Aa

Phát triển đại đô thị: Cơ hội nhiều, thách thức vô cùng lớn

Thứ Ba, 14/07/2020 - 10:00

Mặt tích cực của xây dựng đại đô thị là đẩy nhanh quá trình phát triển đồng bộ, hiện đại, tuy nhiên gắn với nhiều rủi ro nếu chỉ phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn.

Đó là quan điểm của ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản về xu hướng phát triển thị trường trong chặng đường tới.

PV: Thị trường bất động sản vừa đi qua chặng đường 10 năm, ông nhận thấy thị trường đã trưởng thành thế nào?

Ông Trần Minh Hoàng: Quy mô được mở rộng, trải dài trên phạm vi toàn quốc không chỉ Hà Nội và Sài Gòn.

• Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tỷ đô xuất hiện với năng lực phát triển đô thị không thua kém các doanh nghiệp tầm cỡ trên thế giới về bất động sản.

• Nắm bắt và làm chủ công nghệ, doanh nghiệp Việt có khả năng xây dựng công trình hàng trăm tầng, hàng ngàn ha.

• Thị trường phát triển mạnh từ nhà ở thấp tầng sang cao tầng với sản phẩm nhà ở chủ lực là chung cư (trên 90%), nhà ở phát triển mới.

• Xuất hiện và phát triển mạnh một số phân khúc bất động sản mới như Condotel, bất động sản nghỉ dưỡng, góp phần phát triển mạnh ngành du lịch, các khu du lịch đẳng cấp quốc tế.

• Hệ thống dịch vụ, phân phối, môi giới, quản lý bất động sản phát triển ngày một chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao không thua kém các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục là một thị trường có tính minh bạch kém, luật pháp, thủ tục đầu tư phức tạp, chồng chéo, nhiêu khê có tính rủi ro cao.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp phát triển bất động sản cạnh tranh thiên về năng lực quan hệ, chạy thủ tục, xin dự án hoàn tất thủ tục pháp lý hơn là cạnh tranh về năng lực về phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Chưa có chính sách, khuyến khích phát triển được nhà ở đại chúng, giá cả phù hợp với thu nhập đáp ứng cho đại đa số người dân.

Chưa xây dựng được thị trường tài chính nhà ở lãi suất thấp kỳ hạn dài đáp ứng, hỗ trợ cho nhu cầu vay mua nhà của người dân và phát triển nhà ở. Nguồn vốn vẫn phụ thuộc ngân hàng thương mại kỳ hạn ngắn và lãi suất cao gây rủi ro cho cả người mua nhà và hệ thống ngân hàng khi có biến động về giá và thị trường.

Việc phân phối, bán nhà, môi giới bất động sản vẫn được quản lý quá lỏng lẻo, thiếu vắng thông tin chính thống là mảnh đất màu mỡ cho lừa đảo, trốn thuế, đồn thổi, làm méo mó sai lệch thông tin để trục lợi gây hệ quả tổn thất tài chính rất lớn cho xã hội, người dân.

Hệ thống hạ tầng đô thị yếu kém, xuống cấp, thiếu tầm nhìn quy hoạch. Phát triển nhà ở chưa đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội dẫn đến ngập lụt, ô nhiễm, kẹt xe, quá tải… chưa đáp ứng chất lượng sống cho cư dân đô thị.

PV: Gần đây, các chủ đầu tư thường có xu hướng xây dựng những dự án lớn tới hàng trăm, hàng nghìn héc ta, những đại đô thị với đầy đủ tiện ích. Đây có phải là xu hướng chủ đạo trong những năm sau này?

Ông Trần Minh Hoàng: Xu hướng xây dựng các đại đô thị chắc chắn sẽ là xu hướng chủ đạo trong những năm tới đây, tuy nhiên xu hướng này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với thị trường bất động sản.

Mặt tích cực là đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, thẩm mỹ, hạ tầng phát triển, tuy nhiên gắn với nhiều rủi ro nếu xu hướng này chỉ do một số doanh nghiệp lớn phát triển.

Ở Việt Nam số doanh nghiệp có kinh nghiệm và có khả năng phát triển thành công đại đô thị hiện chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp, trong đó Phú Mỹ Hưng là doanh nghiệp thành công nhất nhưng quy mô đô thị phát triển dự án cũng chỉ 500ha và đã xây dựng suốt gần 20 năm.

Phát triển đại đô thị không chỉ là phần cứng mà còn phải là phần mềm về dịch vụ, tiện ích, cộng đồng, xã hội. Đồng thời, đại đô thị phải đáp ứng, giá cả phù hợp cho đại đa số cư dân, nếu không khéo sẽ tạo nên các đô thị không người ở hoặc dở dang gây lãng phí khủng khiếp và khủng hoảng xã hội, tài chính như đã xảy ra tại một số nơi trên thế giới từ cách làm võ đoán, chủ quan, duy ý chí.

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM).

Nhà nước cần cầm cái trong xu hướng này, thu hút cộng đồng nhiều doanh nghiệp cùng tham gia phát triển đại đô thị sau khi quy hoạch kỹ lưỡng, tránh việc phó thác hoàn toàn cho một vài doanh nghiệp làm mất đi tính cạnh tranh và lãng phí nguồn lực xã hội.

PV: Theo ông, ngoài xu hướng phát triển các đại đô thị, những xu thế nào sẽ trở thành chủ chốt trong những năm tới?

Ông Trần Minh Hoàng: Bên cạnh việc phát triển các đô thị lớn thì việc tin học hoá, ứng dụng công nghệ trong xây dựng nhà ở, quản lý đô thị và các dịch vụ chia sẻ văn phòng, nhà ở cũng là một xu hướng lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Đô thị, toà nhà thông minh, văn phòng chia sẻ, dịch vụ Airbnb nhà ở… sẽ là các xu hướng lớn trên thị trường bất động sản những năm tới đây.

PV: Sau mỗi biến cố bao giờ cũng là một lần vượt qua và tái cấu trúc mạnh mẽ. Ông nhận định thế nào cho chặng đường 5 - 10 năm tới của bất động sản sau biến cố năm Covid-19 này?

Ông Trần Minh Hoàng: Một số thay đổi trong luật đầu tư mới sửa đổi đã mở ra hướng đi mới cho phương thức phát triển bất động sản từ căn bản dựa trên quan hệ chuyển sang căn bản dựa trên năng lực phát triển và tiềm lực tài chính, mở ra tính cạnh tranh mang tính thị trường hơn giúp minh bạch thị trường bất động sản.

Các doanh nghiệp tiếp tục lớn mạnh và thị trường phát triển nhà ở cạnh tranh khốc liệt, chỉ dành cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính rất mạnh, tính chuyên nghiệp cao, chuyên sâu về bất động sản.

Cạnh tranh giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển, định hình cơ cấu lại mạng lưới sản xuất, cung ứng toàn cầu mở ra một thời kỳ phát triển mạnh cho thị trường bất động sản trên mọi phân khúc, đặc biệt là bất động sản công nghiệp, nhà ở, văn phòng, dịch vụ thương mại.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top