Aa

Quảng Nam kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2 khu tái định cư vùng sạt lở, lũ quét

Thứ Tư, 02/11/2022 - 12:48

UBND tỉnh Quảng Nam vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 160 tỷ đồng để xây dựng 2 khu tái định cư phục vụ việc di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Qua rà soát, đánh giá mức độ cấp bách cần phải di dời, bố trí ổn định dân cư tại nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khu vực thường xuyên bị thiên tai uy hiếp, từng bước ổn định đời sống dân sinh, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất 2 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai cấp bách.

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam thường xuyên đối mặt với nguy cơ lũ quét, sạt lở vào mùa mưa bão.

Đó là dự án Di dời khẩn cấp Khu dân cư tổ Đàng Nước, tổ Đàng Bộ, tổ Mậu Cà và các khu vực lân cận thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) và dự án Di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xã Phước Thành (huyện Phước Sơn).

Đối với dự án Di dời khẩn cấp Khu dân cư tổ Đàng Nước, tổ Đàng Bộ, tổ Mậu Cà và các khu vực lân cận thị trấn Trà My, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc đầu tư xây dựng nhằm di dời khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cũng như ổn định sản xuất và đời sống lâu dài cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở lớn của thị trấn Trà My và các khu vực lân cận; đảm bảo điều kiện cần thiết về vật chất, tinh thần cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới là cần thiết và cấp bách.

Đây là dự án đã được Đoàn công tác liên ngành của Trung ương (gồm đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, khảo sát ngày 6/7/2022. Dự án có quy mô 9,8ha, đáp ứng bố trí tái định cư cho 300 hộ.

Dự án đầu tư xây dựng giúp cho người dân tại tổ Đàng Nước chạy dọc theo phía Tây suối Chợ yên tâm sinh sống, sản xuất và đảm bảo đủ điều kiện để thu hút, khuyến khích cộng đồng các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt, sắp xếp lại các khu dân cư hợp lý, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương, tạo động lực cho phát triển vùng trong thời gian đến; góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị trong khu vực.

Dự án bao gồm các hạng mục như san nền; đường giao thông; hệ thống thoát nước; nạo vét, khơi thông dòng chảy và kè chống sạt lở bờ suối Chợ; cấp điện, nước, chiếu sáng công cộng và các hạng mục phụ trợ khác. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 120 tỷ đồng và được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023.

Đối với dự án Di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xã Phước Thành (huyện Phước Sơn), UBND tỉnh Quảng Nam cho biết dự án thực hiện để di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất núi, sạt lở bờ sông suối, lũ ống, lũ quét thuộc thôn 4, thôn 2 và các thôn lân cận của xã Phước Thành bố trí tái định cư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định sản xuất, đời sống lâu dài cho các hộ dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện sắp xếp lại các khu dân cư hợp lý, an toàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương.

Dự án có diện tích khoảng 2,5ha, đáp ứng bố trí tái đinh cư cho 60 hộ với các hạng mục như san nền; đường giao thông kết nối với tuyến chính và nội bộ; hệ thống thoát nước; cấp nước sinh hoạt; cấp điện sinh hoạt và một số hạng mục phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 40 tỷ đồng và dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023.

Toàn bộ nguồn vốn để thực hiện 2 dự án kể trên được đề xuất từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Lý giải về vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết dự toán dự phòng ngân sách địa phương năm 2022 là 350 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh là 172,78 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện (bao gồm ngân sách cấp xã) 177,22 tỷ đồng. Đến ngày 20/10/2022, đã sử dụng 45,73 tỷ đồng, dự phòng còn lại chưa sử dụng là 127,05 tỷ đồng. Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh còn lại (127,05 tỷ đồng) dự kiến sử dụng trong những tháng cuối năm cho các nội dung: Chi hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), một số đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hỗ trợ chi phí có liên quan cho đối tượng cách ly tập trung theo quy định tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh; chi hỗ trợ dự phòng, dịch bệnh và đặc biệt là khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 5 gây ra. Vì vậy, nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh không đảm bảo khả năng bố trí cho 2 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai cấp bách nêu trên.

Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông

Ngày 27/10, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc).

Bờ sông Quảng Huế đoạn qua xã Đại An (H. Đại Lộc) sạt lở nghiêm trọng (Ảnh: Hạ Vĩ)

Từ cuối tháng 9 đến nay, trải qua các đợt thiên tai làm cho tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa (đã bị sạt lở từ cuối năm 2020) tiếp tục diễn ra, cuốn trôi đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 3ha), nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống gần bờ sông. Bên cạnh đó, sạt lở gần sát móng 2 trụ điện đường dây trung thế, có nguy cơ ngã đổ sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản và ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc và vùng lân cận. Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục gây diễn ra trong phạm vi khoảng 500m.

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giao Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc tiếp tục huy động lực lượng phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó. Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn trên tuyến.

Cung ấp lương thực, thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân (nếu có). Tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu để hạn chế tình trạng sạt lở ở những vị trí tiếp theo, nhất là các đoạn có nhiều hộ dân đang sinh sống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân. Thường xuyên cập nhật tình hình sạt lở và mức độ ảnh hưởng, báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các ngành liên quan để theo dõi, chỉ đạo.

Đặc biệt, tùy theo tình hình thực tế tại hiện trường để tiếp tục tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”.

Quảng Nam là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn về dân sinh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tại các huyện miền núi, nhất là ở 6 huyện miền núi cao, do địa hình rất phức tạp, có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, các khu dân cư ở chân núi, lưng chừng núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất cao, các khu dân cư ở khu vực trũng thấp thì nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối; nhiều điểm dân cư ở địa bàn rất khó khăn, không có điều kiện để đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top