Aa

Thì còn có trời...

Thứ Năm, 24/06/2021 - 07:00

Lúc đó, tôi đáp lại lời cô sãi: “Dạ vâng, thưa cô. Xưa nay, tôi vẫn cố gắng để sống được như thế đấy ạ!”.

Có một hôm thư thái, về làng, đi loanh quanh, rồi ngồi trò chuyện với cô sãi già ngoài sân chùa làng. Cô sãi nhìn ngắm mấy cái cây tôi mang từ Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và Chùa Vàng Chùa Bạc (Campuchia) về chùa làng trồng. Mấy cái cây ấy khi trồng thì nhỏ tí, mà giờ đã lên rất cao, tỏa bóng mát xuống sân chùa và con đường vào chùa. Nhìn cây rồi cô sãi chăm chú ngó vào tôi và nói: “Tôi xem ra anh có căn số Phật. Cứ yên tâm mà sống. Ai quý mến, yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ với mình, dù nhỏ, cũng đừng quên. Ai xấu, ai đểu thì chả cần phải nhớ. Còn kẻ nào ác quá, đểu quá với anh, thì đã có trời phạt”. Cô sãi này học hành lõm bõm, chữ nghĩa không mấy, thế mà nói với tôi như một nhà thông thái, thành ra tôi chú ý và nhớ mãi. Lúc đó, tôi đáp lại lời cô sãi: “Dạ vâng, thưa cô. Xưa nay, tôi vẫn cố gắng để sống được như thế đấy ạ!”.

Nhân chuyện căn số, lại nhớ, hồi tôi còn trẻ, chuẩn bị từ núi rừng Sơn La xuống Hà Nội nhập học trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Không biết ông bố tôi gặp được ở đâu một ông thầy tử vi, liền nhờ xem cho tôi. Trước khi đi học, bố đưa cho tôi tờ tử vi vẽ đầy cung sao lằng nhằng, lại thêm bài thơ dài đính kèm luận về tử vi của tôi và bảo: “Trong này ghi rõ mệnh của con. Tất nhiên còn phải xem mình cố gắng được đến đâu và trời có phù trợ cho không nữa. Con cầm lấy, mang theo, khi nào tiện thì đọc, rồi ngẫm nghĩ mà xem nhé”.

Ngày đó, tôi còn đang rất trẻ, đang phơi phới, nghĩ gì đến số mệnh đâu. Lại đọc bài thơ, thì thấy câu đầu đã chả đúng, nói tôi là kẻ văn nhân, mà tôi thì đang chuẩn bị đi học ở trường kỹ thuật, sau này sẽ thành kỹ sư, nên càng không chú ý mấy. Cũng có lúc rảnh rỗi, tôi đã từng xem lại mấy lần tờ tử vi và bài thơ này, rồi để thất lạc đi đâu đó, chả buồn tìm lại. Bài thơ luận giải rất dài, tôi chỉ nhớ năm, sáu câu đầu thôi. Sau này, đã trải nghiệm khá nhiều chuyện nhọc nhằn, rồi luận giải ra từ mấy câu còn nhớ ấy thì lại thấy, thật đúng với đời mình:

          “Kẻ này là giống văn nhân

          Lên xe xuống ngựa áo quần bảnh bao

          Chốn vương giả nơi gian lao

          Thể nào cũng dẫn chân vào dạo chơi

          Cỗ vinh cơm tủi ở đời

          Sa vào đâu cũng có người có ta”.

Ảnh minh họa

Có một nhà thơ trẻ làm biên tập, gọi điện bảo tôi gửi cho một chùm thơ để đăng trên tạp chí “Văn nghệ quân đội”, lại dặn, trong chùm thơ dứt khoát phải có bài “Nhớ phố” nhé. Bài thơ này tôi viết khi đang xơi cơm tủi. Nghĩ cũng hay hay. Có kẻ quyền chức to vật vã, ngang ngửa thiên hạ, mới vừa xơi cơm tủi chưa bao lâu, đã cất lời thảm thương xin nọ xin kia. Tôi thì lại làm thơ... Tôi gửi bài thơ ấy trong chùm thơ, nghĩ chắc gì tạp chí in được đâu. Nhưng rồi lại nghĩ, sao không in nhỉ? Thơ ấy có thể chưa hay, nhưng cổ vũ con người ta sống, buồn mà không chán, dù trong hoàn cảnh thế nào cũng có sức bền nội tâm. Thế là góp vào bồi đắp nhân văn, chứ còn gì nữa…

Đến khi tạp chí in ra, thấy bài thơ được xếp đầu tiên trong chùm thơ ba bài của tôi. Sướng hơn có tiền ngàn bạc vạn! Bài thơ này mới đây còn in trong tập thơ vừa xuất bản của tôi. Tôi xin được chia sẻ ở đây với mọi người…

NHỚ PHỐ

“Xa khuất rồi phố xá đông vui 
Biền biệt luôn những tiếng nói cười…” 
Anh bạn nằm sàn khe khẽ hát 
Mắt đăm đắm tường trần trắng lóa màu vôi

Câu hát đỡ ta ngồi lên nhớ phố 
Nắng mỏng lắm chỉ như là cảm thấy 
Dù phố chẳng xa vời phố ở cạnh đây thôi 
Nếu dài tay ra ta hấng chút là đầy 

Ngọn gió cũ từng tràn trề rộng mở
Sao lúc này thèm chạm nhẹ gió ơi 
Sau mấy lần cửa khép 
Sau mấy bức tường kia là bát ngát khung trời 

Ta như thấy cây bàng già góc phố 
Lá đỏ hây hây trong mưa buốt ngày hàn 
Chẳng mấy nữa sẽ đến mùa lộc mới 
Liệu có kịp cho ta vươn tay hái đôi nhành

Ta đã biết lộc bàng xanh thật khỏe 
Sắp bất thần trổ mạnh cuối mùa xuân 
Giờ ta biết lộc bàng không chỉ đẹp 
Nếu ta được ra gần ta sẽ hái ta ăn… 

Bao phố xá thân quen suốt đời xanh tuổi trẻ 
Dọc những con đường ta đã sải chân qua
Phố hiểu thế phả chút mùi thật nhẹ 
Cho ta thở căng tràn xua ăm ắp tối tăm xa…

Tháng 11/2016./. 
 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top