Aa

Những câu hỏi không khó trả lời

Thứ Tư, 22/05/2019 - 06:00

Nhà nước, các cơ quan chức năng đã thử bỏ công, rất ít thôi, chỉ để truy tận cùng, tại sao một thủ tục hành chính nào đó vẫn phiền toái? Chẳng hạn lấy ngay trường hợp thủ tục cho một khởi nghiệp?

Trong một lần ngồi xem chương trình Thời sự của Đài truyền hình, tôi giật mình khi nghe được thông tin sau đây: Để có thể khởi nghiệp, ở Việt Nam cần tám loại giấy tờ và mất mười bảy ngày chờ đợi, trong khi ở Singapore chỉ cần hai loại giấy tờ và một ngày rưỡi để được cấp phép.

Tôi bèn vào Google tra cứu thì cho kết quả: Năm 2018, cả nước có 131.300 doanh nghiệp thành lập mới. Nếu các con số trên là chính xác, có nghĩa, trong điều kiện hành chính đã được cải cách quyết liệt như được ghi tại rất nhiều báo cáo thành tích, lại với tư duy 4.0, thì so với Singapore, người Việt vẫn phải mất thêm tổng cộng một triệu thủ tục và hơn hai triệu ngày chờ đợi, để có thể khởi nghiệp.

Tôi tin con số còn có thể lớn hơn.

Không cần phải quá giỏi toán, cũng có thể tính ra số thiệt hại của một triệu thủ tục và hơn hai triệu ngày chờ đợi ấy lớn ngần nào. Tất cả sau đó sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp, được cơ cấu vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến thành công và năng lực cạnh tranh.

Cải cách thủ tục hành chính cần nhiều quyết liệt hơn nữa.

Cải cách thủ tục hành chính cần nhiều quyết liệt hơn nữa.

Nhưng số vật chất, dù khổng lồ ấy, có thể chưa phải là thiệt hại to lớn nhất, gây ra chỉ bởi các thủ tục hành chính? Không ít doanh nghiệp gần như được báo trước là sẽ thất bại, bởi sự mệt mỏi và mất hết cảm hứng của người khởi tạo. Biết bao sự hăm hở, lòng nhiệt tình, cùng với trí khôn… đôi khi chả có tí ý nghĩa nào khi vấp phải bức tường quan liêu. Một cú thôi là mọi giấc mơ tiêu tan hết.

Xét cho cùng thì sự mệt mỏi của công dân, là một trong những chỉ số tiêu cực lớn nhất mà một xã hội tạo ra. Từ mệt mỏi dẫn đến hàng trăm hàng ngàn hậu quả khó lường khác. Từ mệt mỏi, con người sinh ra thù hận cuộc sống, thù ghét những người xung quanh. Từ mệt mỏi đến trầm cảm, điên loạn, bạo lực… chỉ là những nấc thang rất gần nhau.

Trong khi đó cũng không thể thống kê hết những lời kêu gọi, những lời cam kết, những lời hứa… liên quan đến cải cách các thủ tục hành chính. Dù tiến bộ trong lĩnh vực này đã được xã hội ghi nhận, nhưng về cơ bản, lời nói hầu hết vẫn không đi đôi với việc làm, nhất là ở những thủ tục có mùi tiền bạc. Nhưng lạ lùng lại ở chỗ, ai cũng biết hiện tượng trên là bất bình thường, nhưng nó lại vẫn cứ ngang nhiên tồn tại, trong khi cái gốc của căn bệnh rất dễ tìm ra?

Nhà nước, các cơ quan chức năng đã bao giờ thử một lần bỏ công, rất ít thôi, chỉ để truy đến tận cùng tại sao một thủ tục hành chính nào đó vẫn vô cùng phiền toái? Chẳng hạn lấy ngay trường hợp thủ tục cho một khởi nghiệp? Tại sao chúng ta phải cần tới tám thủ tục, trong khi Singapore thì chỉ cần hai? Sáu thủ tục kia là những thủ tục gì, tại sao phải thực hiện, liệu có thể cắt bỏ được không, việc cắt bỏ chúng vướng ở cấp nào? Tại sao một khởi nghiệp của họ chỉ cần chờ hai ngày để nhà nước cấp phép, còn chúng ta thì phải mười bảy ngày? Mười lăm ngày chờ kia là do bộ máy vận hành chậm chạp, hay do yếu tố con người, hay vì lý do gì?

Không hề khó để làm sáng tỏ một khúc mắc kéo cả xã hội cứ phải đi chậm lại? Hay chúng ta vẫn thói nào tật ấy, nói một đằng nhưng làm một nẻo, nói công khai thế này nhưng muốn người dân phải hiểu thế kia? Cả vấn đề ấy cũng cần phải được minh bạch hóa. Nếu các bộ ngành, vì quyền lợi không muốn làm, hoặc vì năng lực kém mà không làm được, thì Chính phủ cần phải đứng ra. Đôi khi nó chỉ ngang với một cú nhấp chuột.

Về phần mình, tôi nghĩ, ngoại trừ một vài yếu tố khác biệt, chẳng có lý do gì để chúng ta không áp ngay cách làm của Singapore trong vấn đề khởi nghiệp? Nếu không thể, chưa thể bằng họ, thì cũng không nên thua kém họ xa đến như vậy? Việc khởi nghiệp để làm giàu, mọi người đều được hưởng lợi đã vậy, huống hồ những việc khác chỉ liên quan đến cá nhân công dân?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top