Chi đầu tư chậm trễ vì vướng mắc trong quy định của pháp luật
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã gửi văn bản giải trình đến các ĐBQH về các vấn đề nêu ra tại thảo luận tổ vừa qua. Sáng nay, với 12 ý kiến liên quan đến tình hình thực hiện, quản lý thu chi ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách năm 2025, ông Hồ Đức Phớc cũng lần lượt giải trình.
Đáng chú ý là vấn đề chi đầu tư và chi thường xuyên chưa phân bổ hết và giải ngân chậm. Bộ trưởng, Phó Thủ tướng cho biết, theo quy định của Quốc hội, phải có đầy đủ thủ tục thì mới được phân bổ ngân sách. Trong khi đó, với những dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hầu như chưa có dự án đầu tư công được phê duyệt. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách.
Đối với chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán, đơn giá, định mức được duyệt. Tuy nhiên, trong thời gian lập dự toán vào tháng 9, 10, gần như các bộ ngành, cơ quan chưa lập được dự toán chính xác, mà chỉ căn cứ vào đầu việc để ước tính. Vì vậy, sau này khi đưa ra con số dự toán chính xác lại phải trình qua Chính phủ, Quốc hội. Đó là vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện nay, dẫn đến việc chi thường xuyên chậm trễ.
Trước tình trạng đó, Thường trực Chính phủ đã họp bàn về giải pháp đổi mới vấn đề phân bổ ngân sách, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, về chi thường xuyên, sau khi Quốc hội đã phê duyệt, sẽ giao xuống các tỉnh, các tỉnh giao cho bộ ngành phân bổ theo đúng quy định. Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại việc thực hiện có đúng hay không.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, có một vướng mắc là sau khi giao ngân sách một lần, có ý kiến cho rằng, thẩm quyền phân bổ ngân sách là của Quốc hội, chứ không phải của Chính phủ.
"Nhưng chúng tôi hiểu đây là thẩm quyền của Chính phủ. Vì theo Hiến pháp, Quốc hội chỉ được chi những khoản có trong dự toán, và phân bổ ngân sách ở mức tổng thể. Còn việc điều hành và quản lý dự toán giao cho Chính phủ. Nếu chúng ta đồng thuận về mặt tư duy như vậy thì việc chi ngân sách sẽ trôi chảy", ông Phớc nói.
Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, Phó thủ tướng cho rằng, trước đây, chúng ta chủ yếu tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách và các mua sắm nhỏ.
Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên. Đặc biệt, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trong những năm 2009 - 2011, Chính phủ đã thực hiện việc này. Đến nay, việc này được tái khởi động lại, tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển.
"Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu", ông Phớc thông tin.
Thu tiền sử dụng đất chậm là do xác định giá đất tiến hành chậm
Giải trình vướng mắc trong thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá, thủ tục này "không có gì phức tạp", vì xác định xong giá đất thì căn cứ vào thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận giá đất và gửi về cho người sử dụng đất thực hiện. Còn nguyên nhân chậm là do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Cho nên, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, nợ tiền sử dụng đất của cả nước đang chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước. Đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc.
"Mặc dù lần sửa đổi Luật Đất đai vừa rồi, chúng tôi có kiến nghị vấn đề này nhưng Luật chưa sửa được. Chúng ta đang tư duy ngược. Chúng tôi tư duy thế này, khi quy hoạch đã được phê duyệt và dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì căn cứ vào đó, chúng ta tính giá đất. Tính giá đất xong thì trong vòng 180 ngày thì giao đất trong phạm vi giá đó và khoảng thời gian giá đất có hiệu lực. Nhưng Luật Đất đai 2024 vẫn giữ nguyên quy định giao đất xong mới tính tiền đất. Khi doanh nghiệp đã cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không nộp tiền. Tiền phạt chậm nộp vẫn thấp hơn lãi đi vay ngân hàng nên doanh nghiệp chấp nhận không nộp. Nếu doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì tiền sử dụng đất đã thu nhưng không nộp về cho nhà nước. Đây là vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết", ông Hồ Đức Phớc nêu vấn đề.
Với ý kiến cho rằng chúng ta đang thất thu ngân sách, ông Hồ Đức Phớc giải trình, 4 năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp gần 800.000 tỷ đồng, đồng thời tăng chi ngân sách.
Riêng thu ngân sách qua 4 năm đã vượt thu gần 1 triệu tỷ đồng. Với số tiền gần 1 triệu tỷ đồng, chúng ta mới có để làm đường giao thông, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng và chi an sinh xã hội.
Liên quan đến vướng mắc thiếu đất để san lấp, theo ông Phớc, đó là do theo quy định, đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Để giải quyết, cần sửa đổi quy định cho phù hợp. Hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, và đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này./.