Aa

Quyền được đi tiểu

Thứ Tư, 23/05/2018 - 06:00

Việc lớn chứ đâu có nhỏ. Bởi vì rõ ràng không thể nào cấm công dân đi tiểu khi họ đang ở giữa khu phố nhộn nhịp hay tại những công viên lộng lẫy đèn hoa, vì bất cứ lý do gì. Cơn buồn tiểu không chừa những nơi ấy. Nó đến lúc nào thì phải giải quyết lúc đó. Cưỡng lại còn nguy hại hơn là mắc lỗi hành chính. Đó là sự thật không cần phải chứng minh.

Một chuyện hài hước nhưng hoàn toàn có thật, kể thế này: Ông khách du lịch Tây khi trở lại Hà Nội lần hai, cứ chìa tờ giấy ra hỏi mọi người tìm về phố Cam Dai. Có lẽ lần đến đầu tiên, ông ta có kỷ niệm đặc biệt gì ở đấy chăng, nên cứ hỏi hết người này đến người khác mong được chỉ đường. Nhưng không một ai trong số những người dân Hà Nội mà ông hỏi biết phố Cam Dai ở đâu. Mãi về sau có ai đó suy ra và cứ cười ngất, cười sặc nước bọt nhưng nhất định không trả lời ông Tây kia, chấp nhận để ông ta nghĩ mình bất nhã.

Bởi vì ông Tây đã đọc dòng chữ “cấm đái” viết trên tường, cứ nghĩ đấy là tên phố, khi phiên âm sang tiếng Tây thì là “cam dai”, thử hỏi biết trả lời thế nào.

"Kim cổ giao duyên" trong giải quyết "nhu cầu" cấp bách.

Chuyện này rõ ràng là buồn cười, nhưng cười xong thì lại thấy… buồn! Buồn cho văn hóa thanh lịch Kinh kì bị mùi amoniac làm cho mất đi một phần sự tinh túy! Mỗi khi phải chạm mặt những bức tường thẫm đẫm mầu nước tiểu, khai nồng nặc, có ở khắp mọi ngõ ngách, khu chợ cóc, thậm chí tại ngay những phố trung tâm người qua lại như mắc cửi, không ai lại không thấy sộc lên óc nỗi chua chát, bực tức, muốn lôi ngay mấy kẻ (thực chất là hàng ngàn) tiểu bậy ra phạt cho trắng mắt mới hả. Thậm chí còn ước sao không làm như Singapore, Malaysia…phạt cả bằng tiền lẫn bằng roi, quất thẳng vào cái “công cụ” là thủ phạm tạo ra xú khí và gây mất mỹ quan, để lần sau thì nhớ mà chừa đi!

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại mới cạn nhẽ.

Đi tiểu là nhu cầu tự nhiên, là một chu trình tuần hoàn của cơ thể liên quan đến sự sống. Nó không còn chỉ là quyền đơn thuần. Vì thế, tạo ra chỗ đi tiểu vừa là nghĩa vụ không thể bàn cãi của chính quyền, vừa là biểu hiện của ứng xử văn hóa, tôn trọng con người của xã hội. Việc lớn chứ đâu có nhỏ. Bởi vì rõ ràng không thể nào cấm công dân đi tiểu khi họ đang ở giữa khu phố nhộn nhịp hay tại những công viên lộng lẫy đèn hoa, vì bất cứ lý do gì. Cơn buồn tiểu không chừa những nơi ấy. Nó đến lúc nào thì phải giải quyết lúc đó. Cưỡng lại còn nguy hại hơn là mắc lỗi hành chính. Đó là sự thật không cần phải chứng minh.

Có lẽ hiểu rõ điều đó, rằng không nên đặt công dân vào tình thế nếu chọn bảo vệ sức khỏe thì phải vi phạm pháp luật, mà ở đô thị của các nước phát triển, nhà vệ sinh có lẽ chỉ kém nhà hàng ăn uống về số lượng. Họ hiểu rõ rằng, có vào thì phải có ra, không thể nào khác được. Tại Hòa Kỳ, nơi tôi từng được ghé qua, hệ thống nhà vệ sinh có thể nói là dày đặc, với hệ thống biển chỉ dẫn tỉ mỉ, từ xa tới gần, để ai cũng có thể tìm thấy nơi họ muốn giải quyết nhu cầu. Thế mà nghe nói họ có một quy định rất Mỹ thế này: Một số nơi, những gia đình ở mặt phố có nghĩa vụ mặc nhiên phải cho khách, bất kỳ là ai, sử dụng nhà vệ sinh, như một thứ quyền đương nhiên?

Trở lại chuyện tiểu bậy ở ta đang là vấn nạn trong các thành phố lớn, gây nhức đầu cộng đồng. Trước hết hãy thử hỏi, một thành phố luôn có hàng trăm ngàn người lưu thông tại những khu vực nội thành, mà số nhà vệ sinh chỉ ở mức vài trăm, thì giải quyết làm sao đủ nhu cầu của người dân? Vậy nên, trước khi phạt, thậm chí phạt nặng những người tiểu bậy trên phố, chính quyền phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nhu cầu bất khả bàn cãi của họ.

Một mẫu nhà vệ sinh công cộng.

Một mẫu nhà vệ sinh công cộng.

Tiện đây tôi mạo muội xin đề xuất thế này: Ngoài việc đẩy nhanh xây thêm nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố bằng các nguồn vốn (xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, tại sao không?), cần có một hệ thống chỉ dẫn chi tiết bằng biển báo (có thể kết hợp với các biển báo có sẵn), để dù ở bất cứ điểm nào, người dân cũng biết nhà vệ sinh gần nhất nơi chỗ họ đang có mặt nằm cách bao xa, từ đó họ có thể lượng định việc đáp ứng nhu cầu. Thậm chí nên có hẳn cả một bản đồ hướng dẫn tìm nhà vệ sinh, dưới dạng các pano đặt tại ngã tư, trên vỉa hè, hoặc có thể tra trên điện thoại thông minh. Việc này hoàn toàn khả thi mà lại vô cùng văn minh.

Nhà văn TẠ DUY ANH

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top