Dịch Covid đang ngày càng là một... thực thể hiện hữu.
Nói thế là bởi, tôi, và khá nhiều người như tôi, cũng đã từng chủ quan, cho rằng nó đến rồi nó đi. Phàm là con người sống trên đời là phải luôn luôn chiến đấu với các loại dịch, nhất là cúm, năm nào chẳng có. Dân gian thì đầy kinh nghiệm, từ lấy tóc đánh gió, tới ngải cứu, tới xông, ăn tỏi, cháo hành, thậm chí là... uống nước tiểu.
Nhưng đến giờ thì không đùa được nữa rồi. Cả thế giới đang căng mình ra mà... đón nhận nó. Tôi thích cách dùng từ đón nhận hơn là chống. Đón nhận là có chống nhưng cũng có cả tìm cách chung sống. Nó như máu người phải có cả hồng cầu và bạch cầu ấy, nó tương hỗ nhau, để tồn tại.
Cả thế giới đang căng mình ra... đón nhận đại dịch Covid-19 (Ảnh: Tổng hợp)
Giữa cái lúc mà dân Hà Nội đang chen nhau mua khẩu trang, tích trữ có, bán lại có, chen nhau như cái thời bao cấp mua vé xe ấy, thì tôi ra Hà Nội. Tất nhiên là không đi vu vơ, mà có việc.
Một Hà Nội khác hẳn những gì tôi thấy trên báo và trên mạng xã hội.
Có thưa vắng hơn, vào các nhà hàng lớn có nhân viên đo thân nhiệt, ở quầy lễ tân và trong cầu thang máy khách sạn để sẵn lọ cồn diệt khuẩn, và quan trọng là, không phải 100% người lúc này đã đeo khẩu trang. Tôi ước chừng 50-60% thôi. Các bạn tôi vẫn mặt trần tiếp tôi.
Thế nhưng khẩu trang vẫn là mặt hàng hiếm. Nghe đồn là ở nước ngoài, sở dĩ họ khuyến cáo người bình thường không đeo khẩu trang là bởi sợ... thiếu. Khẩu trang chỉ dành cho nhân viên y tế, nếu ai cũng đeo thì sẽ thiếu khẩu trang cho những người cần. Một chị có con trai đang ở Pháp kể rằng, con trai chị đã bị taxi từ chối vì đeo khẩu trang vào taxi.
Nên mấy ngày khẩu trang hiếm hơn mì chính thời bao cấp ấy, nhiều chuyện vui đến hài hước đã xảy ra, như tặng nhau khẩu trang thay quà cưới, như đánh bài ăn... khẩu trang. Và không hài hước: Có những cháu học sinh vùng cao dùng giấy làm khẩu trang. Và giáo viên chụp ảnh này đưa lên mạng, bị kiểm điểm vì... bêu xấu ngành. Cũng chả biết là ngành nào.
Vân vi để kể chuyện là, hôm nọ xem ti vi thấy tổ công tác của tổng cục quản lý thị trường vào "tham quan" và phát hiện một "ổ" sản xuất khẩu trang đầy tính chất... mơ hồ, chẳng theo khuôn phép nào, nhưng rồi... bất lực vì không làm gì được. Đây là tổ công tác do Bộ Công thương lập, nhưng về Tỉnh "bắt quả tang" thì Chi cục trưởng của Tỉnh bảo: "Anh chả có quyền gì ra lệnh cho tôi. Chỗ ấy của tôi quản lý v.v..."
Bỏ qua chuyện có tính chất "nội bộ" trong ngành ấy, thì nổi lên một việc cần minh bạch: Ấy là, cần một cơ quan bỏ thời gian ra tính thử, toàn dân Việt Nam mà dùng khẩu trang thì cần mỗi tháng là bao nhiêu, năng lực sản xuất của chúng ta là bao nhiêu, để có thể mở thêm hoặc thu hẹp sản xuất lại và cũng là để phát huy hết nguồn lực trong xã hội, ai sản xuất được khẩu trang đủ chuẩn thì động viên họ làm, cương quyết dẹp những nơi, những ổ sản xuất khẩu trang không đủ chuẩn, khẩu trang dởm. Khẩu trang là để giữ vệ sinh, ngừa dịch bệnh, mà chính nó lại là ổ bệnh thì không thể nào chấp nhận được.
Hiện nay chúng ta đang làm rất tốt phần cách ly người lây nhiễm, dù mấy ngày vừa rồi số ca dương tính liên tiếp lên rất cao. Nhưng so với tình hình chung thì đấy là không thể tránh, bởi số lượng người từ vùng dịch trở về quá đông và lại không tự giác khai báo.
Nhưng phần phòng dịch thì có vẻ vẫn chưa quy củ lắm. Mà phòng dịch thì hai thứ hết sức quan trọng là khẩu trang và nước sát trùng. Có vẻ như ai cũng sản xuất được, ai cũng bán được, mà chưa có những quy chuẩn bắt buộc và những cơ quan giám định cụ thể. Ví dụ, ai kiểm tra chất lượng những thứ đang bán ra trên thị trường?
Ngay ở nhà tôi hiện nay đang có chừng 10 loại nước sát khuẩn do bạn bè và cơ quan tặng, đa phần là tự sản xuất. Có loại có giấy phép, có loại không hoặc chưa và đều được dùng miễn nó... có mùi cồn.
Cũng qua cơn dịch này, chúng ta thấy thêm phẩm chất của người Việt.
Ấy là năng lực tổ chức, chỉ huy. Cùng lúc cách ly hàng vạn người trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng là điều không dễ. Và chúng ta đã làm tốt, thậm chí là... quá tốt, khiến những người bị cách ly cũng... áy náy.
Đã có người tình nguyện trả chi phí cho toàn bộ những ngày được phục vụ miễn phí của họ. Là việc cho đến giờ này, dẫu có ngày tăng lên đến mấy ca, nhưng so với tất cả phần còn lại của thế giới thì nước ta vẫn đang là nơi yên tâm nhất, và chính vì thế mà dòng người Việt ở nước ngoài đang đổ xô về Việt Nam và những người bị dương tính sau này đều là di dân từ Châu Âu về sau ca 17.
Ấy là hành vi tương thân tương ái, hỗ trợ nhau và hỗ trợ Chính phủ trong dịch. Từ phát khẩu trang miễn phí tới ủng hộ quyên góp nhiều tỷ đồng, từ cho mượn khách sạn làm nơi cách ly đến các bác sĩ, y tá về hưu sẵn sàng xung phong cùng chống dịch với các đồng nghiệp.
Đọc tin mà cứ rưng rưng...
280 bác sĩ, y tá về hưu và 700 sinh viên y tình nguyện đi chống dịch Covid-19 (Ảnh: Tổng hợp)
Tuy thế, lại cũng phẫn nộ với những cảnh như đồng loạt phản ứng không bán khẩu trang của cái khu bán vật tư y tế lớn nhất Hà Nội. Một số người về nước tránh dịch thì phán như côn đồ. Một số thì trốn tránh khai báo y tế khiến cơ quan chức năng phải rất vất vả điều tra sơ đồ di chuyển để lên phương án cứu chữa cho chính họ và người nhà của họ...
Nhưng mà, cuộc sống vẫn cứ phải phát triển thôi. Hãy coi dịch bệnh là một phần của đời sống, như hàng ngàn năm hay cha ông chúng ta đã bình tĩnh vượt qua, để có hôm nay...
Có điều là, qua đây chúng ta sẽ có và biết cách để điều chỉnh hành vi sống, từ ăn chơi, học tập đến làm việc.
Thế giới mạng có thể giúp cho con người ngồi một mình trong phòng và quan hệ với cả thế giới mà...