Diễn biến kinh tế vĩ mô
Diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2016 chia làm hai xu hướng theo hai giai đoạn: 10 tháng đầu năm và từ tháng 11 trở đi.
10 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát thấp, bội chi được kiểm soát. Thiên tai ở các địa bàn khác nhau, các cấp độ khác nhau khá nặng nề. Hạn hán, rét đậm, rét hại, ngập mặn, xói lở, lũ lụt… Nhà nước, Chính phủ mới cam kết xây dựng nhà nước kiến tạo.
Hàng loạt nghị quyết, quyết định chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được thông qua, ban hành và chỉ đạo thực hiện sát sao: Nghị quyết về hội nhập, nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, nghị quyết về cấu trúc lại nền kinh tế, nghị quyết về đầu tư công trung hạn, nghị quyết về nợ công, nghị quyết về tăng cường môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… Các quyết định đều hướng đến một xã hội minh bạch, một nền kinh tế hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh dựa trên hiệu quả và năng suất.
10 tháng đầu năm 2016, nguồn tiền đầu tư trỗi dậy. Luồng vốn đầu tư công duy trì ở mức ổn định. Luồng vốn nước ngoài có dấu hiệu tăng trưởng. Luồng vốn tín dụng giải ngân ở mức thấp hơn hạn mức. Luồng vốn trong dân sôi động. Luồng kiều hối ổn định tăng trưởng. Thị trường BĐS và thị trường chứng khoán phục hồi. Các công trình hạ tầng được khởi công và đi vào vận hành.
Có thể thấy, 10 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng tín hiệu chung là tích cực. Cùng với những biểu hiện thuận lợi và khó khăn, điểm mạnh và điểm yếu, có một mạch chung là kỳ vọng tình hình sẽ tốt lên, đặc biệt là kỳ vọng vào TPP sẽ tác động tích cực vào nền kinh tế năm năm 2017. Hệ quả là, đã xuất hiện triệu chứng của kỳ vọng và đầu tư đón đầu quá mức. Hàng loạt các dự án BĐS lớn đã được triển khai, hàng loạt các dự án đầu tư lớn được khởi công, hàng loạt khu công nghiệp được đề xuất mở rộng quy mô (diện tích).
Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 11 năm 2016, tình hình đã biến chuyển, đặc biệt là Brexit và bầu cử Mỹ với kết quả nghiêng về hướng không thuận lợi cho TPP. Diễn biến FDI đã có dấu hiệu không thuận. Giải ngân tín dụng từ ngân hàng (đến cuối tháng 11) chỉ đạt 14% trên tổng mức dự kiến cả năm là 18-20% (mức 20% là không thể đạt đến và mức 18% cũng không dễ đạt được – mặc dù ngân hàng đã khẳng định 18-20% chỉ là chỉ tiêu định hướng, nhưng không đạt định hướng cũng có cần xem xét nguyên nhân và những vấn đề đặt ra).
Vốn đầu tư công cũng không được giải ngân một cách thuận lợi , tuy vậy, vay nợ Chính phủ vẫn chạm ngưỡng khá cao . Tỷ giá đồng đô la Mỹ đã vượt qua mốc 23 nghìn đồng (Việt Nam) một đô la Mỹ . Giá vàng dao động nhưng cũng ở mức tăng so với đầu năm. Nguồn kiều hối tháng 11 cũng có xu hướng chững lại.
Như vậy, cùng với việc không chắc chắn của nền kinh tế thế giới, cùng với xu hướng quay trở lại kinh tế trong nước của các nền kinh tế lớn, Việt Nam có thể bị suy giảm luồng vốn vận hành vào.
Sự suy giảm này sẽ thông qua ba tác động: Thứ nhất, luồng vốn nước ngoài vào không tăng trưởng như mong muốn, thậm chí có thể giảm để quay trở lại các nền kinh tế lớn dưới tác động của Brexit và bầu cử Mỹ. Thứ hai, luồng vốn đón đầu TPP để lấy C/O của Việt Nam sẽ suy giảm, thậm chí, vận hành ngược khỏi Việt Nam .
Thứ ba, những dòng vốn đầu tư tư nhân trong nước để đón đầu cơ hội của dòng đầu tư mới có thể sẽ bị xem lại, một khi dòng vốn đầu tư nước ngoài suy giảm dưới tác động của việc các nhà đầu tư của các nền kinh tế lớn quay lại các quốc gia xuất khẩu vốn.
Hệ quả là, khoảng thiếu hụt về luồng vốn của nền kinh tế Việt Nam sẽ xuất hiện. Vấn đề đặt ra là quy mô khoảng thiếu hụt lớn hay nhỏ; ứng xử của các bên với khoảng thiếu hụt thế nào? Các tác động của khoảng thiếu hụt này lên nền kinh tế như thế nào?
Như vậy, từ đầu tháng 11 năm 2016, nền kinh tế Việt Nam xuất hiện một xu hướng mới. Xu hướng này hiện chưa rõ cả về định hướng, xu thế, quy mô nhưng không giống tình hình trước tháng 11 năm 2016. Vậy xu hướng này sẽ được định hình vào khi nào và khả năng sẽ xảy ra như thế nào?
Trước hết, về thời gian, ít nhất là phải đợi đến khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức. Khi đó, nội các Mỹ sẽ rõ ràng và các định hướng chính sách sẽ được khẳng định.
Thứ hai, quy mô tác động của định hướng chính sách này sẽ tùy thuộc vào một số phản ứng: TPP sẽ được phán quyết thế nào, dừng hẳn hay chỉ bị bỏ qua không bàn đến trong một số năm; sự tiếp nhận chính sách từ Mỹ của các quốc gia khác như thế nào (Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, EU và tiến trình Brexit); thái độ của Mỹ đối với các tranh chấp (lãnh thổ, kinh tế, quân sự) trên thế giới.
Thứ ba, đối với Việt Nam, ngoài các yếu tố có liên quan, còn cần phải xem xét các phản ứng chính sách, phản ứng của các nhà đầu tư, phản ứng thị trường của các bên hữu quan, mới có thể định hình rõ kinh tế 2017 của Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, thế giới không chắc chắn, tác động của các biến động là rất liên hoàn, Việt Nam đang và sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, mọi động thái của các bên cần được quan sát, theo dõi và phân tích để đưa ra các ứng phó kịp thời là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, năm 2017, Tết âm lịch lại rất sát với Tết dương lịch, vì vậy, năm kinh tế sẽ kết thúc đâu đó giữa Tết dương lịch và Tết âm lịch. Chỉ khi đó, xu hướng mới được định hình.
Tác động đối với thị trường BĐS
Đối với thị trường BĐS Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2016, có thể nói là các dự án và sản phẩm mới của thị trường BĐS đạt kết quả tốt. Nhiều dự án bị đóng băng giai đoạn 2012-2013 tái phục hồi. Nhiều dự án đã kết thúc đầu tư, vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Có thể thấy, 10 tháng đầu năm 2016 là giai đoạn phục hồi và phát triển của thị trường BĐS. Nguồn vốn vận hành vào thuận lợi. Ngân hàng hỗ trợ triển khai hoàn thành gói 30 nghìn tỷ. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lãi suất thấp cho nhà ở xã hội. Các khu công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Các dự án lớn về nhà và khu du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục được triển khai. Một số khu du lịch nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư trong nước đã có quy mô, tầm cỡ lớn . Các nhà đầu tư tiềm năng đã tích cực giải ngân vào các sản phẩm bất động sản.
Đặc biệt, các sản phẩm condotel đã được đầu tư với số lượng và giá trị lớn. Tuy nhiên, dường như có sự bất cập giữ số lượng các dự án trung cao cấp và các dự án bình dân, nhà giá thấp.
Từ tháng 11 năm 2016 và năm 2017, cùng với những diễn biến kinh tế thế giới có sự thay đổi định hướng, kinh tế vĩ mô cũng có những diễn biến không tiếp tục gia tăng quy mô và giá trị, tuy chưa rõ rệt các điều chỉnh đi ngang hoặc giảm. Thị trường BĐS đang tiềm tàng hai xu hướng:
Một là, tiếp tục gia tăng để kết thúc chu kỳ đầu tư. Một số dự án đã triển khai sẽ tiếp tục được tăng cường đầu tư để bàn giao sản phẩm. Một số dự án tái phục hồi sẽ được quyết liệt thi công, bàn giao sản phẩm. Nhìn chung, xu thế này vẫn đang là xu thế chủ đạo của thị trường. Nhất là, đối với các dự án đang triển khai thuận lợi, luồng tiền đã được cung cấp, các bên hữu quan đều sẵn sàng cho sự hoàn thành đầu tư đối với các dự án này. Một số dự án chuẩn bị thi công thì sẽ tùy thuộc diễn biến tình hình để được xem xét, quyết định. Nếu làm chủ được nguồn vốn, nhiều khả năng các dự án này sẽ tiếp tục được triển khai.
Hai là, điều chỉnh (theo hướng giảm) thị trường. Về loại hình, phân mảng các dự án lớn, giá trị cao (trên một đơn vị sản phẩm) sẽ không tiếp tục triển khai, mở rộng mà phân mảng thị trường giá thấp, trung bình sẽ được chú ý, tăng cường. Về địa bàn, các dự án trên các địa bàn tập trung, nội đô sẽ không tiếp tục được đầu tư mới mà trải ra các địa bàn ngoại vi, không chỉ ở Hà Nội, TP. HCM mà cả các tỉnh, thành phố khác. Về chủ thể, các chủ thể mới sẽ nhiều khả năng không tiếp tục tham gia vào thị trường BĐS. Các chủ thể đã tham gia thị trường cũng sẽ có những điều chỉnh.
Tóm lại
Chưa khi nào, sự biến động của nền kinh tế lớn trên thế giới lại có tác động một cách trực tiếp, nhanh chóng đến kinh tế Việt Nam như hiện nay. Nhiều khả năng, kỳ vọng rằng, năm 2017 là năm tốt với nền kinh tế Việt Nam vẫn không phải là không có cơ sở. Thị trường BĐS Việt Nam sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với các yếu tố kinh tế vĩ mô trên cơ sở thực trạng kinh tế và bài học của giai đoạn tăng trưởng 2005-2007 cũng như giai đoạn khó khăn 2011-2013.