Aa

Những lưu ý khi dùng si rô ho trẻ em

Chủ Nhật, 30/08/2020 - 07:00

Ho là một phản xạ có điều kiện của cơ thể, nhằm tống các dị vật gây ho nhiễm vào đường hô hấp như vi khuẩn, vi rút xâm nhập bám vào niêm mạc gây kích ứng.

Thời tiết của miền Bắc nước ta bắt đầu mùa Thu, nóng lạnh mưa nắng thất thường. Và đây là lúc cho các bệnh cảm cúm kèm theo ho hắng ở trẻ em rất dễ nhiễm vào hệ hô hấp của chúng. Ho không gây chết người nhưng nó thường khiến cho các bậc cha mẹ hết sức lo lắng, sốt ruột.

Ho là một phản xạ có điều kiện của cơ thể, nhằm tống các dị vật gây ho nhiễm vào đường hô hấp như vi khuẩn, vi rút xâm nhập bám vào niêm mạc gây kích ứng. Ho là triệu chứng thường thấy ở các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, cảm lạnh, viêm xoang mãn. Hoặc do thay đổi thời tiết hay hít phải dị vật ngoài môi trường không khí.

Như trên đã nói, ho là một phản xạ bảo vệ của cơ thể: khi vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào hệ hô hấp, gây kích ứng, tín hiệu được truyền về trung tâm điều khiển phản xạ ho trong não. Và trung tâm này phát ra các mệnh lệnh khiến cho cơ thể con người có động tác ho để tống các vi khuẩn, vi rút và các tác nhân lạ khác ra khỏi đường hô hấp. Vậy xét về mặt nguyên tắc, ho là một phản xạ tốt nó góp phần bảo vệ sự sống. Thế nhưng tại sao chúng ta lại phải chữa ho và thực tế có rất nhiều loại thuốc trị ho trên thị trường dược phẩm hiện nay?

Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin đề cập đến một dạng thuốc rất thông dụng đó là si rô ho, thường được dùng để trị ho cho trẻ em. Bởi một khi trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp (mà căn bệnh này rất phổ biến ở trẻ nước ta, đặc biệt trong thời tiết Đông- Xuân), chúng sẽ ho rất nhiều. Ho tới mức độ gây mất ngủ, quấy khóc triền miên, mệt mỏi, chán ăn và dẫn đến gầy sút suy nhược cơ thể… Nên cùng với việc thăm khám của bác sĩ để chỉ định đúng thuốc trị căn nguyên gây bệnh như nếu viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn thì dùng kháng sinh. 

Viêm nhiễm do vi rút thì dùng các thuốc nâng cao sức đề kháng chẳng hạn. Thì việc dùng thuốc ho, đặc biệt là dạng si rô rất phù hợp cho trẻ em bởi có vị ngọt dễ uống, để hạn chế và loại bỏ các cơn ho là một việc cần thiết. Ví dụ như viêm đường hô hấp do vi rút, nếu để trẻ ho nhiều quá, rất có thể dẫn đến tổn thương các niêm mạc và lại là điều kiện tốt để cho các loại vi khuẩn cơ hội khác xâm nhập gây ra tình trạng bội nhiễm, bệnh sẽ càng nặng hơn.

unnamed

Trên thị trường dược phẩm hiện nay có rất nhiều các loại si rô ho có thể dùng cho trẻ em. Các loại si rô này thường được pha chế từ các loại hóa chất và thảo dược có tác dụng trị ho, được phân thành hai nhóm:

- Si rô thuốc chế từ nhóm hoạt chất có tác dụng ức chế trung tâm ho trên thần kinh trung ương như: Codein, Dextromethorphan, Bromhexine… các hoạt chất này thường được hòa trong nước cất rồi mới thêm đường để chế thành si rô. Có một số nhà sản xuất kết hợp vài hoạt chất trong một công thức si rô thuốc như Dextromethorphan (ức chế phản xạ ho) với Chlopheniramin (chống dị ứng sưng nề gây kích ứng dẫn đến ho) và Guaifenesin (làm lỏng chất nhầy, đờm) tỏ ra khá hiệu quả trong điều trị các chứng ho gió, ho khan, ho do dị ứng thời thiết khí hậu…

- Si rô thuốc chế từ nhóm dược liệu có tác dụng tiêu nhày ở đường hô hấp, chống co thắt, giảm ho: như thường xuân, mạch môn, húng chanh, bách bộ, vỏ quýt, cát cánh, tỳ bà diệp, gừng… thường là một hỗn hợp theo một bài thuốc cổ truyền nào đó.

Các loại dược liệu trên được hãm thành nước sắc, sau đó cho thêm đủ đường để chế thành si rô. Nhưng cũng có loại dược liệu được tinh chế thành dạng cao khô tiêu chuẩn rồi mới đem pha chế thành si rô như trường hợp của lá thường xuân bên châu Âu hay sử dụng chẳng hạn.

Si rô ho thường là loại thuốc không bắt buộc phải kê đơn, ta có thể mua trực tiếp ở nhà thuốc. Thế nhưng người lớn, nhất là các bà mẹ khi đi mua si rô cho con nên hỏi kỹ để nghe các dược sĩ tư vấn về loại si rô thuốc mà mình định cho con uống. Cả liều lượng cách dùng và thời điểm dùng. Ho do cảm lạnh, cảm cúm thì dùng loại nào cho tốt. Trẻ ho khan, ho gió thì dùng loại nào. 

cam-lanh

Ho có đờm đặc kéo dài thành cơn thì dùng loại nào… rất nhiều loại si rô ho, quan trọng là phải lựa chọn đúng loại dùng cho chứng ho của trẻ! Còn trong dân gian, có lưu truyền một bài si rô thuốc tự chế tỏ ra cũng khá hiệu quả: dùng nửa chén mật ong, hấp với độ nửa vỏ quả quýt trong nồi nấu cơm, sau đó để nguội cho trẻ uống. Hoặc thay bằng vỏ quýt ta có thể sử dụng vài ba cái lá húng chanh cũng có tác dụng tương đương.

Còn về liều uống, si rô thường được uống bằng thìa nhỏ (thìa cà phê) tương đương độ 5ml. Tùy theo lứa tuổi cụ thể sẽ cho bao nhiêu thìa theo chỉ định. Nhiều nhà sản xuất dược phẩm hiện nay còn chế riêng đồ uống cho từng chai si rô rất tiện lợi. Mua về chỉ việc sử dụng theo đúng hướng dẫn luôn được in kèm theo chai thuốc.

Một lưu ý nữa là chai thuốc si rô sau khi mở nắp, không dùng hết có thể nắp kín lại, cất đi để dùng trong thời gian lâu. Có loại cho phép tới 90 ngày kia. Bởi bản chất si rô là dung dịch đường nồng độ cao, tỷ trọng tới 1,32 ở nhiệt độ 20 độ C nên bản thân si rô đơn đã có tác dụng diệt khuẩn rồi. Thế nên ta cứ để cất kín, chỗ sạch sẽ cao ráo là có thể để dành cho trẻ những đợt ho sau lại dùng mà không ảnh hưởng gì. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top