Aa

Biển báo giao thông

Thứ Tư, 20/06/2018 - 06:00

Hệ thống biển báo rõ ràng là phải tuân theo một quy chuẩn về mặt kỹ thuật, thẩm mĩ nào đó. Tôi không rõ ở Việt Nam thì bộ quy chuẩn ấy nghiêm ngặt đến đâu, do ai quản lý và giám sát? Chỉ thấy, so với cách thức chỉ đường ở các nước khác, kể cả những nước sêm sêm chúng ta về trình độ phát triển, thì hệ thống biển báo giao thông Việt Nam thuộc loại tùy tiện, tùy hứng và nhiều tức cười nhất.

Có lẽ do còn nghèo, mà từ lâu chúng ta cứ quên rằng, hệ thống giao thông đường bộ luôn phải bao gồm những con đường và hệ thống biển báo. Vì thế, số người đòi hỏi, than thở về chất lượng con đường thì nhiều, nhưng không mấy ai lên tiếng về hệ thống biển báo thiếu thuận tiện, thiếu khoa học ở khá nhiều nơi. Và khi mà “thượng đế” không cảm thấy bức xúc, thì hoặc là những người có trách nhiệm lờ đi, hoặc chủ đầu tư chả tội gì mà tốn thêm tiền.

Hệ thống biển báo rõ ràng là phải tuân theo một quy chuẩn về mặt kỹ thuật, thẩm mĩ nào đó. Tôi không rõ ở Việt Nam thì bộ quy chuẩn ấy nghiêm ngặt đến đâu, do ai quản lý và giám sát? Chỉ thấy, so với cách thức chỉ đường ở các nước khác, kể cả những nước sêm sêm chúng ta về trình độ phát triển, thì hệ thống biển báo giao thông Việt Nam thuộc loại tùy tiện, tùy hứng và nhiều tức cười nhất.

Tôi sẽ dẫn chứng bằng một số ví dụ.

Bạn chỉ cần chịu khó đi vài con phố ở Hà Nội, bạn sẽ thấy những biển báo “đánh đố” sau:

Cấm cãi.

Cấm cãi.

Có những biển báo, để đọc hết nội dung, người tham gia giao thông phải dừng lại ít nhất là một phút (trong khi chỉ cần 10 giây là có thể gây ùn ứ phía sau), bởi nó dày đặc chữ. Thế thì còn gì gọi là biển báo nữa, khi mục đích của nó là phải cực kì dễ hiểu, để người tham gia giao thông không bị phân tâm.

Có những biển báo mà nếu là người nước ngoài thì không biết đi thế nào. Chẳng hạn như biển báo cấm xe taxi. Hình thì cấm ô tô, thuộc loại kí hiệu quốc tế, nhưng nội dung phải chấp hành thì lại thuần túy tiếng Việt là chỉ cấm xe taxi và xe hợp đồng. Trong khi tôi được biết, hình xe taxi thuộc loại hình ảnh phổ thông nhất trên toàn cầu?

Tiện thể nói luôn, sự kết hợp hình ảnh là một lợi thế quan trọng của biển báo chỉ đường, đặc biệt khi những hình ảnh ấy đã quen thuộc với mọi người như máy bay, nhà ga, sân vận động hay taxi như vừa nêu... Vậy mà trên suốt cả tuyến đường trên cao vành đai ba, tất cả những biển chỉ hướng đi Nội Bài, vốn đã khá thưa, lại chỉ ghi bằng tiếng Việt mà không khôn ngoan như Tây là thêm hình chiếc máy bay đang cất cánh? Nào có tốn kém gì đâu mà đỡ bao nhiêu là công sức quan sát cho người đi đường.

Chú ý.

Chú ý.

Tôi xin tiếp tục ví dụ:

Bạn đi ô tô mà bất ngờ rẽ từ một đường ngách nào đó ra con đường số năm cũ, bạn sẽ vô cùng lúng túng không biết xe của mình được đi với tốc độ tối đa là bao nhiêu? Có cảm giác những người đặt biển báo mặc định là mọi người “đều đã biết rõ” đoạn nào trên con đường này được đi tốc độ bao nhiêu. Thế là đành dò dẫm đi cầm chừng cho đến khi nào gặp biển báo. Trong khi đó ở nước ngoài, biển cho phép tốc độ tối đa, ngoài ghi rõ trên hệ thống biển báo chính thức, luôn có những biển phụ nhỏ (và đẹp) gắn dọc theo con đường.

Bạn đi Nội Bài qua hướng cầu Đông Trù thì hãy cẩn thận, bởi trên toàn tuyến đường Trường Sa, có duy nhất một biển báo bé tẹo chỉ lối rẽ đi Nội Bài. Sau biển báo (tôi nhắc lại: bé tẹo) là lối rẽ ngay? Chỉ cần nhãng ý một chút là xe bạn sẽ vọt qua và nếu không muốn mua đường thì phải quay lại rất nhiêu khê. Chưa nói đến chính những cú giật mình đó là nguyên nhân của khá nhiều tai nạn. Một con đường huyết mạch như vậy, dẫn ra một sân bay lớn như Nội Bài, mà hệ thống biển báo lại sơ sài đến thế?

Đó chỉ là một vài ví dụ dễ thấy mà người viết tận mắt chứng kiến (Bạn không tin thì cứ kiểm chứng). Còn biết bao sự bất cập, ngớ ngẩn khác gắn với hệ thống biển báo đập vào mắt người tham gia giao thông hằng ngày thì không ai có thể thống kê hết. Đó chính là tai nạn giao thông tiềm ẩn cho mỗi chúng ta nhưng luôn bị dễ dãi bỏ qua.

Chúng ta đang phấn đấu và đưa ra đòi hỏi về một xã hội có tính chuyên nghiệp cao. Đó là đòi hỏi đúng đắn và cấp bách. Tôi tán thành cả hai tay. Nhưng chỉ nhìn vào hệ thống biển báo giao thông, một việc rõ ràng là nhỏ, thì mục tiêu chúng ta muốn tới còn xa lắm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top