Aa

NVL giảm sâu trong phiên 10/5, cổ phiếu họ Vingroup giao dịch tích cực

Thứ Ba, 11/05/2021 - 06:00

VN-Index tăng điểm khá mạnh trong phiên 10/5 trước sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột. Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động phân hóa nhưng sắc đỏ áp đảo hơn.

Phiên giao dịch đầu tuần (10/5) của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận việc VN-Index tăng điểm mạnh trong khi HNX-Index tăng nhẹ còn UPCoM-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Sự phân hóa khá mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến xảy ra tình trạng cổ phiếu nào “khỏe” thì bứt phá trong khi nhiều mã lớn khác lại giảm sâu bất chấp VN-Index tăng mạnh.

Nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán và ngân hàng gây bất ngờ khi đồng loạt bứt phá trong phiên 10/5. Trong đó, TPB, NKG, VCI, MBS, FTS… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HCM tăng 6,8%, MBB tăng 5,1%, HSG tăng 6,8%, HPG tăng 3,6%, VND tăng 5,1%, ACB tăng 2,8%, HDB tăng 2,7%. Với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu thuộc 3 nhóm ngành kể trên nên đà tăng của VN-Index được giữ vững.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 10/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Một cổ phiếu cũng gây được sự chú ý rất lớn thời gian gần đây khi giá cổ phiếu lao dốc bất chấp thị trường chung diễn biến tích cực là VNM. Phiên 10/5, VNM bất ngờ tăng trần lên 93.000 đồng/cp và khớp lệnh đột biến 8,2 triệu cổ phiếu.

Trog khi đó, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như HVN, CTD, PNJ, SAB, SHB, VCS… chìm trong sắc đỏ và gây áp lực đáng kể lên đường đi của các chỉ số.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 10/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL lao dốc khi giảm đến 5,4% xuống 128.500 đồng/cp và có tác động xấu nhất đến VN-Index. Bên cạnh đó, BCM cũng giảm 1,4% xuống 55.000 đồng/cp. Chiều ngược lại, bộ ba cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VRE và VHM biến động tích cực, trong đó, VHM tăng 2,1% lên 99.100 đồng/cp và đứng thứ 4 trong số các cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến VN-Index. VRE cũng tăng 2,4% lên 31.750 đồng/cp, VIC tăng nhẹ 0,4% lên 132.500 đồng/cp. Mới đây, VIC công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ôtô VinFast. Tập đoàn đặt mục tiêu đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới. Với quyết định này, VinSmart sẽ dừng việc phát triển tivi và điện thoại di động để chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trong đó nhiệm vụ trọng điểm là cung cấp 150 tính năng Infotainment cho ôtô VinFast.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ áp đảo hơn, trong đó, các mã thanh khoản cao giảm sâu có PXL, ASM, FIT, OGC, TDH, HDC, FLC, KBC. Trong khi đó, một vài cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao vẫn tăng giá tốt như trường hợp của BII khi được kéo lên mức giá trần 8.900 đồng/cp. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, BII dự kiến phát hành 35,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn lên 932 tỷ đồng. Giá chào bán ủy quyền cho HĐQT xác định. Mục tiêu của doanh nghiệp là huy động tối thiểu 355 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH MTV Golden Paddy đầu tư nhà máy chế biến gạo (205 tỷ đồng) và góp vào Công ty TNHH Toccoo Việt Nam để đầu tư nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh (150 tỷ đồng).

Các mã như TIG, DRH, CII, HQC, HPX, KDH… cũng đều giữ được sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,77 điểm (1,43%) lên 1.259,58 điểm. Toàn sàn có 214 mã tăng, 207 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,41 điểm (0,15%) lên 280,27 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 115 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 80,84 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết gia tăng so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với 842 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.805 tỷ đồng. HQC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 26 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 10/5
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch tích cực khi mua ròng trở lại hơn 115 tỷ đồng. VHM đứng đầu danh sách mua ròng với 133,4 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của ngoại là VRE với 64 tỷ đồng. Trong khi đó, KBC, KDH, VIC và NVL đều là các cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần với diễn biến khá giống các phiên đầu tuần trước đó như 4/5, 19/4, 12/4 khi chỉ số giảm vào đầu phiên nhưng bật tăng mạnh sau đó khi lực cầu gia tăng. Điểm khác biệt là mức độ tập trung vốn của phiên 10/5 cao hơn hẳn 3 phiên trước đó khiến cho độ rộng thị trường chỉ là trung tính. Trên góc nhìn kỹ thuật, do thị trường đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 11/5, thị trường có thể sẽ giằng co và rung lắc mạnh khi mà bên ủng hộ sóng tăng 5 và bên ủng hộ sóng điều chỉnh a gặp nhau tại vùng giá hiện tại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top