Aa

Nhờn luật trong xây dựng, Kỳ 5: "Phạt thật nặng để sợ không dám vi phạm nữa"

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Ba, 25/10/2016 - 07:30

Theo Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam, với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, phải có chế tài phạt thật nặng để những người khác sợ không dám vi phạm nữa, số tiền phạt phải nhiều hơn so với lợi nhuận mà chủ đầu tư kiếm được từ sai phạm.

Ba năm liên tiếp Hà Nội lấy mục tiêu năm trật tự xây dựng và văn minh đô thị để siết chặt công tác quản lý đô thị hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại hơn, nhưng con đường từ quyết tâm đến thực tiễn vẫn còn lắm chông gai. 

Hàng loạt những vi phạm về trật tự xây dựng vẫn đang kéo dài từ năm này qua năm khác đến mức dư luận lo ngại việc "nhờn" luật. Và chính Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải trong nhiều cuộc họp đã phải gay gắt lên tiếng về những sai phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng. 

PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam để có cái nhìn cụ thể hơn về sai phạm trật tự xây dựng dưới góc độ pháp lý và việc thực thi pháp lý. 

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc nhờn luật trong trật tự xây dựng hiện nay?

LS Trương Anh Tuấn: Theo tôi nói về việc nhờn luật , nguyên nhân chủ quan dễ nhìn thấy trước.

Thứ nhất là bản thân chủ đầu tư vi phạm pháp luật để tìm kiếm nhợi luận.

Thứ hai là khi có vi phạm thì xử lý của cơ quan quản lý nhà nước không triệt để, chưa đủ sức mạnh tạo sự răn đe. Với tình trạng phạt để cho tồn tại thì người ta so sánh, số tiền phải nộp phạt nhỏ hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được từ việc xây dựng sai phạm. Như thế, đương nhiên người ta chấp nhận nộp phạt để thu lợi nhuận.

Thứ ba, với người dân, không ai mong muốn mình mua phải dự án, căn hộ vi phạm. Ai cũng mong muốn tìm căn hộ an toàn nhưng họ lại vấp phải sự hạn chế về mặt thông tin. Vì thế khi mua phải căn hộ sai phạm, người mua nhà sẽ bị mắc kẹt ở giữa. 

 

Tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Zing

Tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Zing

PV: Khi đầu tư dự án, người mua cần trang bị cho mình những gì để trở thành người tiêu dùng thông thái?

LS Trương Anh Tuấn: Để nói cụ thể người mua nhà cần trang bị gì rất khó. Cái này thuộc về nhu cầu tìm hiểu của mỗi người, họ phải thay đổi nhận thức của bản thân khi xác định xuống tiền đầu tư dự án. Thay vì chỉ xem căn hộ này vị trí có đẹp không, tiện ích như thế nào, người mua nên đặt vấn đề pháp lý lên hàng đầu.

Cái nhà đặc biệt là dự án chung cư không phải tờ giấy vô hình mà là tài sản rất lớn. Chính vì thế Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm gia, giám sát các dự án để người mua mua được tài sản đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng.

Bao nhiêu tranh chấp, lừa đảo đều xoay quanh câu chuyện này. Nên không thể nói người dân cần trang bị gì mà chúng ta phải nhìn nhận lại chủ thể là việc kiểm soát cái nhà, kiểm soát dự án như thế nào. Thay vì hướng dẫn từng người dân mua nhà thì pháp luật phải đủ mạnh, nhà nước phải đủ nghiêm để giám sát chặt chẽ.

PV:  Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh nên chủ đầu tư mới dám "nhờn"?

LS Trương Anh Tuấn: Theo tôi, bản chất của vấn đề này là do cách xử lý thỏa hiệp. Bất kỳ ai cũng muốn tìm kiếm thật nhiều lợi nhuận nhưng không ai muốn phải đi tù vì tiền. Vì vậy khi sai phạm phải có biện pháp răn đe cứng, mạnh. Phải có chế tài phạt thật nặng để làm gương. Phạt một người để những người khác sợ không dám vi phạm nữa.

Về việc thực thi, bất kỳ ai vi phạm cũng đều phải xử phạt, đảm bảo mức phạt, mức xử lý, mức truy thu nhiều hơn so với lợi nhuận họ kiếm được từ sai phạm. Bất kỳ dự án nào, chủ đầu tư nào vi phạm đều phải xử lý. Đảm bảo 2 nguyên tắc: đủ răn đe và công bằng.

Tránh vấn đề như tất cả vượt đèn đỏ nhưng công an chỉ tóm có 1 người. Như thế lần sau lại có thêm nhiều người liều mình vượt đèn đỏ tiếp.

PV: Chính việc nộp phạt để cho tồn tại làm nảy sinh nhiều kẽ hở?

LS Trương Anh Tuấn: Thực trạng phạt để cho tồn tại thể hiện khâu quản lý của nhà nước không chặt chẽ, khâu giám sát buông lỏng dẫn đến xảy ra vi phạm nhưng giải quyết không dứt điểm.

Nếu vi phạm vừa xảy ra, chính quyền quản lý chặt chẽ sẽ phải biết được ngay, dừng ngay việc thi công sai phạm và giải quyết triệt để chứ không để rơi vào tình trạng sai phạm nhiều rồi mới lên tiếng và khi rơi vào thế đã rồi thì đành chịu. Đó là chưa nói đến những câu chuyện tiêu cực bên trong.

 PV: Việc này dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?

LS Trương Anh Tuấn: Phạt cho tồn tại có khía cạnh là nếu phá đi sẽ lãng phí tiền của của nhà nước. Nhiều người tư duy đơn giản, nếu tòa nhà 10 tầng, 20 tầng chỉ chênh thêm một số tầng nữa đâu chết ai. Nhưng vấn đề là bản thân người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng, khu vực đó cũng bị ảnh hưởng. Bản thân người mua sẽ phải trả những chi phí mà chưa nhìn thấy ngay. Nhà nước cũng phải hứng chịu những chi phí không hiện hữu ngay. 

Chung cư chính là nén dân cư vào nhà ở cao tầng, đó là giải pháp nén đô thị dẫn tới lượng người tập trung tại một khu vực sẽ rất đông. Việc xây vượt tầng, sai phép dẫn đến hệ quả phát sinh số lượng cư dân của khu vực đó, số người sẽ không tương đồng với hệ thống hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa

Cụ thế, ví dụ đối với các dự án nhà ở, chưa dự án nào nêu ra việc bố trí y tế, bố trí về văn hóa xã hội gồm khu vui chơi giải trí, không gian xanh, mật độ của trường học... Vì bất cứ người nào sống ở nhà mặt đất đều có nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, chơi, giải trí, chăm sóc y tế…

Khi dự án này nâng lên 5 - 7 tầng, dự án kia nâng lên 3 - 4 tầng, mật độ sẽ tăng lên trong khi đó bản thân các dự án chưa giải quyết đồng bộ nhu cầu của con người. Có dự án tình trạng y tế chưa giải quyết được, có dự án thiếu trường học, có dự án xây san sát thiếu  không gian.. sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn về mặt xã hội và phá vỡ toàn bộ quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top