Tình trạng sạt lở trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và các phân lưu đang diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây khiến người dân ven sông quanh năm thấp thỏm, lo lắng. Để ứng phó, người dân thường trồng các hàng tre sát bờ là có thể hạn chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này cũng không chịu đựng trước "cơn cuồng nộ" của sông.
Dai dẳng xói lở
Đứng trước nhà, chỉ tay về phía mấy gốc tre do mình trồng để giữ đất đang vật vờ giữa dòng sông Thu Bồn, bà Nguyễn Thị Hai (67 tuổi, trú xã Duy Thu, H. Duy Xuyên) cho hay: "Nhà tôi giờ chỉ cách mép sông chừng 20m và sông đang âm ỉ sạt lở. Nếu cứ cái đà này, không quá hai mùa lũ lớn nữa, căn nhà sẽ đổ sập xuống sống. Cứ vào mùa mưa lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên".
Tình trạng sạt lở bờ sông cũng khiến nhiều người nông dân xót xa khi nhiều diện tích đất canh tác của mình nằm sâu dưới dòng nước. Ông Võ Tấn Kiệt (trú xã Duy Thu) cho biết, trước đây ở khu vực này bãi bồi cách vị trí mép sông khoảng vài chục mét, nhưng từ khoảng 2 - 3 năm trở lại đây thì hiện tượng sạt lở đã "nuốt chững" nhiều héc-ta đất bồi. Do đó, người dân lo lắng và không dám đầu tư mạnh vào sản xuất bởi rủi ro rất cao.
Theo ông Kiệt, năm nay gia đình dự định dự định sẽ xây nhà ở trên mảnh đất ven sông, nhưng kế hoạch bất thành do ông không thể an cư lâu dài trên nền đất luôn bị sạt lở uy hiếp.
"Tình trạng sạt lở diễn biến nhanh, phức tạp trong vài năm gần đây nên chúng tôi rất lo lắng. Giờ cũng không dám trồng hoa màu sát sông nữa chứ đừng nghĩ đến chuyện xây nhà ở", ông Kiệt nói.
Ngược qua sông Vu Gia, nhiều năm nay, người dân ở thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, H. Đại Lộc) cũng cùng chung cảnh thấp thỏm lo âu với tình trạng sạt lở bờ sông. Theo người dân địa phương, tình trạng trên đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì gia tăng với tốc độ ngày càng nghiêm trọng.
Đơn cử như vào tháng 10/2022, ảnh hưởng của mưa bão kèm dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây sạt lở nặng, khoét sâu vào làng, nuốt chửng hơn 3ha đất sản xuất. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương tiến hành khắc phục kè tạm bằng bao cát, một số khu vực trọng yếu được kè rọ đá để giữ mái chống xói lở tạm thời. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tính lâu dài cho người dân thì cần phải làm kè bê tông kiên cố.
"Mọi năm, không cần lũ, chỉ có mưa lớn là tôi lại lo sợ vì có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Đất sản xuất mất thì mình kiếm chuyện khác làm nhưng căn nhà tích góp bao năm mới xây dựng được giờ đang nằm trước miệng "hà bá" thế này khiến tôi mất ăn mất ngủ. Năm nay có kèm tạm cũng đỡ lo nhưng chưa biết trụ được đến bao giờ", bà Huỳnh Thị Mai (trú thôn Phú Nghĩa, Đại An) nói.
Theo thống kê, trên toàn lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, con số sơ bộ cho thấy sạt lở thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống của hơn 19.500 hộ dân dọc bờ sông và khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có hơn 1.200 hộ dân với khoảng 4.600 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao do sạt lở bờ sông.
125 tỷ đồng làm kè chống sạt lở
Biến động thiên tai cùng với một số tác động của con người khiến lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn bị "tổn thương". Tình trạnh sạt lở, người dân mất đất canh tác, nhà cửa bị uy hiếp đã đặt ra nhiều thách thức trong việc ứng phó. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 2 dự án kè, chống xói lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 125 tỷ đồng để bảo vệ "mạch máu" của xứ Quảng.
Theo đó, dự án kè chống xói lở 2 bên bờ sông Vu Gia (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, H. Đại Lộc) dài khoảng 1,12km; trong đó đoạn kè bờ tả dài khoảng 270m; sửa chữa đoạn kè bờ tả khoảng 550m, xây mới đoạn kè bờ hữu dài khoảng 300m. Tổng mức đầu tư là 64,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Thu Bồn (khu vực xã Duy Thu và xã Duy Tân, H. Duy Xuyên) (giai đoạn 2) sẽ xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ hữu sông Thu Bồn dài khoảng 2.600m, kết cấu kè mỏ hàn bằng đá hộc. Tổng mức đầu tư là 60,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Trao đổi với Reatimes về tác động tích cực của dự án kè sông Vu Gia, ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An (H. Đại Lộc) cho hay: "Chính quyền địa phương cũng như đông đảo người dân rất vui mừng, hạnh phúc khi dự án kè sông Vu Gia được phê duyệt. Dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng sạt lở bao năm nay, người dân thoát cảnh chạy lũ, chạy bão, yên tâm làm ăn sinh sống. Ngoài ra, dự án cũng sẽ giúp công tác phòng chống thiên tai ở địa phương đỡ áp lực hơn so với mọi năm".
Trong khi đó, thông tin với PV Reatimes, ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam - chủ đầu tư hai dự án kè sông Vu Gia - Thu Bồn, cho hay sau khi được phê duyệt, đơn vị đã tiến hành các bước thủ tục tiếp theo để sớm triển khai 2 dự án trên. Dự kiến đến tháng 7 này đơn vị sẽ thực hiện thi công. "Sau khi hoàn thành, các dự án nêu trên sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xói lở bờ sông bảo vệ tính mạng, tài sản, đất canh tác và các công trình hạ tầng ven sông; góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án", ông Điềm chia sẻ.