Trưa, chúng tôi đến thăm một vài gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Gia đình đầu tiên mà chúng tôi đến chỉ còn mấy em nhỏ mồ côi. Bố ung thư mất cách đây hai năm. Người mẹ một mình tần tảo hôm sớm thay chồng gánh vác gia đình, chăm lo các con. Vậy mà nghiệt ngã thay, căn bệnh ung thư tìm đến, hành dạ, dày vò cơ thể. Chị đã trút hơi thở cuối cùng cách đây mấy ngày, bỏ lại 4 đứa con thơ bơ vơ trong căn nhà lạnh lẽo trống vắng. Đứa lớn đã từng vào Sài Gòn mưu sinh, chị kế cũng vừa tốt nghiệp ĐH. Em trai năm nay vào 12 và em gái út đang học lớp 6. Mất bố mất mẹ là cái mất lớn vô cùng không có gì thay thế được. Nhìn mấy chị em trong căn nhà trống vắng, lạnh lẽo tôi nghẹn ngào chẳng biết nói gì. Chỉ mong các bé cố gắng, vượt qua số phận, nâng đỡ nhau để trưởng thành và vững bước đi vào cuộc đời. Mong có những bàn tay từ cuộc đời nâng đỡ để bớt đi phần nào những bơ vơ cơ cực của các em..
Theo một hướng khác, vẫn trên con đường đất nằm giữa cánh đồng và mương nước, chúng tôi đi vào con đường đất lớn hơn. Có lẽ từ ngày có bước chân chúa Nguyễn Hoàng vào đây đến giờ nếu không nói là từ ngàn xưa, dân chúng nơi đây vẫn đi lại trên con đường đất này. Đây là con đường liên xã, nối liền 3 xã: Hải Xuân, Hải Quy và Hải Vĩnh. Gặp một số người tôi kể với họ là vẫn có những con đường liên xã ở quê tôi là đường đất, họ không tin. Tất cả giao thương buôn bán đi lại về huyện lỵ Hải Lăng và học sinh đi học đều phải đi trên con đường này. Đến mùa mưa thì sình lầy và hố voi to. Do xe chở vật liệu, loại xe tải nhỏ chạy qua nên đường xá sình lầy hư hại nặng nề.
Căn nhà thứ 2 nằm ven sông Vĩnh. Dọc đường liên xã này là một căn nhà có cháu gái bị tâm thần, mẹ hở van tim, bố đã mất. Căn nhà được xây dựng do hội Chữ Thập Đỏ cất tặng. Trong nhà chẳng có lấy thứ đồ đạc gì giá trị. Xót lòng trước cảnh mấy mẹ con lay lắt rau cháo nương vào nhau.
Nhà thứ ba là một cháu trai mười mấy tuổi bại não và bị liệt từ trong bào thai, do di chứng những ngày tháng bố đi bộ đội. Bố mẹ đi làm, không dám để con trên giường sợ té nên để nằm trên sàn cho cháu út nhỏ tuổi trông. Đã mười mấy năm trời cậu bé cứ nằm như vậy, mọi sinh hoạt đều không thể làm. Cứ lăn qua lăn lại với khuôn mặt ngô nghê và ánh mắt vô hồn dưới manh chiếu trải giữa nhà và có khi thì chỉ nằm không như thế. Mẹ cha đau lòng nghĩ đến con thì thắt ruột gan, cuộc sống đã nghèo lại thêm khó, đã nhọc nhằn lại thêm những khổ đau.
Căn nhà xác xơ dưới cái nắng chiều gay gắt làm tăng thêm vẻ tàn hại thảm thương. Chúng tôi tiếp tục…
Nhà thứ 4 là một bé gái tuổi Canh Dần, cháu sinh năm 2010 bị rối loạn nhãn cầu, mắt nháy liên tục và hoàn toàn không thấy gì. Bố đi phụ thợ hồ và làm thêm ít ruộng. Nhà có mẹ già với 3 cháu kể cả cháu bị mù. Nhìn thấy răng cháu bị hư, tôi hỏi, mẹ cháu trả lời là do không nhìn thấy nên hay ngã té, có lần té đau bị dập mặt làm hư cả hàm răng.. Có thể, thị lực của cháu vẫn còn khả năng phục hồi. Tuy nhiên, gia cảnh quá khó khăn nên chẳng thể đưa con đến bệnh viện. Nhìn cháu bé hồn nhiên mà nghe trong lòng xót xa.
Chúng tôi trở về. Con đường làng quanh co quen thuộc như xa xăm và cái nắng trở nên gắt bỏng hơn. Không gian xung quanh cũng như chùng xuống giữa những dòng tâm tưởng. Mong rằng sẽ có những tấm lòng cảm thông cùng với những mảnh đời bất hạnh này, sẽ có những bàn tay của mọi người đưa ra để nâng đỡ, sẻ chia và cứu giúp cho các em. Chỉ một việc tốt nhỏ nhoi thôi cũng có thể đem lại sự thay đổi rất lớn. Và mỗi người góp sức 1 chút thôi cũng đủ bớt đi bao nhiêu gánh nhọc nhằn, bao nhiêu nước mắt và mang tới thật nhiều những ấm áp, những hy vọng cho 1 ngày trong tương lai.
Tôi chia sẻ với chị Dung, nếu có lòng thực sự cảm thông đến bao kiếp sống đang thiếu quá nhiều may mắn để vươn lên tối thiểu cũng lo được cho chính mình miếng ăn hàng ngày - chỉ cần chúng ta bớt chút đỉnh trong tiêu xài của mình, chúng ta giúp được nhiều người ở đây rồi.
Chỉ cần mỗi người mỗi ngày có 1 vài phút với tâm niệm thiện mà biết ý thức về sự cho đi, nghĩa là nhiều niềm vui mới sẽ có mặt và hạnh phúc được biểu hiện nhiều thêm.
Trao pháp nuôi tâm đáng quý vô cùng, nhưng cho thức ăn nuôi thân cũng là vô cùng quan trọng. Miễn là việc tốt, việc thiện lành, chúng ta cho đi nhưng sẽ nhận lại được nhiều hơn. Đó là hạnh phúc khi giúp đỡ được cho tha nhân, là nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ và sự biết ơn của những người làm cha, làm mẹ còn đang trong cảnh vất vả khó nghèo, còn bệnh tật dày vò.
Được có cơ hội làm việc tốt, việc thiện, đó chính là phước báu.
Vui mừng ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy mừng vui:
Người làm điều thiện ở đời
Thấy chân hạnh phúc khắp nơi theo mình