Aa

Những dòng sông mang theo chữ Đức…

Chủ Nhật, 12/04/2020 - 06:30

Những dòng sông đang dần bị bức tử bởi thói tham lam ích kỷ, vô cảm của con người? Trong khi còn có thể, xin hãy ra tay cứu lấy con sông trăng thơ mộng...

Ở vùng Kinh Bắc xưa (gồm Bắc Ninh nay, một phần Hà Nội bên bờ bắc Sông Hồng, một phần Hưng Yên và một phần Bắc Giang) có bốn dòng sông mà tên của nó mang theo chữ Đức: Sông Đuống - Thiên Đức, Sông Lục - Minh Đức, Sông Thương - Nhật Đức, Sông Cầu - Nguyệt Đức. 

Tứ Đức của vũ trụ hợp cả nơi đây: Thiên, Minh, Nhật, Nguyệt! Có lẽ vì được cả bốn dòng sông huyền thoại ấy bồi đắp bao đời nên đã hình thành một vùng dân cư trù phú thanh bình, có nền văn hóa thuần Việt rất đặc sắc. Cả bốn con sông này đều hợp lưu ở Lục Đầu Giang lừng lẫy rồi đổ ra biển bằng sông Thái Bình, qua cửa Bạch Đằng huyền thoại.

Sông Lục bắt nguồn từ trên những dãy núi của Đình Lập, Lạng Sơn rồi chảy về xuôi qua Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam. Có lẽ vì thế mà sông còn có tên là Sông Lục Nam. Về đến ngã ba Nhãn ở đất Yên Dũng thì hợp lưu với Sông Thương cùng nhập vào Lục Đầu Giang. Bên con sông này trên đất Lục Ngạn, Lục Nam xưa đã diễn ra những trận đánh huyền thoại của Đức ông Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn hồi trận chiến kháng Nguyên lần thứ hai thế kỷ 13, câu chuyện Yết Kiêu chống thuyền đợi chủ tướng cũng ở trên sông này.

Sông Thương lưu vực khá rộng, bắt nguồn từ cả Thái Nguyên và Lạng Sơn. Con sông này được người ta nhớ đến bởi những câu chuyện về bến chia ly, anh lên ải bắc em ở lại bến sông. Và dòng nước bên đục bên trong huyền thoại. Đến thời nay, tôi đã nhiều lần qua lại dòng sông này, cố nhìn xem có khi nào sông lại chia hai dòng như xưa không nhưng không thấy nữa, chẳng biết do sao. Nhưng địa danh Chi Li vẫn còn. Đó chính là cách gọi chệch đi cho đỡ đau đớn về bến Chia Ly đau thương huyền thoại xưa.

Chiều hoàng hôn trên sông Thương (Ảnh: Internet)

Sông Cầu cũng bắt nguồn mãi từ mạn Bắc Cạn, Thái Nguyên rồi mới xuôi về qua Yên Phong, Quế Võ của Bắc Ninh để vào Lục Đầu Giang. Sông Cầu xưa còn nhận nước của nhiều con sông nhỏ trong vùng như sông Tiêu Tương, Ngũ Huyện Khê…Nhưng nay các con sông ấy hầu như đã biến mất, chỉ còn dấu tích trên thực địa là những hồ ao thùng vũng nối nhau và câu chuyện Mỵ Nương – Trương Chi trong cổ tích.

Ngắn nhất trong bốn dòng sông là Sông Đuống - Sông Thiên Đức. Chiều dài chỉ khoảng 70 km. Nhưng nó là dòng sông cực kỳ quan trọng đã bồi đắp nên cả hai bờ một vùng đồng bằng trù phú mướt mát phù sa. Sông Đuống, có thể coi như là chi lưu của Sông Hồng bởi đầu nguồn của nó chính là chỗ Ngã Ba Dâu, hay cửa Đức Giang, nằm ở quãng giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân. 

Ngày xưa hai bờ sông cũng là chiến trường ác liệt của quân Đại Việt đánh lại quân Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống lại chúng ở lần thứ 2 và thứ 3. Còn ngày nay, đây là con đường thủy quan trọng nhất của cả miền Bắc thông thương từ miền núi trung du Tây Bắc ra biển thông qua cảng Hải Phòng và vịnh Hạ Long.

Trong quá khứ lịch sử xa xưa, vùng Kinh Bắc cũng như cả đồng bằng Bắc Bộ cũng có hệ thống sông ngòi chằng chịt không khác Nam Bộ mấy. Nhưng có lẽ bắt đầu từ thời Lý với chính sách đắp đê phòng lũ lụt hàng năm, hệ thống sông ngòi chằng chịt tự nhiên mất dần đi. Và còn một nguyên nhân nữa ở lưu vực đồng bằng sông Đuống: Bởi là một dòng sông chia nước của sông Hồng nên trong có rất nhiều phù sa mùa lũ. 

Trong những năm lụt to, kéo dài, phù sa lắng đọng nhiều dẫn đến nhiều lòng sông bị bồi lấp dẫn đến mất cả một dòng sông. Sự biến mất của con sông Dâu huyền thoại ở vùng Nam Kinh Bắc là một ví dụ điển hình. Đây đã từng là con sông lớn nối sông Đuống chảy qua vùng Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào xuống Khoái Châu rồi lại đổ nước vào sông Hồng. 

Từ thủa xa xưa, bên bờ sông Dâu đã hình thành một đô thành to lớn, là thành Luy Lâu tấp nập buôn bán trên bến dưới thuyền, có cả thương nhân nước ngoài sang giao thương. Đây chính là lỵ sở của quận Giao Chỉ (tên nước ta hồi bị phương Bắc đô hộ). Thành Luy Lâu này nổi tiếng với thời kỳ cai trị của thái thú Sĩ Nhiếp, người đã từng được phong mỹ tự “Nam giao học tổ”. Và Tô Định, thái thú bị Hai Bà Trưng kéo chiến thuyền binh mã khắp nơi theo dòng sông Dâu về hỏi tội...Vậy mà khi sông Dâu bị mất dòng sau một trận lụt lớn, đô thành Luy Lâu cũng tàn lụi theo. Lỵ sở nước ta dần chuyển về Long Biên gần đó, rồi Đại La, Thăng Long, Hà Nội ngày nay.

Sở dĩ lan man một chút về sự biến mất của con sông Dâu, để thấy hết tầm quan trọng của những con sông với kinh tế, văn hóa xã hội, của một vùng mà nó bồi đắp, nuôi dưỡng. Người ta đã đặt tên một nền văn minh kéo dài hàng ngàn năm theo tên một con sông là ý nghĩa đó: Văn minh sông Nin, văn minh sông Hằng, văn minh Lưỡng Hà. Và chúng ta: Nền văn minh sông Hồng- Sông Cái- Sông Mẹ của đất Việt...

Nay trên cả vùng Kinh Bắc xưa, bốn con sông Thiên Đức, Minh Đức, Nhật Đức, Nguyệt Đức vẫn còn. Nhưng đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng. Sông Lục - Minh Đức mấy năm trước bị mỏ Đồng trên Sơn Động uy hiếp, nay đã đỡ. Sông Thương - Nhật Đức đã từng bị các nhà máy hóa chất tại khu Liên hợp Đạm trên thành phố Bắc Giang đầu độc. 

Sông Cầu- Nguyệt Đức, con sông được coi là trung tâm của văn hóa quan họ, con sông của thơ và nhạc có lẽ hiện đang là con sông khốn khổ nhất. Bởi bên dòng chảy của nó từ Thái Nguyên về qua Bắc Ninh, có muôn vàn các nhà máy, khu công nghiệp, làng nghề... đang hàng ngày hàng giờ điềm nhiên xả nước bẩn, chất độc vào dòng sông. 

Tôi cũng không hiểu những người đứng đầu chính quyền nơi con sông Cầu chảy qua, nghĩ gì khi chứng kiến dòng sông đang dần bị bức tử bởi thói tham lam ích kỷ, vô cảm của con người? Trong khi còn có thể, xin hãy ra tay cứu lấy con sông trăng thơ mộng...

Sông Đuống - Dòng sông thi ca (Ảnh: Internet)

Trong bốn con sông thì sông Đuống - Thiên Đức hiện nay còn an toàn hơn cả. Có lẽ do lưu tốc của con sông này lớn. Và hai bên bờ vốn là bãi sông, trước đây vốn bị ngập lụt hàng năm nên chưa bị công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi thế hiện có rất nhiều nhà máy nước sinh hoạt đang được xây dựng bên con sông này. 

Thế nhưng gần đây khá nhiều con mắt cú vọ của giới tư bản đang nhòm ngó vào những mảnh đất tốt tươi hai bờ. Dự án sân Golf ở xã Đình Tổ, Thuận Thành là một ví dụ. Đành rằng sự phát triển nào cũng phải trả giá ít nhiều về môi trường. Thế nhưng để phát triển mà “giết” cả một dòng sông, hủy diệt cả một nền văn minh thì đó là cái giá quá đắt. 

Nhất là trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, tuy chưa giàu, nhưng cũng không cần thiết phải đánh đổi bằng mọi giá để phát triển. Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều kiện để có thể vừa phát triển mà vẫn giữ được môi trường. Xin những người có trách nhiệm hãy lưu ý đến điều này. Xin hãy giữ cho miền quê Kinh Bắc tươi đẹp hiền hòa những dòng sông mang Tứ Đức của vũ trụ: Thiên - Minh - Nhật - Nguyệt mãi sáng trong, trường tồn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top