Aa

"Quan thì xa bản nha thì gần"

Chủ Nhật, 14/05/2017 - 22:00

Trái với quy luật đạo lý từ xưa nay, “bản nha” UBND Quận Thủ Đức gần nhưng không gần, không hiểu dân và đứng về phía lợi ích của người dân? Họ "nhiệt tình" đến bất ngờ khi ban hành các quyết định cưỡng chế, khiến người dân mất đất, mất nhà trong dự án Vạn Phúc Riverside do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) làm chủ đầu tư tại đây.

Doanh nghiệp chưa thương lượng , chính quyền ra tay cưỡng chế?

Dự án Vạn Phúc Riverside là dự án kinh doanh, theo quy định thì Công ty Vạn Phúc phải đứng ra bồi thường, thỏa thuận giá đất với dân sao cho thật thoả đáng và không gây quá nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi, xáo trộn cuộc sống của người dân.

Được biết, dự án Vạn Phúc Riverside có tổng diện tích khoảng 198 ha, chia làm sáu dự án thành phần. Trong đó, ba dự án thành phần thỏa thuận bồi thường được khoảng trên 85%, nhưng ba dự án còn lại chỉ đạt trên khoảng 60%.Trong khi đó, báo cáo UBND TP. HCM, UBND quận Thủ Đức vẫn cho rằng dự án có tỷ lệ đất đền bù khá cao. Các hộ dân còn lại không hợp tác hoặc đòi bồi thường giá rất cao, chủ đầu tư không đáp ứng nổi.

Dự án Vạn Phúc Riverside.

Dự án Vạn Phúc Riverside.

Theo ông Nguyễn Văn Láng (ngụ phường Linh Tây, quận Thủ Đức) cho biết, năm 2002, gia đình ông sở hữu gần 11.000 m2 đất ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Đến năm 2006, có thông tin quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước do Công ty Vạn Phúc làm chủ đầu tư nên toàn bộ phần diện tích đất của ông cùng gần 700 hộ dân khác nằm trong diện quy hoạch.

Trong thời gian này, người dân không thấy chủ đầu tư đến thương lượng đền bù thì đến giữa năm 2011, UBND quận Thủ Đức ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và thu hồi đất đối với hộ ông Láng với giá 150.000 đồng/m2 và vận động chủ đầu tư hỗ trợ thêm 750.000 đồng/m2. Ông Láng cùng các hộ khác không đồng ý vì giá đất đền bù quá thấp so với giá đất khu vực đang giao dịch trên thị trường.

Cũng theo người dân, tại thời điểm này, họ cũng thuê một số công ty thẩm định giá độc lập khác thẩm định thì cho ra giá thị trường từ khoảng 3 triệu - gần 5 triệu đồng/m2. Vì thế, ông Láng mới đề nghị được bồi thường với giá 4,5 triệu đồng/m2.

Ngay sau đó, ông Láng đã gửi đơn khiếu nại, đề nghị chủ đầu tư phải đứng ra thỏa thuận bồi thường. Và chính quyền sở tại đã vận động chủ đầu tư hỗ trợ thêm 250.000 đồng/m2. Khoảng 1 năm sau UBND quận Thủ Đức ra quyết định bồi thường, hỗ trợ thêm cho ông Láng khoảng 3.8 tỷ đồng đối với tổng diện tích đất trên. “Đây là dự án kinh doanh địa ốc không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, do đó, không lý do gì mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận với dân mà quận đã ra quyết định áp giá đền bù, buộc dân giao đất. Đáng lẽ UBND quận Thủ Đức phải tiến hành chủ trì buổi thỏa thuận bồi thường giữa chủ đầu tư và các hộ dân có đất nằm trong dự án quy hoạch”, ông Láng nói.

Đáp lại sự mong chờ của người dân vào sự công minh của chính quyền thì cuối năm 2012, UBND quận Thủ Đức tiếp tục ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông Láng. Sau khi nhận được Quyết định cưỡng chế của quận thì ông Láng tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến UBND TP.HCM. Trong lúc chờ lãnh đạo thành phố giải quyết thì UBND quận Thủ Đức tổ chức cưỡng chế ép ông giao đất cho Công ty Vạn Phúc làm dự án.

 Doanh nghiệp hay chính quyền áp giá đền bù cho người dân?

Theo UBND quận Thủ Đức, mức giá bồi thường cho hộ gia đình ông Láng là dựa trên cơ sở thẩm định giá của Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và dịch vụ tài chính. Được đơn vị thẩm định giá thẩm định theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đơn vị thẩm định giá trên không phải do cơ quan Nhà nước chọn mà do chính Công ty Vạn Phúc thuê để áp giá đền bù người dân?

Một số nơi vẫn chưa được đền bù tại Dự án Vạn Phúc Riverside.

Một số nơi vẫn chưa được đền bù tại Dự án Vạn Phúc Riverside.

Phóng viên Reatimes đã nhiều lần liên lạc công ty Vạn Phúc làm việc nhưng không nhận được câu trả lời với lý do lãnh đạo đi vắng.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Quang Phước - Trưởng Ban bồi thường quận Thủ Đức cho biết: “Đây là dự án kinh doanh nhưng nhà nước lại lập phương án bồi thường, thu hồi đất, ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, ban hành đơn giá, như vậy thì ngay từ bắt đầu triển khai dự án đã có sự tác động vai trò của nhà nước trong dự án này. Đây là khu vực quận Thủ Đức xác định là khu vực phát triển đô thị, nếu dự án triển khai vào thời điểm này thì nhà nước cũng can thiệp thu hồi đất, bởi vì với quy mô trên 150 ha là nhà nước có thể can thiệp. Tại thời điểm thu hồi đất, nếu ông Láng chấp nhận thỏa thuận 2 triệu đồng/ m2 thì chủ đầu tư cũng đồng ý bồi thường, nhưng vì không chấp nhận nên quận lấy khung giá nhà nước áp dụng”.

Thế nhưng, khi chúng tôi yêu cầu ông Phước cung cấp văn bản chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường với mức giá trên với ông Láng thì ông Phước không đưa ra được văn bản? Liên quan đến vụ việc, vừa qua, Văn phòng UBND TPHCM ra văn bản số 1233/VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến giao Thanh tra TP kiểm tra làm rõ vụ việc, trình UBND TP xem xét.

Ngoài ra, dự án khu đô thị Hiệp Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) có quyết định giao đất cho Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 làm chủ đầu tư vào năm 2004. Khi giao đất, UBND TP đã nêu rõ “Sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TP để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án thành phần”.

Tuy nhiên, sau đó Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 chậm thực hiện, UBND TP đã chuyển lại cho Công ty Vạn Phúc làm chủ đầu. Đến nay Công ty Vạn Phúc vẫn chưa hoàn thành thỏa thuận đền bù, giải tỏa với người dân, chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng... nhưng trên mạng internet đang có rất nhiều thông tin rao nhà, đất với giá từ 6,4 tỷ - 6,8 tỷ đồng/căn (diện tích khoảng 110 m2/căn).

Theo Luật sư Đoàn Việt Thắng (đoàn luật sư tỉnh Ninh Thuận), theo quy định, dự án bán nhà phố hoặc nền đất phải hoàn thành quy hoạch tổng thể mặt bằng; hoàn thành giải tỏa, đền bù; hoàn thành cơ sở hạ tầng: đường sá, vỉa hè, điện, nước, chiếu sáng... mới được bán. Khách hàng mua những dự án chưa hoàn thành các hạng mục trên nguy cơ sẽ không được cấp giấy chứng nhận chủ quyền.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top