Aa

Nhớ mùa nước lụt...

Chủ Nhật, 23/06/2019 - 06:00

Qua tiết rằm tháng 7 là hết nước lụt. Nước sông không dâng lên ngập bờ vở nữa. Nước cũng bắt đầu trong dần, màu phù sa nhạt đi.

 

Ngày xưa, tháng 5 tháng 6 âm lịch là mùa nước lụt.

Làng tôi cạnh con sông Đuống, xưa năm nào cũng có nước lụt. Sông Đuống là một con sông ngắn, chỉ vài chục ki lô mét, nối sông Hồng (chỗ ngã ba Dâu, hay còn gọi là cửa Đức Giang) với sông Thái Bình. Nước lụt, dân quê tôi không gọi là nước lũ. Bởi nước lên rất dềnh dàng từ từ không ào ạt xối xả như lũ đổ, nhanh đến nhanh đi.

Nước lụt tưởng như êm dịu nhưng thật sự cũng rất hung dữ. Nó cứ lừ lừ dâng lên nhấn chìm nhà cửa, cây cối hoa màu, bờ bãi mà không có cách gì ngăn nổi. Bởi nó lấy nước từ sông Hồng nên dòng sông mùa nước cũng đỏ rực phù sa.

Bạn thử tưởng tượng xem, bình thường lòng sông chỉ rộng 200 - 300m. Nhưng mùa nước bỗng trở nên mênh mang, từ bờ đê bên này sang bờ đê bên kia có chỗ đến vài cây số: Cả một biển nước đục ngầu, đỏ rực, sủi bọt cuồn cuộn trôi. Cuốn theo nó nào là cây cối rác rưởi, củi mục, nhà cửa, trâu bò chết trôi từ mạn trên xuống. Thậm chí có lúc còn nhìn thấy cả xác người chết đuối trôi sông.

Ngày còn bé, mỗi lần đến mùa nước lụt tôi thường hay lên đê đứng ngắm nhìn dòng nước trôi lừng lững về phía biển. Cái khung cảnh hùng vĩ của dòng phù sa đỏ quạch ấy có gì đó hấp dẫn tôi khôn tả. Tôi có thể ngồi ngắm cả buổi mà không chán mắt.

Thế nhưng bố mẹ tôi và người lớn trong làng thì chả lấy gì làm vui sướng trong những cái mùa nước lụt ấy. Bởi nỗi lo đê vỡ! Nước lụt mà ngâm lâu không rút đi cho, lại đúng mùa mưa. Nước trên trời đổ xuống. Nước trong đê không thoát được ngập úng trắng cả cánh đồng. Nước ngâm lâu, đất trong thân đê sẽ thấm nước sụng sịu. Con đê đại hà hùng vĩ mọi khi bỗng trở nên mong manh như sợi chỉ trong sự vây áp của làn nước dữ...

Thường thì sang đầu tháng 7 âm lịch nước lụt sẽ lui. Đêm đến phía trời Tây không còn những ánh chớp nhay nháy liên hồi. Mưa rừng đã ngớt. Nước rút dần xuống dưới bờ vở của dòng sông. Và lúc này mới là cái khoái thú cực đỉnh của bọn trẻ choai làng tôi: Dắt rủ nhau chạy vào cánh bãi nước vừa rút đi chưa có dấu chân người!
 

Năm nào mà nước ngâm lâu, cát phù sa lắng đọng bao trùm lấp kín mọi thứ cỏ cây trong bãi. Thật tuyệt vời cái cảm giác đặt chân lên lớp phù sa nâu non tinh khôi mịn màng như lụa, dẻo quánh như mật.

Bọn chúng tôi lần mò khắp cánh bãi nhặt những thứ lạ lẫm của dòng nước cuốn về từ miền núi non xa lắc. Một cái quả rừng hình dáng lạ lùng. Một khúc cây ngoằn ngoèo như dáng con rồng trong tưởng tượng. Nhưng hơn hết, bọn tôi đi tìm những vũng nước sót, trên đó có lũ cá tôm sông mải chơi không kịp chạy theo dòng nước mắc lại.

Chúng tôi be bờ tát vét. Tát vét bắt cá thì ít, dầm nghịch bùn phù sa thì nhiều. Thằng nào cũng tự trát phù sa lên khắp người, chân tay đầu tóc toàn phù sa đặc quánh, chỉ còn hở mỗi con mắt. Nhìn nhau thấy như mấy ông tượng bụt trong chùa bỗng bò lăn ra cười rồi xông vào quần thảo vật nhau dưới bùn trơn nhãy...

Qua tiết rằm tháng 7 là hết nước lụt. Nước sông không dâng lên ngập bờ vở nữa. Nước cũng bắt đầu trong dần, màu phù sa nhạt đi. Nhạt cho đến một lúc nào đó của mùa đông có dịp đi bên bờ, bỗng giật mình khi nhìn thấy dòng nước trong xanh lững lờ chảy, tự hỏi đây có phải là cái con nước hung dữ đỏ ngầu sủi bọt mùa hè kia không nữa.

Nhưng từ lâu sông Đuống quê tôi không còn mùa nước lụt. Chính xác là từ năm 1998 sau khi nhà máy thủy điện Hòa Bình đóng tổ máy cuối cùng! Rồi đến nay nào là Sơn La, Lai Châu nữa... Đến mùa nước, nhưng con sông cứ nhẩn nha chấp chới xa mãi dưới bờ vở cả mét. Và mầu nước thì nhờ nhờ đục. Không ra vàng chả ra nâu. Cái màu nước sông đỏ rực phù sa huyền thoại đã biến mất rồi sao?

Vĩnh viễn không còn nước lụt tắm mát cho những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống rồi chăng?

Ôi buồn làm sao! Tuổi thơ tôi... 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top