Ngày 12/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nghe báo cáo về những khó khăn, thảo luận, cho ý kiến các giải pháp.
Vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có một số vướng mắc trong công tác bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB). Đa số dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong quá trình triển khai gặp khó khăn nên chậm tiến độ, hết tiến độ dự án như vướng mắc về GPMB. Các dự án này khi không được gia hạn tiến độ thì không thể tiếp tục triển khai, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ phá sản.
Đáng chú ý, có nhiều dự án trong danh sách vi phạm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong quá trình Đoàn kiểm tra 908 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) làm việc, do đó không giải quyết được thủ tục gia hạn khi chưa có kết luận chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành thông báo số 581, trong đó không yêu cầu phải thu hồi dự án vi phạm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đấu thầu lại, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch khắc phục số 133.
Ngoài ra, một số dự án kinh doanh bất động sản du lịch, nhất là khu vực ven biển từ Điện Bàn đến Hội An, mặc dù đã được triển khai nhưng còn vướng mắc trong BT, GPMB một phần diện tích và thực hiện các thủ tục đầu tư với bộ, ngành Trung ương kéo dài nên cũng chậm tiến độ. Ban cán sự đảng cũng đề nghị Thường trực, Ban Thường vụ thống nhất thực hiện gia hạn các dự án và giải quyết đối với từng nhóm dự án theo Kế hoạch khắc phục 133 đã ban hành.
Hiện toàn tỉnh có 80 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được giao đất, nhà đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có 11 dự án nhà ở do chủ đầu tư tự thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất không đúng quy định và 31 dự án có điều chỉnh giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định. Để khắc phục sai sót, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định lại giá đất cụ thể của các dự án để trình thẩm định, phê duyệt.
Tránh đùn đẩy, né tránh và không hợp thức hóa sai phạm
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, cho biết thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên nhận được những đơn thư, kiến nghị của doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn.
Việc này đặt ra yêu cầu bức xúc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, làm sao tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường hoạt động thông thoáng nhất, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định, phục hồi, phát triển.
"Khi DN ăn nên làm ra sẽ DN đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Lúc DN khó khăn thì cần vào cuộc, tránh đùn đẩy né tránh; tránh tình trạng giữ mình an toàn từ phía cơ quan nhà nước, tạo rào cản đối với DN. Tháo gỡ khó khăn nhưng không hợp thức, không lặp lại cái sai đã được chỉ ra, tìm cách tháo gỡ để tránh lãng phí, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước, đúng thẩm quyền", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, nhấn mạnh.
Ông Triết yêu cầu hội nghị cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để tìm cách gỡ khó cho DN theo đúng quy định. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì bàn bạc tháo gỡ, nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương thì tiếp tục kiến nghị. Sau hội nghị sẽ xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng cơ quan để thực hiện, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương.
"Phải tạo ra sự chuyển biến, phải hành động, có hướng đi cụ thể để tháo gỡ. Việc tháo gỡ khó khăn cho các DN không thể giải quyết rốt ráo trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian dài.Tuy nhiên, các cấp, các ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để đồng hành, tạo niềm tin cho DN, để DN yên tâm, tin tưởng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh", ông Triết yêu cầu.
Lại có thêm doanh nghiệp bất động sản là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương "kêu cứu"
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành, địa phương có liên quan tập trung giải quyết, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương.
Trước đó, Tập đoàn Đạt Phương đã có đơn kiến nghị gửi đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam về việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại ở các dự án mà doanh nghiệp (DN) triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo Tập đoàn Đạt Phương, DN này đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm, đầu tư nhiều dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư các dự án hơn 6.300 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân gần 4.800 tỷ đồng.
Trung bình giai đoạn từ năm 2018-2022, công ty đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 160 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, DN đang gặp phải những vướng mắc mà chưa được tháo gỡ.
Đối với dự án Khu đô thị Cồn Tiến (TP. Hội An), Tập đoàn Đạt Phương đề nghị tỉnh sớm bàn giao mặt bằng, sớm xác định giá đất để hoàn thành dự án theo tiến độ được gia hạn tới cuối năm 2024.
Với dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (huyện Thăng Bình). Tập đoàn Đạt Phương đã bỏ ra hơn 254 tỷ đồng để GPMB 127,29ha/154ha (tương đương 83%). Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án này được đưa ra khỏi danh mục hoàn trả cho dự án BT cầu Đế Võng.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Đạt Phương đã đồng thuận hoàn trả dự án từ năm 2021. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày thu hồi dự án, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có chủ trương, định hướng giải quyết phần chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra trong nhiều năm qua, điều này khiến DN gặp khó khăn về áp lực tài chính và ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, tại hai dự án Khu đô thị Võng Nhi và Khu đô thị Đồng Nà (TP. Hội An) đã hoàn thành đưa vào sử dụng, DN đã hoàn thành các thủ tục và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay còn khoảng 20% người mua nhà của dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.
Tập đoàn Đạt Phương cho rằng cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam tiếp nhận hồ sơ nhưng không giải quyết và đưa ra các lý do không có cơ sở pháp lý cụ thể, gây hiểu lầm và bức xúc cho khách hàng sở hữu nhà ở tại 2 dự án và tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện của người dân với chủ đầu tư dự án.
"Chính vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kính mong các cơ quan ban ngành sớm tập trung chỉ đạo, xem xét các đề xuất, tháo gỡ những vướng mắc để DN có thể quay trở lại ổn định sản xuất, yên tâm đầu tư kinh doanh lâu dài trên địa bàn tỉnh" trích đơn kiến nghị.