Mự Ngụ và o Kén là đôi bạn thân con chấy cắn đôi, từ thời cả hai còn cởi truồng, chưa biết mặc mấn.
O Kén là con mệ Lụa, nhà ở xóm Bãi. Nghe nói ngày xưa, thời thanh nữ, mệ Lụa đẹp lắm. Đẹp như thế nào tôi không biết vì lúc đó bố mẹ tôi cũng chỉ mới là những đứa con nít. Đến thời chúng tôi đội mũ rơm đi học thì mệ Lụa đã già, nhưng trong tâm trí tôi, chưa thấy ai trong làng đẹp lão, hiền từ, phúc hậu… như mệ Lụa.
Dân làng tôi đa phần làm ruộng. Ruộng khô thì trồng ngô khoai, ruộng nước thì trồng lúa, chỉ vài nhà trồng dâu nuôi tằm kéo tơ bán về chợ Ba Đồn. Khi Nhà nước hô hào hợp tác hóa, cả làng nhất loạt tham gia. Nhà mệ Lụa cũng vô hợp tác xã. Nhưng cả đời mệ chỉ biết trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ… Đến như con cái của mệ cũng đặt tên là Tằm, là Kén. Việc cày bừa cấy hái với mệ, hoàn toàn xa lạ. Vì vậy tuy vô hợp tác xã, nhưng mệ Lụa vẫn lẳng lặng một mình một nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ bán cho kẻ nôốc Hạ Bạn. Trong con mắt của dân làng, nhất là của những người như đồng chí Dượng Mẹt Lê, thì mệ Lụa là thành phần chậm tiến, mần ăn cá thể, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mự Ngụ và o Kén đều là đoàn viên tích cực ưu tú. Cả hai phấn đấu trầy trật bao năm vẫn chỉ là đối tượng cảm tình. Mự Ngụ khi thì can tội bất tuân lạnh đạo, khi thì dấm dúi nghe đài địch, không ưa việc chi thì quẹt khu tau ẻ! O Kén không ương bướng như mự Ngụ, ngược lại rất ngoan ngoãn, được lòng đồng chí Dượng Mẹt Lê. Nhưng mấy lần họp hành xét lên xét xuống, o Kén vẫn không được vì gia đình thành phần kinh tế tư nhân, mần ăn cá thể…
Tháng Tư năm ấy, đang giữa mùa tằm ăn rỗi thì mệ Lụa qua đời, gần như đột tử. Đang đêm, mệ kêu váng trôốc (nhức đầu), hoa mắt, đau bụng… rồi nôn thốc nôn tháo. Người nhà bế lên võng khiêng về trạm xá, nhưng mới được nửa đường thì mệ tắt thở ngay trên võng…
Mệ Lụa qua đời, nhà không ai trồng dâu nuôi tằm kéo tơ nữa. O Kén càng tích cực phấn đấu và ngày càng tiến bộ. Trong khi mự Ngụ vẫn chứng nào tật nấy không chừa. Hôm giỗ đầu mệ Lụa, đồng chí Dượng Mẹt Lê tửu nhập ngôn xuất, đã bóng gió kín hở thông báo, trường hợp o Kén sắp được thông qua. Thật là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí!
Mự Ngụ vẫn cặm cụi công việc thường ngày. Một hôm, đài tút tút nhạc hiệu "Vì nhân dân quên mình”, mự Ngụ mới sực nhớ chiều nay bỏ quên cái “bao bốn túi” trên đống rơm giữa sân kho hợp tác xã. “Bao bốn túi” là loại bao có hàng chữ Tàu “Trung hoa nhân dân cộng hòa quốc đại mễ” (gạo Trung Quốc) gồm bốn lớp nilon rất hiếm, dùng đựng khoai deo thì tuyệt vời mà tách ra che mưa cũng hết ý. Mự Ngụ quày quả ra nhà kho, đến gần đống rơm thì nghe có tiếng trai gái đang rúc rích hú hí… Mà hình như chúng đang ngồi trên cái “bao bốn túi” của mự. Mự lom khom tiến đến nấp sau đống rơm. Phía bên kia, đôi trai gái vẫn hồn nhiên rúc rích hú hí: "Cái tay ni của ai? Của em chơ của ai! Cái má ni của ai? Của em chơ của ai! Rứa hai cái trấy ni của ai? Hihi… Cho dượng nha? Hihi… Rứa cái mu ni của ai? Hihi… Cho dượng nha? Hihi…"
Cơ chừng kiểu ni thì hi hi hú hí suốt đêm. Mự Ngụ liền đứng phắt dậy nói to: "Của dượng hết thảy! Nhưng cái "bao bốn túi" là của tui!"
Hai bóng người vùng chạy ra phía sau nhà kho. Mất hút. Mự Ngụ vòng sang cầm cái bao bốn túi, đập bộp bộp mấy phát phủi bụi rồi quày quả trở về. Câu chuyện đêm đó chỉ có trời đất, đống rơm và mự Ngụ biết.
Mấy tháng sau, o Kén được chuẩn y rồi được rút lên xã. Vài năm sau thì lên huyện. Rồi được cử đi học một năm trường chi đó ngoài Thuận Thành, Hà Bắc. Rồi về tỉnh công tác. Rồi nghỉ hưu tại Huế…
Ngót nghét nửa thế kỷ đã trôi qua…
Hơn chục năm trước, xã tôi được tuyên dương Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày đón nhận danh hiệu vẻ vang, xã mời con em thành đạt khắp nơi về dự lễ. O Kén sang trọng trong bộ áo dài tím Huế, ngồi chiễm chệ trên hàng ghế chủ tịch đoàn. Mự Ngụ cùng dân làng ngồi bệt dưới đất, ngửa mặt nhìn lên khán đài nghe lạnh đạo lần lượt kính thưa từng quý vị đại biểu. Có người chõ sang trêu mự Ngụ, nói ngày xưa mự chịu khó phấn đấu như o Kén, thì chừ cũng được ngồi trên nớ…
Mự Ngụ đứng phắt dậy phủi khu ba bốn phát, nói phấn đấu như răng chơ phấn đấu như rứa, tau ẻ!
Rồi mự quày quả cắp nón ra về, y hệt như năm xưa cầm cái bao bốn túi bỏ quên bên đống rơm ở nhà kho hợp tác xã…/.