Khẩn trương thể chế hóa để các quy định thật sự đi vào thực tiễn kinh doanh
Việc thể chế hóa Nghị quyết 68 đang trở thành yêu cầu cấp thiết, vừa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, vừa đáp ứng kỳ vọng thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. "Dưới góc độ của doanh nghiệp, chúng tôi muốn các quy định pháp luật thật sự đi vào thực tiễn đời sống kinh doanh", ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ.
Nghị quyết 68 với định hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững, được giới doanh nghiệp đánh giá là văn kiện có tính đột phá. Điều khiến cộng đồng doanh nghiệp bất ngờ chính là việc một nghị quyết của Đảng lại đi sâu vào những vấn đề rất thực tế, từ chi phí, thủ tục, tiếp cận thị trường cho đến chuyển đổi xanh.
Giám đốc Ngân hàng ACB đặc biệt hoan nghênh chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, là khoảng thời gian sinh tồn quan trọng với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi doanh nghiệp Việt đa số là nhỏ và siêu nhỏ, và thường là trên 50% khi doanh nghiệp thành lập ra 1 - 2 năm đầu khó tồn tại được. Vì thế, đây là một chính sách rất tốt.
Ông cũng đánh giá cao việc Nghị quyết đề cập đến mô hình kinh tế chuỗi, thúc đẩy doanh nghiệp lớn dẫn dắt và kéo theo doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt, lần đầu tiên chuyển đổi xanh được đưa vào nội dung Nghị quyết 68, mà ít được nêu tại các nghị quyết trước. Mục tiêu đến 2050 là phát thải ròng bằng 0 mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra.
Tuy nhiên, ông Phát cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng ở định hướng chung mà mong muốn những tháo gỡ mang tính thực chất và cụ thể. Như với chuyển đổi xanh là một chủ trương lớn, doanh nghiệp rất cần các hướng dẫn rõ ràng, cùng với hệ thống khung tín dụng phù hợp để có thể tiếp cận và triển khai tín dụng xanh một cách hiệu quả.
Trong việc tiếp cận tài sản công, với mức chi phí hợp lý và cạnh tranh vẫn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những vướng mắc phổ biến hiện nay bao gồm yêu cầu tài sản thế chấp, quy trình cho vay phức tạp, định giá tài sản thiếu linh hoạt và những rào cản liên quan đến minh bạch thuế. Do đó, rất cần các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những nút thắt này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực thiết yếu để phát triển.
Đối với các ngân hàng, việc bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực tiễn chưa phát huy được tác dụng. Giai đoạn đầu có bảo lãnh nhưng dần dần không còn hiện thực nữa. Việc bảo lãnh phải vào nhu cầu thực chất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, và có thể phải mở rộng ra một số phạm vi, chứ không phải bảo lãnh về vay vốn. Đó là điều ngân hàng quan tâm và mong có giải pháp, theo ông Phát.
Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay là việc thành lập doanh nghiệp. Chúng ta đã nhiều lần đề cập đến việc pháp luật bảo đảm cho doanh nghiệp được quyền hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, song trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản cần tiếp tục cải thiện.
Vấn đề đáng lưu ý khác trong quản lý doanh nghiệp là công tác hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, thanh tra và kiểm tra hành chính. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ e dè trong việc mở rộng quy mô, và cũng là lý do khiến không ít hộ kinh doanh chưa mặn mà với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp.
"Đối với các vấn đề lớn hơn như ngân sách, thể chế khác thì chúng ta có thể tiến hành dần dần ở những giai đoạn tiếp theo. Còn những nội dung có tính chất đột phá, nâng cao tinh thần đổi mới, cần được ưu tiên giải quyết trước. Nếu chúng ta có thể kịp thời sửa đổi một số nội dung quy định còn vướng mắc thì sẽ tạo ra bước đột phá ban đầu, trực tiếp tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Phát nói.
Những nhóm giải pháp cần thực hiện ngay
Tinh thần khẩn trương, mạnh mẽ và đổi mới của Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa ngay, không để lỡ thời cơ. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, việc thể chế hóa Nghị quyết không thể quá kéo dài thời gian. Cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ.
Theo đó, quá trình thực thi có thể chia thành ba nhóm công việc chính:
Thứ nhất, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ các luật, quy định hiện hành. Đây là nhóm công việc đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chuyên môn, tác động và tham vấn, nên thời gian thực hiện có thể kéo dài khoảng 7 tháng. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ bây giờ, chúng ta sẽ bỏ lỡ khung thời gian thuận lợi để tạo ra thay đổi mang tính hệ thống.
Thứ hai, cần cập nhật, bổ sung các nội dung liên quan đến Nghị quyết 68 vào các dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét. Trong bối cảnh đã có hơn 30 dự thảo luật trình ra tại kỳ họp thứ 9, việc tận dụng cơ hội này để lồng ghép nội dung là hết sức cần thiết. Đây là nhóm công việc có thể triển khai ngay, không cần chờ sửa luật mới.
Thứ ba, đối với các vấn đề chưa có quy định pháp luật cụ thể, cần nhanh chóng ban hành một Nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm để làm hành lang pháp lý tạm thời. Cách làm này vừa linh hoạt, vừa giúp chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn, đặc biệt với những lĩnh vực cần phản ứng chính sách kịp thời.
Cả ba nhóm công việc này nếu được triển khai đồng bộ sẽ tạo thành một hệ sinh thái thể chế mới, phù hợp hơn với tinh thần cải cách mà Nghị quyết 68 hướng đến.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Một điểm đáng lưu ý là Nghị quyết cần quy định rõ danh mục cắt giảm 30% các thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ. Theo ông Phan Đức Hiếu, điều này hoàn toàn có thể làm ngay trong vòng 1-2 tuần nếu có quyết tâm cao. Các "giấy phép con" không còn phù hợp cũng cần bãi bỏ triệt để.
Ông Hiếu dẫn chứng, hiện nay vẫn còn hơn 200 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu cắt bỏ tối thiểu 30%, hệ thống pháp luật sẽ được đơn giản hóa đáng kể. Đồng thời, cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, công bố công khai điều kiện thay vì yêu cầu giấy phép.
Về dài hạn, ông Hiếu đề xuất thành lập một cơ quan cải cách thể chế độc lập, trực thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng, có thẩm quyền trình đề xuất pháp luật. Cơ quan này có chức năng sàng lọc, rà soát và loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tương tự mô hình tại Hàn Quốc.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho biết, trong hơn 20 năm công tác, chưa bao giờ việc thể chế hóa lại được triển khai nhanh như hiện tại. Đến nay, đã có 9 - 10 nhóm chính sách cụ thể được đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
Những nội dung nổi bật gồm: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm, miễn lệ phí môn bài, khấu trừ chi phí R&D ở mức 200%, hỗ trợ 10.000 CEO và các chương trình quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết còn cho phép doanh nghiệp tư nhân tự đề xuất tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, kể cả trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2025, toàn bộ công tác thể chế hóa phải cơ bản hoàn tất. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn phát huy nguồn lực, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Việc thể chế hóa kéo dài sẽ khiến mất cơ hội vàng cho cải cách.
Bà Thủy cũng cho hay, Chính phủ đang khẩn trương ban hành Nghị quyết hành động ngay trong tháng 5. Một chương trình cụ thể với khoảng 50 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành đã được lập. Những luật chưa kịp trình kỳ họp Quốc hội thứ 9 sẽ phải trình ở kỳ thứ 10 (tháng 10/2025). Một số nội dung đặc thù có thể lùi sang năm 2026.