Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành Vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Sản xuất vật liệu xây dựng có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cùng với các giải pháp về đầu tư khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực…, thì Nhà nước cần điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050 đã được xây dựng với các quan điểm phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đều cho rằng, mặc dù ngành Vật liệu xây dựng những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập, trong đó, vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách là một trong những vướng mắc “cản” bước phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, TS. Võ Quang Diệm - Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam nhìn nhận, cơ chế, chính sách sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển của ngành Vật liệu xây dựng. Hiện nay, chính sách cho phát triển vật liệu xây dựng nói chung vẫn còn nhiều lỗ hổng, ví dụ như chính sách về sử dụng amiăng trắng có kiểm soát chưa được ổn định, khiến cho doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng mà không dám đầu tư đổi mới công nghệ. Vì vậy, Nhà nước cần sớm có sự phân loại rõ ràng từng loại vật liệu xây dựng được phép và không được phép sản xuất, tiêu thụ, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đưa ra dự báo trung - dài hạn đối với từng loại vật liệu xây dựng, tránh trường hợp để doanh nghiệp đầu tư tràn lan lãng phí mà hiệu quả không cao…
Riêng đối với sản phẩm vật liệu xây dựng xanh (cụ thể là vật liệu xây không nung), một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung cũng khá lúng túng khi thiếu chính sách triển khai cụ thể. Chẳng hạn, theo Quyết định 452/QĐ-TTg (Quyết định 452) của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này sẽ được ưu đãi về thuế, lãi suất...
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đến nộp hồ sơ để vay vốn ưu đãi thì ngân hàng cho biết do chính sách mới, sản phẩm tiêu thụ còn khó khăn, nên ngại cho vay. Ngoài ra, thuế đất đối với các đơn vị này cũng chưa được giảm theo quy định do chưa có hướng dẫn chi tiết.
Hơn nữa, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Quyết định 452, doanh nghiệp được ưu đãi, nhưng thực tế, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung hiện chưa được hưởng chính sách này, khiến doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư, sản xuất.
Ngoài Quyết định 452, trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 24a/QĐ-TTg năm 2016 về quản lý vật liệu xây dựng, trong đó dành 1 chương quy định về chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể hơn về những hỗ trợ và ưu đãi đầu tư với loại vật liệu này.
Đồng quan điểm trên, đại diện các Hội, Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường…