Aa

Rau trên sân thượng

Thứ Hai, 13/04/2020 - 07:00

Không mơ biến nó thành vườn rau đủ chủng loại mà cái chính là nó vừa đẹp, có màu xanh, như hoa ấy, nhưng hoa màu xanh, lại thi thoảng ngắt một ít làm gia vị, làm rau...

Rau trên sân thượng thì chả có gì mới. Các gia đình ở các đô thị lớn đã thực hiện từ hồi tám hoánh. Có nhà biến cái sân thượng mấy chục mét vuông thành hẳn cái vườn với um tùm rau các loại, có cả giàn bầu, giàn mướp, đậu cô ve các loại nữa. Nghe kể kỳ công lắm. Ra bãi sông lấy đất phù sa, về mua phân hữu cơ trộn, rồi... thuê người vác lên sân thượng. Rồi thiết kế cả hệ thống tưới. Rồi còn phải nghiên cứu sao cho mưa thì nước thoát nhưng đất và phân ở lại. 

Mỗi thứ một tí, đúng nghĩa tự cung tự cấp, trồng gì ăn nấy, thích ăn gì trồng nấy, có giống gì trồng thứ nấy. Ăn không hết thì... đem cho. Cái này nó giống anh đi câu ấy, khổ quá bằng xem bóng thời... Nguyễn Công Hoan. Lọ mọ 3, 4 giờ sáng dậy, nai nịt rồi ôm đồ nghề đi. Mùa hè còn đỡ, mùa mưa lạnh mới khổ. Bì bõm suốt cả ngày, trưa ăn cơm nắm, nước chai, tối lọ mọ run rẩy về, đổ uỵch mớ cá ra, vợ thở dài: "Lại phải đi cho". 

Là đi câu khổ thế không ngại nhưng ngại nhất là về phải đi cho, vì ăn không thể hết. Gặp con cá to lại phải cắt khúc rồi bê cho từng nhà. Mà nào có phải như nông thôn, đầu làng cuối xã hú cái là tới, đây xách xe ra, có khi cả chục cây số. Thì rau cũng như thế. Ăn không hết thì cho. Nhưng cái thú là, của mình làm ra, ở phố mà khi ăn nhảo cái lên gác, hoặc ra cái sân tí hin đằng trước, hái ngay thứ mình cần vào. Chỉ là quả ớt, lá rau thơm, mấy cọng hành, mấy lá sung, cành đinh lăng... nhưng mà nó sướng!

Nhà tôi không rộng. Chiều ngang 4,5 mét, chiều dài 80 mét, có sân thượng nhưng cái thang leo lên chỉ dành cho người mạo hiểm, mà nhà tôi thì chả ai mạo hiểm. Nhưng lại có cái ban công gác 2, nhô ra tầm nửa mét. Ôi giời, thay vì mình nhênh nhang ngồi đấy ngắm phố thì chịu khó thu lại một tí, dành chỗ cho mấy... hộp xốp, cả mấy cái vỏ thùng sơn nữa.

Nói tí về mấy cái thùng. Nó là thùng sơn thôi. Thằng bạn khéo tay đổ một lớp xi măng dưới đáy để chứa nước, có đục lỗ để tự thoát khi đầy, phía trên đổ đất, phân các loại... rồi trồng cây vào. Loại này dùng để trồng hoa, như hồng thân gỗ, rất đẹp. Cái chính là, nó luôn luôn giữ ẩm mà lại không sợ úng.

Rau tầng thượng vẫn mùa nào thức nấy (Ảnh: Tổng hợp)

Trồng gì. Thì là những gì nhà hay ăn thôi. Không mơ biến nó thành vườn rau đủ chủng loại, mà cái chính là nó vừa đẹp, có màu xanh, như hoa ấy, nhưng hoa màu xanh, lại thi thoảng ngắt một ít làm gia vị, làm rau.

Có một cây chanh, lá tốt và nõn. Nhà tôi mà ăn gà là phải có lá chanh. Phía Nam hay ăn gà luộc với... rau răm. Gà luộc, phải có nhúm lá chanh thái khéo loăn xoăn như sợi thuốc lào rắc lên trên nó mới mọi nhẽ. Chưa kể cái món chấm gà ấy cũng phải có lá chanh. Tiết gà luộc giã với muối hạt với lá chanh, tức dùng nó chấm nó, vừa dân giã lại vừa nồng nã. Xứ Nghệ có hai món đáng ăn nếu ghé về thăm, một là cháo lươn thần thánh và hai là gà xáo lá chanh. Giờ dân Nghệ đi đâu cũng tha hai thứ ấy theo để thỏa nỗi nhớ quê và cả... thèm quê. Nhưng lươn thì phụ thuộc vào nguồn gốc, nghe nói cứ phải lươn ở chính đồng đất ấy nó mới mọi nhẽ, nên món này khó du cư như người. Còn gà thì không cần gà gốc mà là cách nấu gốc. Gà xáo lá chanh là món của dân xứ Nghệ, ăn cơm cũng được mà nhậu cũng xong. Thì gà cứ phải gắn với lá chanh như chú với thím, như áo với quần (dù có lúc có áo không quần hoặc ngược lại), như dép với chân, như đầu với... tóc.

Dân Huế có món gà xé phay cũng thần thánh, chỉ có rau răm và rau răm trong trường hợp này cũng gắn với gà xé hơn chú với thím. Nhưng tôi làm, kể cả khi về Huế, làm giỗ, vẫn phải có thảng hoặc vài sợi lá chanh lẫn vào đâu đấy, không thấy nhưng có hương, khiến người ăn (là dân Huế xịn) cứ phải ngập ngừng, rằng có cái gì mà... mênh mang thế, mà tuyệt vời thế, mà mê đắm dấm dứt thế...

Giờ cây chanh ở một góc trên ban công nhà tôi nó rất mướt, nhìn thấy là nghĩ ngay tới... thịt gà, dù nói thật, lâu rồi, gà không còn là món khoái khẩu của tôi nữa. Tôi giờ thích những thứ "giản dị" như cua, ốc, hến, nếu là bò thì là cuống tim, dạ sách, móng đuôi, nếu cá là cá lòng đong, kho khế hoặc nghệ... Vì thế tôi bê cái cây chanh ấy xuống, để trước cửa nhà để mọi người đi qua... ngắm. Mà không chỉ ngắm, nhiều người nhìn thấy cây chanh xong bèn... mua gà về xơi và sang xin lá chanh. Thì mục đích tôi bê cây chanh xuống chỉ để thế mà.

Chưa hết, lại còn có một thùng xốp mùng tơi. Nhưng luôn luôn thiếu... cua với cà muối, những thứ giờ là giấc mơ của cư dân ở phố. Lại nhớ nhà thơ Hoàng Trần Cương có câu thơ: "Mảnh đất nghèo mùng tơi chưa kịp rớt", té ra nghĩa của nó khác. Nó không phải là quả hay lá mùng tơi, mà nó là cái cổ áo tơi mà dân Nghệ Tĩnh một thời dùng như là... đặc sản, cái cổ áo tơi ấy gọi là cái "mùng", chứ cây mùng tơi này không liên quan gì. Nhưng thời học cấp 1, tôi và thế hệ mình từng phải trồng mùng tơi để lấy hạt bóp ra làm mực viết. Mới đến thế chứ chưa phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng...

Ngày xưa chỉ thấy mẹ nấu canh mùng tơi, bà còn dặn, là rau dền và mùng tơi không được cho mỡ vào, sẽ đau bụng. Ôi mẹ ơi, sau mới biết, khổ quá, mỡ quý hiếm nên mẹ dặn thế, chứ mùng tơi xào tỏi cũng... "rộn ràng" ra trò!

Nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với cua, tất nhiên nếu có cua...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top