Aa

Những người tìm lại "hồn làng"

Thứ Ba, 27/02/2018 - 06:00

Cách đây ba năm, trong lần doanh nhân Đỗ Văn Hiểu cùng mấy anh em nhóm Nhân sỹ Hà Đông về một làng thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội, dâng tặng lại năm đạo sắc phong của làng bị mất trộm nhiều năm trước, vị bô lão đại diện cho dân làng xúc động nói: “Đình làng chúng tôi có nhiều của quí nhưng cứ như người mất hồn, nay nhận lại các đạo sắc phong, thì hồn làng đã trở lại”.

Tôi không phải là người hiểu kỹ lưỡng về sắc phong mà chỉ biết đó là những văn bản chính thức của nhiều đời vua, phong thần cho những người có công với đất nước, người dân có nghĩa vụ phải thờ phụng ngay cả khi còn sống. Hầu hết dòng cuối của các đạo sắc phong đều ghi lời như dặn dò những người được phong thần: “Chuẩn cho thờ phụng. Thần hãy giúp đỡ bảo vệ dân lành của Trẫm. Hãy kính theo”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà vua, người đứng đầu của một quốc gia, đã luôn nghĩ đến người dân của mình. Tôi như cảm thấy nghe được giọng nói của nhà vua: “Ta ban chức tước cho ngươi để ngươi mang lại cho nhân dân ấm no và hạnh phúc, chứ không phải để nhũng nhiễu và đục khoét”. Đấy là sứ mệnh cao cả của bậc quân vương. Mới thấy, những người được phong tước, phong hầu chỉ là để phục vụ nhân dân tốt hơn. Vì lẽ đó mà nhân dân thờ phụng họ với lòng biết ơn và tự giác. 

Chính vì những ý nghĩa như vậy mà tìm kiếm và mua lại các đạo sắc phong bị mất cắp là một mục tiêu của nhóm Nhân sỹ Hà Đông chúng tôi.

Khoảng hai chục năm trước, để mua một đạo sắc phong gần nhất (khoảng 100 năm tuổi) cũng phải trả trên dưới mười triệu đồng một đạo. Có những đạo sắc phong phải mua tới hai, ba chục triệu đồng, thậm chí nhiều hơn thế. Một trong những thành viên nhóm Nhân sỹ Hà Đông là anh Trịnh Văn Sỹ đã sưu tập được hàng trăm đạo sắc phong. Lần đầu tiên, anh Trịnh Văn Sỹ thấy người bán các đạo sắc phong thì mua bởi nhìn thấy đẹp quá và cũng biết đó là những văn bản cổ của người Việt. Anh Trịnh Văn Sỹ cũng như chúng tôi chưa biết nội dung những văn bản cổ đó là gì. Nhưng tất cả chúng tôi, khi cầm lên, đều cảm thấy có một điều gì đó uy nghiêm và linh thiêng. Vì vậy, anh Sỹ đã giữ gìn những đạo sắc phong rất cẩn trọng. Mấy năm trước, anh Sỹ mang các văn bản cổ tới Viện Hán Nôm gặp Tiến sỹ Trương Đức Quả , Ủy viên Hội đồng khoa học của Viện để nhờ xem xét. Đến khi đó, chúng tôi mới biết đó là đạo sắc phong và ý nghĩa quan trọng của nó.

Để biết các đạo sắc phong thuộc về địa phương nào, chúng tôi phải tiến hành việc giám định như giám định cổ vật và dịch nghĩa. Đồng thời chúng tôi tiếp tục tìm mua tiếp các đạo sắc phong đang trôi nổi. Công việc này cũng tốn kém không ít. Nhưng may thay trong nhóm Nhân sỹ Hà Đông có các doanh nhân và họ đã bước vào “cuộc chơi” ý nghĩa này.

Trong hai năm nay, kể từ khi chúng tôi tiến hành mua và dịch các đạo sắc phong, hai doanh nhân trong nhóm là anh Đỗ Văn Hiểu và Lê Phương Chung hàng năm đã đóng góp một số tiền không nhỏ để thực thi “sứ mệnh” này một cách âm thầm. Trong những lần tiếp xúc với đại diện một số địa phương mà sau này chúng tôi dâng tặng lại các đạo sắc phong, chúng tôi thấy họ lúng túng khi nghĩ đến việc tổ chức lễ đón nhận lại vì hầu hết các địa phương đều khó khăn. Doanh nhân Lê Phương Chung chủ động đề nghị các địa phương có khó khăn về kinh phí tổ chức thì cho biết để trợ giúp.

Gần đây, có người nước ngoài tìm mua các đạo sắc phong của người Việt. Có những người bán cho chúng tôi hỏi mua lại đạo sắc phong đã bán với giá gấp hai, ba lần chúng tôi mua trước kia. Đương nhiên là chúng tôi không bán mà càng tiếp tục tìm mua. Thật may mắn khi có các anh Trịnh Văn Sỹ, Lê Phương Chung và Đỗ Văn Hiểu đóng góp tài chính, không thì chúng tôi “lực bất tòng tâm”.

Quanh chúng tôi cũng có không ít người giàu và họ biết việc chúng tôi làm, nhưng họ chẳng mảy may quan tâm. Bởi thế, chúng tôi càng quí trọng tấm lòng và ý thức của những người như các anh. Hơn nữa, việc làm này nhiều năm nay là âm thầm. Các anh coi việc đó như là nghĩa vụ của lương tâm.

Từ nhiều năm trước, những hoạt động văn hóa mà chúng tôi tổ chức đã luôn được các anh đứng sau trợ giúp. Nhà thơ Mỹ Kevin Bowen muốn triển lãm gần 40 bức tranh chân dung vẽ các nhà văn cựu binh Việt Nam, những người đã đến nước Mỹ để nói về văn hóa, con người và đất nước mình. Đó là một bộ tranh mang ý nghĩa đặc biệt. Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam muốn có bộ tranh đó nhưng lại không có tiền. Thấy vậy, anh Trịnh Văn Sỹ và anh Đỗ Đức Hiểu đã đề nghị mua tặng bộ tranh đó với yêu cầu không được nói tên tuổi của họ. Cả doanh nhân Lê Phương Chung và Đỗ Văn Hiểu đều sở hữu một khối tài sản cá nhân đủ cho họ sống nhiều đời. Nhưng họ lại là những người luôn tìm về với những giá trị của văn hóa.

Ước mơ luôn ngự trị trong con người anh Đỗ Văn Hiểu là hai đứa con anh có lòng say mê nghệ thuật. Anh động viên các con đọc sách, học nhạc, tập vẽ. Thi thoảng gia đình anh Đỗ Văn Hiểu lại tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc tại gia. Anh Lê Phương Chung thì có một phòng nghe nhạc. Công việc làm ăn của anh Lê Phương Chung thuận lợi. Với những người kinh doanh khác thì họ tập trung hết sức để có thể kiếm lời nhiều nhất khi thuận lợi. Nhưng anh Lê Phương Chung thì lại tìm cách rời bớt để sống trong thiên nhiên và nghệ thuật. Anh không muốn bị cuốn quá sâu vào những lời lãi. Anh bảo, nếu bị cuốn vào sâu quá thì khó thoát ra được và càng bị cuốn vào sâu thì hạnh phúc lại càng dời xa.

Tôi nghĩ, có lẽ đó chính là triết lý sống của con người.

Mỗi tuần, anh em nhóm Nhân sỹ Hà Đông lại tụ tập uống cà phê và nói chuyện về nghệ thuật, văn hóa và lẽ sống. Và những doanh nhân luôn đưa ra những nhận định về hạnh phúc một cách bất ngờ nhất. Qua những câu chuyện tản mạn của họ, tôi nhận ra quan niệm của họ đã được kiểm chứng bằng chính hiện thực. Quan niệm đó là: Tinh thần và văn hóa đưa con người thoát khỏi con đường của hoang thú và dựng lên những lâu đài văn hóa kỳ vĩ của nhân loại. Cái dạ dày ngập tràn thức ăn chỉ giúp con người tồn tại như mọi thể thức sống, còn tâm hồn ngập tràn cái đẹp sẽ đưa chúng ta tới ánh sáng của hạnh phúc.

Mấy hôm trước, ông Hùng, thủ từ của xã Hương Ngải, huyện Kiến Xương, Thái Bình, gọi điện cho tôi, nói là đang rất háo hức chuẩn bị để đón nhận lại 8 đạo sắc phong của làng bị mất trộm nhiều năm nay mà nhóm Nhân sỹ Hà Đông đã mua được và sẽ dâng tặng lại cho làng.

Sắp tới đây, các doanh nhân đã góp đủ tài chính, và nhóm Nhân sỹ Hà Đông sẽ tổ chức một cuộc triển lãm và tọa đàm về sắc phong. Đây là một dịp để hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, giúp cho thế hệ trẻ nhận ra và thấm sâu hơn những yếu tố nền tảng của văn hóa dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử tổ tiên chúng ta đã làm nên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top