Aa

Những vết thương của núi

Thứ Năm, 23/08/2018 - 06:00

Giờ đây đi dọc theo Ô Quy Hồ, nhìn sang phía Phan Xi Phăng, thấy nhói lòng vì các vết loét đỏ ối nhức mắt. Chúng ta đang mất đi cảnh tuyệt sắc xanh mát mắt. Bởi thiên nhiên đâu đâu có phát triển đường xá là núi non bị rách da và nhiễm hoại.

Chỉ ít năm trước thôi, đi trên những chặng đường Tây Bắc, trải ra trước mắt là những núi đồi phủ lớp thực vật xanh mướt. Có thể rừng nguyên sinh không còn, nhưng thảm cây cỏ vẫn hồi sinh, phủ kín. Như một lớp da mịn màng.

Nhưng giờ đây, chỗ nào ta cũng thấy những vết đỏ nhức mắt. Chỗ này do xẻ núi làm đường, chỗ kia do xây dựng điểm du lịch trên tít cao, đất đá đổ xuống. Chỗ nhỏ hơn là do các vết trượt vì chặt cây rồi thả xuống.

Năm nay mưa nhiều. Núi và đồi sũng nước. Ở những vách núi đất thẳng đứng, chỉ cần một vết xẻ lộ ra đất đỏ, là rồi mưa lũ khiến cái vết xước ấy lúc đầu nhỏ, lan rộng ra. Như thể chỗ da người bị rách rồi nhiễm trùng, loang rộng. Không có cách gì hồi phục lại. Những vết đỏ loang dần, nhức mắt, núi đồi như thân thể bị thương.

Sông Nậm Na đỏ khé vết thương núi.

Sông Nậm Na đỏ khé vết thương núi.

Hãy đi dọc dòng Nậm Na. Phía bên kia, không có đường, bất cứ chỗ nào cũng thấy xanh mịn màng đều như sơn xanh phủ kín. Bên đó chỉ có đôi mái nhà, những ruộng ngô. Ngô cũng chỉ trồng nương theo núi, nên không có sạt lở. Như sự lành lặn của da thịt thiên nhiên.

Còn phía bên đây là đường đi, xẻ từ vách núi. Từ khi có đường, núi không ngừng sạt lở. Ở những chỗ sạt lở, người ta phải dùng máy ủi và máy xúc gạt đẩy khối đất đá sang bên ta luy âm, tức là lấp vào sông Nậm Na. Nhưng chỗ sạt đó như một quy luật khắc nghiệt không ngừng sạt. Rồi người ta lại gạt, tại nhiều chỗ ta luy dương càng chênh vênh hơn. Đã hình thành những nơi sạt lở triền miên. Như vết thương lở loét, đã thành hoại thư. Để tránh sạt lở thì phải làm lại ta luy nhiều tầng, phải phạt nhiều đất đá lên tận đỉnh, rồi gia cố bê tông. Nhưng điều đó quá tốn kém và không khả thi. Giải pháp bây giờ là cứ sạt lở tắc đường lại ủi. Như người ta nặn chỗ mủ mới mưng lên chỗ vết thương, nhưng không đắp được thuốc, không thể sát trùng. Có lúc đang ủi đất sạt lở tiếp bất ngờ, cuốn cả xe ủi xuống vực.

Núi đồi bị thương, bị hoại thư. Giờ có thể cả nửa quả đồi, quả núi sạt xuống bất ngờ, như chúng tôi biết tại đường đi Mường Tè mấy ngày trước.

Hãy nhìn khu trung tâm Thị xã Mường Lay. Có nhà hội trường trung tâm và những dãy nhà công sở chân núi. Nhưng để tránh sạt lở người ta phải bạt đến tận đỉnh núi và trải các thành bê tông. Mỗi lần nhìn, tôi tự hỏi cái gì tốn nhiều tiền hơn: Các dãy nhà nằm dưới chân núi có nguy cơ bị đất đá sạt xuống phá hoại, hay tấm thảm bê tông khổng lồ như cái chiếu phủ cả nửa ngọn núi?

Giờ đây đi dọc theo Ô Quy Hồ, nhìn sang phía Phan Xi Phăng, thấy nhói lòng vì các vết loét đỏ ối nhức mắt. Chúng ta đang mất đi cảnh tuyệt sắc xanh mát mắt. Bởi thiên nhiên đâu đâu có phát triển đường xá là núi non bị rách da và nhiễm hoại.

Không thể không làm đường. Cho nên xẻ núi. Và vòng tròn xẻ núi - sạt lở - gạt ủi - lại sạt lở… cứ tiếp diễn.

Nếu đi dọc đường từ Y Tý về Lào Cai, ta sẽ thấy phía bên kia biên giới, người ta làm đường cầu cạn. Bên ta thì xẻ núi. Nhưng tôi không thể nói là sao ta không làm như họ. Vì tôi tất nhiên hiểu là ta chưa có đủ tiền.

Nhưng dẫu sao vẫn thật khổ tâm và bất an. Ta sẽ tốn nhiều tiền hơn chỉ vì ta không đủ tiền làm theo cách không xẻ da thịt núi đồi ra. Có lẽ rất nhiều chục năm đường của ta làm theo cách xẻ núi luôn nguy hiểm. Luôn hỏng và phải sửa.

Tôi lo ngại những thành phố giờ đang xây lên trên sườn núi. Một khi sự lở loét đã hình thành, không biết với những biến đổi đang diễn ra trên Tây Bắc, các khu du lịch chót vót đó có an toàn không. Nhưng tôi không phải chuyên gia để phán xét điều gì.

Đã lâu, khi tôi còn là một sinh viên ở trường tổng hợp Maxcova, tôi có dự cuộc bảo vệ luận án phó tiến sỹ của một nghiên cứu sinh Việt Nam. Lâu rồi, tôi chỉ nhớ trong luận án có trình bày về việc xây dựng các công trình ở Việt Nam. Có một câu hỏi phản biện đề nghị làm rõ mức độ ảnh hưởng đến thiên nhiên, thảm sinh vật từ các công trình dạng này. Nghiên cứu sinh đã trả lời: Thảm thực vật ở Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, có tốc độ hồi sinh nhanh, nên không có nguy cơ tổn hại. Tôi nhớ rất kỹ vị giáo sư phản biện đã nổi nóng nói rằng: "Anh hiểu như thế về thiên nhiên nước anh thì thật tệ. Ngược lại, các quá trình ở thảm thực vật và ở thiên nhiên vùng nhiệt đới do diễn ra mạnh mẽ hơn nên bất cứ xâm phạm nào đều có nguy cơ tổn hại khó lường và khó khôi phục cao hơn nhiều lần so với đất nước như là nước chúng tôi".

Tôi nhớ mồ hôi túa ra từ khuôn mặt căng thẳng của nghiên cứu sinh. Tôi cũng lo sợ anh bị đánh trượt. Nhưng không, 100% thành viên Hội đồng, nghĩa là trong đó có vị giáo sư phản biện, đã bỏ phiếu ủng hộ cấp bằng Phó Tiến sỹ. Tuy nhiên, khi ra về, vị giáo sư già vẫn dứ dứ ngón tay về phía "tân Phó tiến sỹ" như cảnh cáo phải nhớ lời ông nói.

Có phải lâu nay, chúng ta cứ nghĩ núi là núi, đất đá là đất đá. Chúng ta không biết núi non cũng là cơ thể sống, có da, có thịt. Và cũng như người, mỗi chỗ toạc da, rách thịt của núi non đều có thể thành cơn bệnh hiểm nguy không cứu được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top