Liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 20/5/2024, tổng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 1.078 tỷ đồng (chỉ đạt 13% dự toán, bằng 52% cùng kỳ). Một số địa phương đạt thấp như: Hạ Long (8%); Cẩm Phả (4%); Vân Đồn (3%); Đầm Hà (4%)…
Số tiền nợ thuế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất toàn tỉnh đến ngày 30/4/2024 còn lớn, nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất kéo dài qua nhiều năm. Việc xác định đơn giá thuê đất, chuyển đổi hình thức từ giao đất sang cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng mặt đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh còn chậm…
Một số nguyên nhân được đưa ra tại cuộc họp như việc xác định giá đất gặp khó khăn trong việc thuê đơn vị tư vấn; các địa phương xây dựng danh mục dự kiến thu tiền sử dụng đất không khả thi do chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, cũng do những vướng mắc trong quy định về định giá đất; trong việc xác định lãi suất ngân hàng; việc xác định chi phí đầu tư dự án làm căn cứ định giá đất; do công tác quy hoạch và tác động từ thị trường bất động sản năm 2024.
Phát biểu kết luận tại phiên giải trình, bà Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND tỉnh phải triển khai đồng bộ các giải pháp, nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm cao nhất hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2024 được Trung ương, HĐND tỉnh giao; khắc phục những hạn chế và triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các Nghị quyết, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh duy trì họp hội đồng thẩm định giá đất tỉnh định kỳ mỗi tháng 2 lần để giải quyết các vướng mắc, nâng cao chất lượng, tiến độ quản lý, xây dựng giá đất, thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt đất, mặt nước.
Các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ liên ngành hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, xác định giá thu tiền sử dụng đất của các dự án trong năm 2024.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, tổng hợp các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, các dự án điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa xác định giá đất để có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xác định, trình phê duyệt giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất để người nộp thuế kịp thời thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, rà soát các dự án có sử dụng mặt đất, mặt nước, kiên quyết đề xuất thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo đúng quy định. Đổi mới phương thức lập, xây dựng dự toán. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất.
Rà soát các hợp đồng thuê đất, xác định lại giá thuê đất đối với các hợp đồng đến hạn đảm bảo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ các điều kiện để miễn, giảm tiền thuê đất của các dự án sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh.
Đối với UBND các địa phương, tiếp tục tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát về diện tích, thủ tục pháp lý, tình trạng sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất đối với các trường hợp sử dụng đất theo hồ sơ và tại hiện trường.
Bên cạnh đó, rà soát các dự án giao đất nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền GPMB đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện phê duyệt quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền làm căn cứ xây dựng kế hoạch khi thu, khi chi ngay tại thời điểm xây dựng dự toán ngân sách hàng năm.
Các địa phương quan tâm đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, lựa chọn các dự án đảm bảo đầy đủ các quy định về quy hoạch, đầu tư khi xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2025.