em học sinh giỏi hay là quỹ công đoàn thăm hỏi cha già mẹ héo. Hắn sốt ruột đứng lên nói: "Tiền có bằng ấy, cho vào phong bì, đưa cho mỗi nhân viên một cái. Thế là xong". Mọi người ngớ ra. Và ngạc nhiên chưa, tất cả đồng ý. Còn hỉ hả nữa. Có người khen hắn dạo này tư duy giản dị, thanh thoát, hợp lý.

Chuyện này tôi nghĩ ra. Nhưng không có nghĩa nó không phải là chuyện thật. Nếu không thật, làm sao tôi nghĩ ra được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top